Từ giữa năm 2019, thị trường bất động sản đã bộc lộ những khó khăn nhất định, từ đầu năm 2020, tình hình dịch bệnh hoành hành, khiến nhiều doanh nghiệp thực sự khó khăn, đặc biệt là với các doanh nghiệp đã đầu tư mạnh trước đây không đủ dòng tiền xoay xở thực hiện dự án. Chính trong sự khó khăn này, M&A được đánh giá như một chiếc chìa khóa để mở ra những nút thắt, là sự chuyển giao cần thiết để hình thành nên những cơ hội mới cho thị trường.
Đánh giá về hoạt động M&A trên thị trường BĐS, bà Đỗ Thu Hằng - Giám đốc Bộ phận nghiên cứu - Tư vấn Savills tại Hà Nội cho biết hoạt động mua bán các dự án đang diễn ra khá sôi động do những tác động từ dịch bệnh Covid-19. "Từ năm 2019 đến nay, số liệu của Savills cũng cho biết đã ghi nhận một số dự án bất động sản tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh được thương lượng mua và chuyển nhượng theo hình thức M&A với tổng giá trị hơn 500 triệu USD. Dự kiến, một số giao dịch sẽ diễn ra “thuận buồm xuôi gió”", bà Hằng cho biết.
Cùng qua điểm với đại diện Savills, nhiều chuyên gia cũng cho biết sự khó khăn của thị trường bất động sản do ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19, nhiều chủ đầu tư dự án rơi vào tình trạng khó khăn trong dài hạn về tiềm lực tài chính cũng như thanh khoản nên buộc phải bán trao tay dự án hoặc chấp nhận chuyển nhượng, san sẻ bớt cổ phần... Đây cũng chính là cơ hội M&A các dự án bất động sản cho cả nhà đầu tư nội và ngoại - những người có tiềm lực mạnh về tài chính.
Đứng ở góc độ doanh nghiệp, các chủ đầu tư cho biết M&A là con đường ngắn nhất để các chủ doanh nghiệp đẩy nhanh việc phát triển quỹ đất sạch, để thực hiện các dự án. Thông qua các thương vụ M&A, giúp cho doanh nghiệp tiết kiệm được rất nhiều thời gian trong việc hoàn thành các thủ tục pháp lý, cũng như giải quyết những vấn đề liên quan đến đền bù và giải tỏa mặt bằng. Việc M&A các dự án thân thiện, không chỉ giúp doanh nghiệp rút ngắn về thủ tục, mà trên thực tế, câu chuyện này còn mang lại sự "win - win" cho các bên, cũng như cho thị trường.
Thực tế cho thấy, thời gian qua hàng loạt các thương vị chuyển nhượng lớn đã diễn ra trên thị trường. Cụ thể, trên địa bàn TP.HCM, tháng 1/2020 Tập đoàn Mitsubishi Corporation và Nomura Real Estate thông báo giao dịch mua 80% cổ phần của một dự án với diện tích khoảng 26ha tại TP.HCM.
Đến tháng 3/2020, Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn xác nhận chuyển nhượng thành công 20% phần vốn góp tại dự án Khu nhà ở phía Nam đường Xuyên Á từ Công ty cổ phần Địa ốc 9. Ngoài ra doanh nghiệp này cũng lên kế hoạch mua lại các quỹ đất ở thị trường tỉnh trong thời gian tới và đang gấp rút hoàn tất hồ sơ chuyển nhượng dự án Gem Premium (Thủ Đức, TP.HCM) cho Tập đoàn Đất Xanh.
Mới đây nhất, Công ty cổ phần Đầu tư LDG Group đã công bố chính thức nhận chuyển nhượng 99,99% cổ phần của Công ty cổ phần Bất động sản Hiệp Phúc, trở thành chủ đầu tư Tổ hợp căn hộ Sông Đà Riverside (quận Thủ Đức, TP.HCM). Với thị trường BĐS tỉnh, Hưng Thịnh Group thông qua thương vụ M&A thâu tóm một khu đất có diện tích hơn 1.000 ha tại tỉnh Lâm Đồng.
