Thực tế sản xuất cho thấy, sở dĩ mô hình nuôi tôm siêu thâm canh được đông đảo nông dân, doanh nghiệp quan tâm bởi sản lượng cao vượt trội, tỉ lệ thành công cao hơn so với hình thức nuôi tôm công nghiệp truyền thống rất nhiều.
Siêu thâm canh, nhà kín trải bạt và trong… chậu
Sau khi Cty Việt-Úc Bạc Liêu thành công với mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kín, nhiều địa phương khác đến học tập và phát triển đến... chóng mặt.
Tại các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng nơi được xem là thủ phủ tôm của cả nước đang có bước chuyển dài từ nuôi tôm quảng canh, thâm canh sang siêu thâm canh.
Ông Trương Quốc Tuấn - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Việt-Úc Bạc Liêu - cho biết: “Mô hình siêu thâm canh trong nhà kín dễ kiểm soát nước, dịch bệnh, thức ăn,… lại nuôi ở mật độ dày nên hiệu quả rất cao”.
Bạc Liêu đã quy hoạch vùng nuôi theo mô hình này tại thị xã Bạc Liêu và một phần của huyện Hòa Bình, Đông Hải chủ yếu là các DN thực hiện.
Trong khi đó, tại Cà Mau diện tích nuôi tôm siêu thâm canh phát triển chóng mặt. Hiện tỉnh này có hơn 9.600 ao nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh, diện tích đang thả nuôi chiếm khoảng 51%. Trong đó, nuôi tôm siêu thâm canh có 570 hộ với hơn 675ha, năng suất thu hoạch bình quân từ 20 - 50 tấn/ha/vụ, tỉ lệ thành công chiếm hơn 85%. Năng suất và tỉ lệ thành công khiến người dân lựa chọn mô hình này cho vụ tôm năm 2018.
Tại huyện Năm Căn (Cà Mau), theo quy hoạch được duyệt, diện tích nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh đến năm 2020 là 2.800ha, định hướng đến năm 2025 đạt 5.620ha. Tuy nhiên, ngay vụ tôm này đã có đến trên 500ha nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh. Hiện tại nhiều hộ nuôi cũng đăng ký nuôi theo mô hình siêu thâm canh.
Phó Trưởng phòng NNPTNT huyện Năm Căn Trương Quốc Duẩn so sánh: “Giữa nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh có điểm tương đồng về thiết kế ao nuôi, chỉ khác nhau là có và không lót bạt. Tuy vậy, hình thức nuôi tôm siêu thâm canh có lợi thế hơn hẳn, bởi sự an toàn ao do không bị ảnh hưởng lớn từ môi trường bên ngoài tác động. Mặt khác, do sử dụng bạt lót đáy ao nên khâu xử lý ao sau vụ nuôi cũng dễ, đỡ mất thời gian, đồng thời thả được mật độ dày hơn, tỉ lệ thành công đạt trên 80%, đặc biệt năng suất cao hơn gấp 2-3 lần so với nuôi không lót bạt”.
Tại huyện Cái Nước, diện tích nuôi tôm siêu thâm canh cũng tăng dần. Thống kê của Phòng NNPTNT huyện cho thấy khả năng vụ tôm năm 2018 này toàn huyện sẽ có đến 161 hộ đăng ký nuôi với diện tích 18ha trong tổng số trên 2.000ha được phép nuôi tôm thâm canh của huyện.
Ông Huỳnh Quốc Việt - Bí thư Huyện uỷ Cái Nước - cho biết, quan điểm của huyện là không chú trọng phát triển diện tích mà tập trung vào hiệu quả và bảo vệ môi trường. Phải có cơ chế hỗ trợ để người dân tiếp cận vốn vay và thực hiện áp giá điện cho người nuôi tôm.
Ông Cao Vĩnh Ty (khóm Hàng Vịnh, thị trấn Năm Căn, người có nhiều năm kinh nghiệm nuôi tôm) cho rằng “Nuôi tôm lót bạt mùa mưa chỉ sợ thiếu độ kiềm do nước ngọt, mùa nắng không bị ô nhiễm môi trường do tác động từ đất. Tuy nhiên, phải đảm bảo nguồn thức ăn vừa đủ, không để thừa dễ gây nhiễm nguồn nước, hạn chế chi phí thức ăn, đặc biệt mô hình phải đảm bảo từ khâu nuôi đến việc xả thải theo đúng quy định”. Qua hai vụ nuôi theo mô hình siêu thâm canh, ông Ty lãi trên 400 triệu đồng cho 1.000m2 ao nuôi. Sắp tới, ông sẽ bỏ nuôi theo kiểu truyền thống để áp dụng mô hình siêu thâm canh.
Cũng nuôi tôm siêu thâm canh, nhưng tôm nuôi hoàn toàn trong cái chậu lớn để khơi khơi trên mặt đất - mô hình mới xuất hiện tại Bạc Liêu do Trường Đại học Bạc Liêu liên kết với Cty TNHH MTV sản xuất thương mại, dịch vụ Khôi Nguyên phối hợp thực hiện. Hệ thống công trình nuôi bao gồm các hồ tròn: 1 hồ lắng, xử lý nước trước khi cung cấp vào hệ thống hồ nuôi; 2 hồ thương phẩm (100m3/hồ); 1 hồ lọc nước tuần hoàn nuôi cấy vi sinh và thu gom chất thải; 1 hồ composite thu bùn thải ao nuôi. Mật độ thả giống 300 con/m3. Theo đơn vị thực hiện, tỉ lệ tôm thu hoạch ước tính khoảng 80%, kích cỡ 40 con/kg, năng suất đạt khoảng 600kg/100m3. Công ty dự định sẽ chuyển giao cho người nuôi ngay trong năm nay.
