Khu đất tại số 8-12 Lê Duẩn (quận 1, TPHCM) có tổng diện tích 4.896,3 m2 gồm 2 phần: Khu đất tại số 8 đường Lê Duẩn có diện tích 3.433,3 m2 và nhà đất tại số 12 đường Lê Duẩn có diện tích 1.463 m2.
Trong đó, khu đất tại số 8 Lê Duẩn trước năm 1975 là tài sản của Công ty Esso Eastern, INC. Sau năm 1975, Bộ Vật tư (nay là Bộ Công thương) tiếp quản giao cho Liên hiệp cung ứng vật tư Khu vực 2 sử dụng làm văn phòng.
Đến năm 1985, Khu vực 2 giao cho 3 đơn vị trực thuộc là: Công ty thiết bị phụ tùng Miền Nam, Công ty Kim khí Miền Nam và Công ty hóa chất vật liệu điện Miền Nam trực tiếp sử dụng và ký hợp đồng cho thuê đối với Công ty quản lý kinh doanh nhà TPHCM (Nay là Công ty TNHH một thành viên quản lý kinh doanh Nhà TPHCM). Nhà đất đã được xác lập quyền sở hữu nhà nước tại quyết định số 11263/QÐ-UB ngày 25/3 /1994 của UBND TPHCM.
Khu đất tại số 12 Lê Duẩn là đất thuộc tài sản của Công ty Shell. Sau ngày 30/4 /1975, Bộ Vật tư tiếp quản và được cấp phép tạm sử dụng. Đến näm 1990, Bộ Vật tư có Quyết định số 96/VT-QÐ chuyển đổi trụ sở làm việc cho Công ty vận tải nhiên liệu VITACO về số 12 Lê Duẩn. Diện tích đất này sau đó đã được lập quyền sở hữu nhà nước theo quyết định số 12710/QÐ-UB ngày 4/4/1994.
Sau khi 2 khu đất trên được xác lập quyền sở hữu nhà nước, Công ty Quån lý kinh doanh nhà thành phố HCM tiếp tục quản lý và ký hợp đồng cho thuê nhà đất với 4 đơn vị thuộc Bộ công thương là Công ty thiết bị phụ tùng Sài Gòn, Công ty Kim khí Thành Phố, Công ty hóa chất vật liệu điện thành phố và Công ty vận tải nhiên liệu VITACO (sau đây gọi tắt là 4 công ty Bộ Công thương).
Thực hiện phương án sắp xếp theo quyết định số 09/QÐ-TTg ngày 19/1/2007 của Thủ tướng chính phủ, TPHCM đã có chủ trương sử dụng khu đất trên để xây khách sạn tiêu chuẩn 5 sao và có một phần là TTTM. Do đó, TPHCM giao cho Công ty TNHH một thành viên quản lý kinh doanh Nhà TPHCM thu hồi và quản lý mặt bằng trong thời gian chuẩn bị đầu tư. Giao Bộ Kế hoạch đầu tư làm việc với các cơ quan liên quan để tham mưu cho thành phố lựa chọn nhà đầu tư có kinh nghiệm về khách sạn để triển khai.
Tuy nhiên, theo đề nghị của Bộ Công thương và sau nhiều lần thay đổi về chủ trương và phương án đầu tư, tháng 10/2010 UBND TPHCM đã đồng ý thành lập Công ty cổ phần để thành lập dự án với vốn góp: 4 công ty của Bộ Công thương là 50% và Công ty TNHH một thành viên quản lý kinh doanh Nhà TPHCM (Công ty TNHH MTV) là 50%.
Được biết, trước đó, 6/8/2010, Công ty TNHH MTV đã có văn bản xin UBND TPHCM cho phép Công ty TNHH Môt thành viên Hoa Tháng Näm được góp 30% trong tổng số vốn góp 50% của Công ty TNHH MTV trong dự án này. Đáng chú ý, Công ty Hoa Tháng Năm chưa hề triển khai dự án nào trước đây.
