Trong bối cảnh các kênh liên lạc chính thức giữa Mỹ và Trung Quốc đang bị tác động khi căng thẳng song phương gia tăng, một doanh nhân Mỹ kỳ cựu đã đến Bắc Kinh để gặp các lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc, qua đó đóng vai trò như một kênh "không chính thống" giữa hai nước.
John Thornton, giám đốc điều hành của Tập đoàn Barrick Gold và cựu chủ tịch Goldman Sachs, đã gặp Phó Thủ tướng Hàn Chính tại Bắc Kinh vào cuối tháng 8, trong đó tập trung vào các vấn đề như biến đổi khí hậu, Tân Cương, hay những điều kiện cần để nối lại đàm phán song phương, một nguồn tin thân cận cho biết.
Thornton, người cũng giữ vị trí là đồng chủ tịch Bàn tròn Tài chính Mỹ- Trung, đã đóng vai trò là một kênh liên lạc không chính thống giữa hai nước trong chuyến đi kéo dài 6 tuần, bao gồm 3 tuần tại Thượng Hải trước khi ông gặp các quan chức cấp cao Trung Quốc tại Bắc Kinh vào cuối tháng 8.
Sau đó, Thornton tiếp tục có chuyến đi một tuần đến Tân Cương, khu vực cực tây của Trung Quốc nơi Washington cáo buộc Bắc Kinh đã có hành vi diệt chủng đối với cộng đồng thiểu số người Duy Ngô Nhĩ.
Đáng chú ý, vị doanh nhân này đã được tạo điều kiện tiếp cận chưa từng có vào thời điểm Trung Quốc gần như đóng cửa hoàn toàn với người nước ngoài kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Ông là một trong số ít người nước ngoài có các cuộc gặp với lãnh đạo Trung Quốc tại Bắc Kinh và qua đó truyền tải thông điệp giữa hai bên.
"Chuyến đi của Thornton gần giống với hành trình bí mật của Kissinger tới Trung Quốc vào năm 1971", một nguồn tin nói.
Nhà Trắng trong những tháng gần đây đã mong muốn thúc đẩy một cuộc gặp trực tiếp giữa Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm hi vọng giải quyết các bất đồng. Nhưng phía Trung Quốc cho rằng điều này là khó có thể xảy ra trước thời điểm cuối năm, trong khi vẫn để ngỏ khả năng mở lại các cuộc đàm phán.
Bắc Kinh cũng yêu cầu Wahsington cần điều chỉnh cách tiếp cận cứng rắn và các phát ngôn nhằm vào những vấn đề mà Trung Quốc quan tâm, như đã được nêu trong các cuộc gặp giữa Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman và các quan chức Trung Quốc hồi tháng 7.
Một trong những vấn đề đó là việc rút yêu cầu dẫn độ bà Mạnh Vãn Châu, giám đốc phụ trách tài chính của Huawei, trước đó đã bị bắt giữ ở Canada vào tháng 12/2018. Trong một diễn biến bất ngờ, bà Mạnh đã quay trở lại Trung Quốc khi đạt được thoả thuận với các công tố viên Mỹ nhằm giải quyết các vấn đề pháp lý.
"Ông Hàn Chính nói với Thornton rằng Trung Quốc không mong muốn thách thức hay thay thế vị trí của Mỹ. Hai nước nên nối lại hợp tác, nhưng chỉ trên điều kiện tiên quyết là tôn trọng lẫn nhau, nghĩa là Mỹ nên đối xử với Trung Quốc như đối tác bình đẳng", nguồn tin nói.
Ông Hàn Chính cũng yêu cầu chính quyền Biden cần sớm từ bỏ cách tiếp cận hai chiều với Trung Quốc, vốn bao gồm việc tiếp nối các chính sách trước đó của ông Trump trong việc cạnh tranh với Trung Quốc trên các lĩnh vực, trong khi vẫn mở ra cơ hội hợp tác ở một số khía cạnh giới hạn, ví như khí hậu. Theo đó, việc tiếp tục quan điểm cứng rắn của cựu tổng thống trước sẽ không hiệu quả, ông Hàn Chính nói với Thornton.
Trước khi tới Trung Quốc, Thornton đã thảo luận chuyến đi với quan chức Nhà Trắng phụ trách mối quan hệ Mỹ - Trung. Vị quan chức này được cho đã hai lần yêu cầu ông Thornton không đến Tân Cương, do lo ngại điều này sẽ coi như sự công nhận của Washington rằng Trung Quốc đang sử dụng các chính sách cưỡng ép tại khu tự trự người Duy Ngô Nhĩ.
Nhưng chuyến đi đến Tân Cương của Thornton thực chất nhận được sự hoan nghênh từ ông Hàn Chính. Ông nói rằng Thornton nên nói với các quan chức Mỹ những gì ông thấy ở Tân Cương, và Mỹ nên nghĩ lại về tiêu chuẩn kép mà nước này đang áp dụng.
Trong khi ở Bắc Kinh, Thornton cũng gặp Đại diện đàm phán về biến đổi khí hậu của Trung Quốc Xie Zhenhua trước chuyến thăm của Đặc phái viên Tổng thống Mỹ về biến đổi khí hậu John Kerry đến đây, cũng như đối thoại với các quan chức cấp cao của Trung Quốc tại Thiên Tân từ 21/8-3/9.
Thornton nói với ông Hàn Chính rằng ông tin rằng Kerry giữ vai trò quan trọng không chỉ trong các cuộc đàm phán về khí hậu, mà còn về cả mối quan hệ Mỹ-Trung.
Thornton nói ông hiểu Trung Quốc sẽ không đáp ứng các yêu cầu của Mỹ trong việc hoàn thành sớm trước thời hạn mục tiêu 2030 về mức đỉnh phát thải khí Co2, và đề nghị Trung Quốc thay đổi câu chữ từ "vào 2030" thành "trước 2030" – bước đi nhằm xoa dịu Mỹ thay vì phải cam kết vào một thời điểm cụ thể.