Một đại gia địa ốc khác thời gian gần đây cũng liên tục có những thương vụ M&A nghìn tỷ là là Tập đoàn Danh Khôi. Mới đây, tập đoàn này vừa thực hiện thành công thương vụ M&A dự án tại Đà Nẵng từ tay một nhà đầu tư Nhật Bản. Theo đó, Danh Khôi đã mua lại 100% nguồn vốn từ Công ty TNHH MTV Đầu tư Sun Frontier với giá trị lên đến hàng nghìn tỷ đồng để trở thành chủ đầu tư dự án Sun Frontier tọa lạc trên đất vàng đường Bạch Đằng. Sau khi mua lại dự án này, Danh Khôi hiện đã bắt tay triển khai với tên gọi mới là The Royal – Boutique & Condo Da Nang (The Royal).
Tại Đà Nẵng, Danh Khôi cũng mua lại dự án ven biển Hotel And Resort Đà Nẵng từ Công ty Cổ Phần Đầu Tư Du Lịch Hà Nội Non Nước. Hotel And Resort Đà Nẵng có quy mô diện tích 7,5 hecta, vị trí khá đắc địa trên đường Trường Sa, Phường Hòa Hải, Quận Ngũ Hành Sơn, là dự án từng có lịch sử bị "trùm mền" khá lâu. Sau khi mua lại, Tập đoàn Danh Khôi đang tiến hành xây dựng với tên gọi dự án mới là Aria Đà Nẵng Hotel & Resort (Aria Đà Nẵng).
Ngoài những thương vụ M&A kể trên, Tập đoàn Danh Khôi còn được biết đến là chủ nhân mới trong thương vụ mua lại 3 lô đất "vàng" có quy mô diện tích hơn 11.000 m2 thuộc Khu dân cư Cồn Tân Lập, Thành phố Nha Trang, Khánh Hòa. Sau khi mua lại dự án này, Tập đoàn Danh Khôi đang biến khu đất vàng này thành một dự án đẳng cấp với tên gọi The Aston Luxury Residence Nha Trang.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM, thị trường bất động sản thời gian qua đang có sự chuyển giao khá mạnh giữa các doanh nghiệp không chuyên nghiệp sang các doanh nghiệp chuyên nghiệp. Sự chuyển giao này là vô cùng cần thiết, làm tăng tính thanh khoản thị trường, giúp giảm hàng tồn kho và phục hồi niềm tin thị trường.
"Nếu không có những doanh nghiệp thực sự chuyên nghiệp, thì sẽ không có những khu đô thị, dự án được mọc lên một cách bài bản, đồng bộ", ông Châu nói và dẫn chứng, nhiều năm trước, ở các đô thị lớn, có khá nhiều dự án từng bị "trùm mền" hàng năm trời, nhưng chính nhờ sự chuyển giao trên thị trường đã biến những dự án "trùm mền" thành những khu dân cư hiện đại", ông Châu cho biết.
Quan sát thực tế cho thấy, hoạt động M&A đang góp phần thúc đẩy thị trường BĐS phát triển bền vững hơn. Từ những dự án trùm mền sau khi chuyển giao về cho các chủ đầu tư mới này đã nhanh chóng được "sống lại". Lấy dẫn chứng từ câu chuyện M&A dự án Sun Frontier ở Đà Nẵng. Đây là dự án có vị trí vô cùng đắc địa ngay trung tâm Thành phố Đà Nẵng nhưng bị "đắp chiếu" suốt nhiều năm. Hay như dự án Đà Nẵng Hotel And Resort cũng có "thâm niên" bị đắp chiếu và tương tự là dự án Sông Đà Riverside tại TP.HCM…
Khó khăn chung của thị trường tạo tiền đề cho sự sôi động của hoạt động M&A. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, Việt Nam là một thị trường mới nổi, nên việc thực hiện nhiều thương vụ M&A vẫn còn nhiều thách thức. Để thúc đẩy nhiều hoạt động M&A hơn, cần phải cải thiện mức độ minh bạch cũng như đẩy nhanh quá trình phê duyệt pháp lý, thu hút nhà đầu tư nước ngoài.