Cùng thời điểm trên, ngày 20/8/2010, 4 Công ty thuộc Bộ Công thương đã ký thỏa thuận nguyên tắc với Công ty trách nhiệm hữu hạn đầu tư Kinh Ðô (nay là Công ty TNHH đầu tư Kido) để chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp 50% dự án cho Kido theo giá trị chuyển nhượng tự thỏa thuận.
Nguyên tắc chuyển nhượng, hợp đồng sẽ được chuyển nhượng ngay sau khi 4 công ty thuộc Bộ Công thương chính thức trở thành cổ đông sáng lập của Công ty cổ phần (Công ty Lavenue).
Nhằm thực hiện thỏa thuận nguyên tắc trên, ngày 15/9/2010, 4 Công ty trên đã ký hợp đồng vay vốn của Công ty Kido với khoản vay của mỗi doanh nghiệp là 12.500.000.000 đồng để góp đủ số vốn cổ đông sáng lập thành lập Công ty Lavenue, tương ứng 12,5% vốn điều lệ Công ty.
Sau khi Công ty Lavenue được thành lập ngày 10/9/2010, Sở kế hoạch đầu tư đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp số 0310306044. Đến ngày 29/10/2010, 4 công ty thuộc Bộ Công thương đã ký hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại Công ty cổ phần đầu tư Lavenue cho Công ty trách nhiệm hữu hạn đầu tư Kinh Ðô, số lượng cổ phần chuyển nhượng mối doanh nghiệp là 1.250.000 cổ phần, giá trị chuyển nhượng là 50.000 đồng/cổ phần, tổng giá trị chuyển nhượng của mỗi công ty là 62,5 tỷ đồng.
Đến nay, Công ty Lavenue đã đăng ký thay đổi Giấy chứng nhận công ty lần thứ 6 với các cổ đông tỷ lệ như sau.
Ngày 14/6/2011, UBND TPHCm đã ban hành quyết định số 3030/QÐUBND chấp thuận cho Công ty Lavenue sử dụng 4.896,3 m2 trong diện tích đất đã thu hồi để đầu tư xây dựng khách sạn thương mại, dịch vụ căn hộ cho thuê với thời gian sử dụng đất 50 năm, hình thức nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất đôi với khu đất số 8 và nhà đất giao đất có thu tiền sử dụng đất hàng năm đối với khu đất số 12.
Quyết định duyệt giá trị quyền sử dụng đất và giá trị công trình xây dựng trên đất này (số 8 Lê Duẩn) theo giá trị trường, là hơn 621,7 tỷ đồng. Duyệt đơn giá thuê đất tại số 12 Lê Duẩn theo giá thị trường là hơn 3,5 triệu/m2/năm. Công ty Cổ phần Đầu tư Lavenue đã nộp đủ số tiền sử dụng đất và nộp tiền thuê đất đến 30/6/2016 vào ngân sách Nhà nước (hơn 700 tỷ đồng).
Theo Thanh tra Chính phủ, việc thu hồi đất có thuận lợi là hiện tại dự án chưa triển khai xây dựng mà hiện đang làm bãi giữ xe. Về kinh tế, hiện nay giá đất tại khu vực đường Lê Duẩn khu trung tâm thành phố có giá trên 400 triệu đồng/m2. Nếu đấu giá khu đất 8-12 Lê Duẩn có vị trí tốt (3 mặt tiền) diện tích 4.896m2 sẽ thu về trên 2.000 tỷ đồng.
Mặc dù vậy, Thanh tra Chính phủ cũng thừa nhận việc huỷ bỏ dự án đầu tư sẽ không tránh khỏi việc gây thiệt hại cho nhà đầu tư, phát sinh khó khăn trong việc xác định bồi thường và có thể ảnh hưởng tới môi trường đầu tư của Thành phố.