Lãi đậm trong nửa đầu năm, nhưng dòng tiền vào ra lại cho thấy nhiều nhà băng đã bị hao hụt những khoản tiền không nhỏ. Thống kê tại 16 ngân hàng cho thấy, lưu chuyển thuần của các nhà băng này trong 6 tháng đầu năm 2018 âm tới 123.041 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái đạt dương 55.402 tỷ đồng. Trong đó, có 9 ngân hàng có dòng tiền âm.
Dòng tiền thuần của ngân hàng có 3 khoản mục chính là lưu chuyển tiền từ hoạt động kinh doanh, đầu tư và tài chính. Thông thường, dòng tiền vào – ra lớn nhất tại các ngân hàng chủ yếu là từ hoạt động kinh doanh, phản ánh tiền thu, tiền chi liên quan đến huy động – cho vay của NHTM như thu lãi, phí cho vay; thu hồi cho vay; chi cho vay; nhận tiền gửi,…Đi cụ thể vào từng ngân hàng, nguyên nhân khiến tiền chảy mạnh ra khỏi nhà băng cũng khá đa dạng.
Vietcombank, VietinBank, LienVietPostBank, SCB và MB là những ngân hàng có dòng tiền hao hụt nhiều nhất trong nửa đầu năm.
Lưu chuyển tiền thuần trong kỳ của các ngân hàng - Đồ họa: Hương Xuân
Là ngân hàng có lợi nhuận cao nhất trong hệ thống, nhưng Vietcombank cũng là ngân hàng có dòng tiền hao hụt nhiều nhất. Lưu chuyển tiền thuần trong kỳ tại nhà băng này âm tới 130.725 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái dương 10.140 tỷ đồng.
Nguyên nhân lớn nhất là do Kho bạc Nhà nước đã rút mạnh tiền gửi tại ngân hàng này (hơn 97.500 tỷ đồng). Được biết, đây chủ yếu là số tiền mà Ngân sách nhà nước thu về từ thương vụ bán Sabeco cho Thaibev hồi cuối năm 2017 rồi gửi vào Vietcombank. Trong 2 quý đầu năm 2018, Kho bạc Nhà nước cho biết đã rút phần lớn số tiền này để đầu tư, ngoài ra cũng chuyển một phần tiền gửi từ các ngân hàng thương mại sang NHNN để tạo điều kiện cho điều hành chính sách tiền tệ.
Số dư tiền gửi thanh toán của Kho bạc Nhà nước tại Vietcombank
Nguyên nhân nữa khiến dòng tiền tại Vietcombank bị âm là trong khi tiền gửi của khách hàng chỉ tăng khoảng 56 nghìn tỷ thì cho vay khách hàng tăng tới hơn 62,6 nghìn tỷ đồng. Cùng với việc sụt giảm dòng tiền thuần, tổng tài sản của Vietcombank cũng đã tuột mốc 1 triệu tỷ đồng đến cuối tháng 6.
VietinBank lại là câu chuyên khác. Nửa đầu năm, ngân hàng này tăng cho vay 74.200 tỷ đồng, giảm các khoản tiền gửi/vay các TCTD gần 40.000 tỷ đồng (trong khi cùng kỳ tăng mạnh 34 nghìn tỷ). Đồng thời, VietinBank còn thanh toán khoản công nợ hoạt động hơn 74.600 tỷ đồng trong khi cùng kỳ chỉ hơn 2.600 tỷ. Kết quả, lưu chuyển tiền thuần của VietinBank bị âm 26.831 tỷ đồng.
Trường hợp tại MB, ngân hàng này bị âm đồng thời ở cả 3 khoản mục lưu chuyển tiền thuần từ kinh doanh, đầu tư và tài chính. Tổng lưu chuyển tiền thuần trong kỳ bị âm 4.692 tỷ đồng. Trong đó, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh bị âm hơn 3.300 tỷ, chủ yếu do các khoản cho vay và ứng trước khách hàng tăng hơn 20.000 tỷ trong khi tiền gửi của khách hàng chảy vào chỉ tăng hơn 14.600 tỷ đồng. Trong kỳ, MB cũng đã chi trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông hơn 1.000 tỷ dẫn đến việc lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính bị âm.
Tuy dòng tiền của 3 ngân hàng trên bị âm xuất phát từ nhiều nguyên do, tuy nhiên đều có điểm tích cực chung là không phải do chênh lệch giữa chi phí lãi và thu nhập lãi. Chi phí lãi tại 3 ngân hàng này đều có tỷ lệ trên thu nhập từ lãi khá thấp: như MB là 41%, VietinBank 55%, Vietcombank 53%, từ đó đem lại lợi nhuận cao trong kỳ. Trong khi đó, tại SCB, tỷ lệ này lên tới đến 98% và đây cũng là một trong những lý do chính khiến lưu chuyển tiền từ hoạt động kinh doanh của SCB hay bị âm, đồng thời lợi nhuận thấp. Ngoài ra, SCB còn tăng mạnh cho vay khách hàng (hơn 31.800 tỷ đồng) trong khi tiền gửi của khách hàng chỉ tăng hơn 16.400 tỷ đồng cũng là một nguyên nhân dẫn đến dòng tiền bị âm 4.716 tỷ đồng.