Bài học môi trường
Hiệu quả của mô hình siêu thâm canh đã được biết đến qua 2 năm nay. Tuy nhiên, lượng nước, thức ăn, quy trình kỹ thuật đòi hỏi phải đảm bảo môi trường an toàn tuyệt đối cho vùng nuôi. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử nhận định “Nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh - hiện một số cán bộ chưa nắm vững về quy định và điều kiện nuôi cũng như thực trạng tại một số cơ sở đang nuôi. Phải tập huấn lại kỹ thuật cho người dân, vì đó là điều kiện quyết định thành công của vụ nuôi. Cần phải kiểm tra lại chuyên môn việc lập biên bản kiểm tra, thẩm định cơ sở nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh, vì việc này hiện còn rất sơ sài”.
Cà Mau cũng liên tiếp ban hành công văn nhắc nhở về môi trường liên quan đến việc xả nước, cấp nước cho vùng nuôi tôm siêu thâm canh sao cho không ảnh hưởng đến các hộ nuôi khác.
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo Sở NNPTNT chủ trì, phối hợp các sở, ngành, địa phương… tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy định về điều kiện, quy trình nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh phù hợp với tình hình thực tế. Yêu cầu các doanh nghiệp hợp đồng cung ứng giống, thức ăn, vật tư đầu vào cho hộ nuôi tôm cam kết hướng dẫn cho nhân dân thực hiện đúng quy trình xây dựng ao đầm theo mô hình của đơn vị đã đăng ký, được Sở NNPTNT chấp nhận nhằm bảo đảm xử lý nước thải, chất thải khi nuôi tôm, bảo đảm không ô nhiễm môi trường và an toàn về điện.
Lãnh đạo tỉnh Cà Mau giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công Thương, Công ty Điện lực Cà Mau phối hợp Sở NNPTNT rà soát các quy định, chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm về môi trường, về an toàn sử dụng điện trong hoạt động nuôi tôm để hướng dẫn, tuyên truyền cho hộ dân thực hiện một cách nghiêm túc, kiên quyết xử lý hành vi sai phạm.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau còn giao Chủ tịch, Phó Chủ tịch phụ trách lĩnh vực sản xuất ở các huyện, TP.Cà Mau khẩn trương thành lập các tổ công tác để kiểm tra, chấn chỉnh những hạn chế, tồn tại trong chỉ đạo sản xuất của chính quyền cấp xã. Trong đó đặc biệt lưu ý kiểm tra, khắc phục những hộ đang nuôi tôm nhưng chưa đủ điều kiện, còn xả thải ra bên ngoài; tuyên truyền cho nhân dân biết, thực hiện quy định phải đăng ký với chính quyền địa phương khi có kế hoạch đầu tư nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh; khảo sát, hướng dẫn các hộ đăng ký nuôi xây dựng ao đầm đúng quy định…
Sự thận trọng cần thiết
Tỉnh Cà Mau chủ trương kiềm chế, không để tình trạng phát triển tràn lan dẫn đến mất kiểm soát, làm ảnh hưởng đến sự phát triển chung của ngành tôm.
Thời gian qua, UBND tỉnh Cà Mau đã tổ chức nhiều chuyến kiểm tra tại các địa phương. Điều đáng nói là phần lớn số hộ được kiểm tra chưa đảm bảo các điều kiện cần thiết khi đầu tư nuôi tôm siêu thâm canh, như: Chưa có khu xử lý nước thải, lén lút xả thải trực tiếp ra môi trường; đầu tư khu xử lý nước thải, nhưng chưa đạt yêu cầu; hệ thống điện phục vụ nuôi tôm chưa đảm bảo an toàn…
Cụ thể, theo báo cáo, hiện huyện Đầm Dơi có khoảng 300 hộ đầu tư với 300ha diện tích nuôi tôm siêu thâm canh. Qua kiểm tra phát hiện 84 hộ thiếu điều kiện và cần bổ sung để hoàn thiện, 48 hộ không đủ điều kiện để thả nuôi… Còn tại huyện Phú Tân có đến 64 hộ chưa đáp ứng đầy đủ kỹ thuật, quy trình nuôi chưa đảm bảo như hướng dẫn của ngành chuyên môn.
Ngoài ra, các doanh nghiệp có hợp đồng cung ứng giống, thức ăn, vật tư đầu vào phải cam kết hướng dẫn cho người dân thực hiện đúng quy trình xây dựng ao đầm theo mô hình của đơn vị đã đăng ký, được Sở NNPTNT chấp nhận, bảo đảm xử lý nước thải, chất thải khi nuôi tôm, không ô nhiễm môi trường và an toàn về điện...
"Nếu địa phương nào để xảy ra tình trạng người dân tự phát nuôi tôm siêu thâm canh không bảo đảm các yếu tố kỹ thuật thì chủ tịch UBND cấp đó phải chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND cấp quản lý trực tiếp" - Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải