Thống kê của chúng tôi từ nguồn dữ liệu về báo cáo tài chính của CafeF cho thấy, cuối quý 1/2019, 22 ngân hàng còn ôm hơn 84.200 tỷ đồng nợ xấu, tăng 5,6% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, nợ nhóm 5 cũng tăng theo với mức tăng của chung 23 ngân hàng là 4% lên con số hơn 46.400 tỷ đồng.
Nợ nhóm 5 là các khoản nợ được đánh giá là không còn khả năng thu hồi, mất vốn. Chủ yếu là các khoản nợ quá hạn trên 360 ngày, nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu quá hạn từ 90 ngày trở lên theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại lần đầu,…nợ phải thu hồi theo kết luận thanh tra nhưng quá thời hạn thu hồi theo kết luận thanh tra trên 60 ngày mà vẫn chưa thu hồi được,…
VietinBank đang là ngân hàng có con số nợ có khả năng mất vốn cao nhất, lên tới 10.488 tỷ đồng, tăng gần 11% so với thời điểm đầu năm. Trước đó, nợ nhóm 5 tại nhà băng này cũng đã tăng mạnh trong năm 2018, từ mức 5.217 tỷ đồng lên 9.470 tỷ, tức tăng tới 45%.
Sau VietinBank là BIDV, trong số hơn 17.800 tỷ đồng nợ xấu của ngân hàng này thì có 7.231 tỷ đồng là nợ nhóm 5, tăng nhẹ 1% so với thời điểm đầu năm. Tuy nhiên, so với cùng kỳ, nợ có khả năng mất vốn của ngân hàng cũng đã tăng khá mạnh (22,6%).
Tại Sacombank, mặc dù còn hơn 5.000 tỷ đồng nợ có khả năng mất vốn nhưng con số này đã giảm rất nhiều so với cách đây 1 năm, giảm tới 37%. 2 ngân hàng khác có trên 4.000 tỷ nợ có khả năng mất vốn còn có Vietcombank (4.926 tỷ đồng) và SHB (4.008 tỷ đồng).
Đơn vị: Tỷ đồng
Đáng lưu ý, nợ có khả năng mất vốn (nhóm nợ các ngân hàng phải trích lập dự phòng cụ thể tỷ lệ 100%) có xu hướng tiếp tục tăng trong 3 tháng đầu năm 2019, mặc dù trước đó trong năm 2018 cũng đã tăng rất mạnh.
17/22 ngân hàng được khảo sát có nợ nhóm 5 tăng trong 3 tháng đầu năm. Trong đó, một số tăng mạnh như Techcombank tăng 36%, VPBank tăng 15%, VietinBank tăng 11%, ACB tăng 11%.
Ngoài ra, nợ nhóm 5 vẫn có tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu nợ xấu với 55%, trong khi đó, nợ nhóm 4 là 20%, nợ nhóm 3 là 25%.
Tại nhiều nhà băng, nợ có khả năng mất vốn chiếm tới hơn 70% như Vietcombank (71%), Sacombank (87%), SHB (74%), Techcombank (79%), VIB (76%), ACB (79%),..
Đơn vị: Tỷ đồng
Mặc dù Nghị quyết 42 được ban hành đã giúp các ngân hàng được chủ động hơn trong việc phát mãi, thu hồi nợ xấu. Tuy nhiên, quá trình xử lý tài sản đảm bảo của các ngân hàng vẫn còn nhiều vướng mắc và mất nhiều thời gian. Nợ xấu chưa xử lý xong, nguy cơ phát sinh các khoản nợ mới chuyển thành nợ xấu vẫn luôn rình rập sau thời gian tăng trưởng tín dụng khá cao.
Đó là những lý do khiến nợ có khả năng mất vốn khó giảm và vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nợ xấu.
Tuy nhiên, theo nhiều ngân hàng cho biết, việc nợ nhóm 5 tăng mạnh trong thời gian qua một phần đến từ việc nợ xấu bán cho VAMC quay trở lại ngân hàng do hết hạn trái phiếu đặc biệt, hoặc chính ngân hàng chủ động nhận lại nợ xấu từ VAMC để tự xử lý. Nhìn theo hướng này, việc nợ nhóm 5 tăng mạnh lại có ý nghĩa tích cực, thể hiện nợ xấu đã thực chất hơn và các nhà băng cũng chủ động hơn trong việc xử lý nợ thay vì giấu diếm.