Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, nhu cầu của người dân về các mặt hàng thiết yếu tăng lên rõ rệt. Hiện trên sàn chứng khoán có các doanh nghiệp đang kinh doanh các mặt hàng thuộc nhóm thiết yếu tiêu biểu như Hàng tiêu dùng Masan (MCH), Tập đoàn KIDO (KDC), Masan MeatLife (MML), Lộc Trời (LTG), Xuất nhập khẩu An Giang (AGM),…
Hàng tiêu dùng Masan (MCH) với vị thế lâu năm trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm chế biến và các sản phẩm ngành gia vị, được người tiêu dùng biết đến với các thương hiệu như: Chin-Su, Nam Ngư, Tam Thái Tử, Omachi, Kokomi, Komi, Heo Cao Bồi…
Tính chung 6 tháng đầu năm 2020 doanh thu Masan Consumer đạt 10.029 tỷ đồng, tăng trưởng 28,4% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 16% lên mức 1.867 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 1.834 tỷ đồng. EPS đạt 2.602 đồng.
Năm 2021, Masan Consumer đặt mục tiêu doanh thu thuần từ 27.000 đến 30.500 tỷ đồng, tăng trưởng từ 16-31% so với doanh thu thực hiện năm 2020 (23.343 tỷ đồng).
Tiếp đó là Kinh Đô (KDC) sau khi thoái mảng bánh kẹo, doanh nghiệp chuyển hướng sang các lĩnh vực hàng tiêu dùng như dầu ăn, kem, sữa chua. Bằng việc thực hiện các thương vụ M&A các công ty trong lĩnh vực dầu ăn, hiện nay đã sở hữu các thương hiệu dầu ăn lớn như Tường An, Golden Hope Nhà Bè, Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam…
KIDO công bố kết thúc 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu thuần đạt 4.898 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước, thực hiện 42,6% kế hoạch năm. Trong đó: doanh thu thuần ngành dầu ăn tăng 36%, chiếm tỷ trọng 83% tổng doanh thu và ngành hàng thực phẩm tăng 22%, chiếm 17% tổng doanh thu.
Lợi nhuận trước thuế đạt 342 tỷ đồng, tăng 86,89% so với cùng kỳ năm ngoái và hoàn thành 42,8% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 351 tỷ đồng, tăng mạnh 163% so với cùng kỳ năm trước.
Giải trình nguyên nhân giúp kết quả kinh doanh tăng trưởng, KDC cho biết do Tập đoàn tiếp tục chiến lược tăng cường các hoạt động bán hàng nhằm đáp ứng nhu cầu hàng hóa trên thị trường, và cùng với việc kiểm soát tốt chi phí đã giúp lợi nhuận trước và sau thuế tăng trưởng mạnh.
Một công ty con khác của Masan là Masan MeatLife (MML) cũng có kết quả kinh doanh ấn tượng, với sự ra đời của dòng thịt mát MeatDeli được đón nhận rộng rãi, kết quả kinh doanh của MML đã bước sang một chu kỳ tăng trưởng mạnh. Chưa kể, sản phẩm thịt mát MeatDeli còn được sự hỗ trợ bởi kênh phân phối rất mạnh là Vinmart+ rộng khắp trên cả nước, nhờ thương vụ hợp nhất giữa Vincommerce và Masan Consumer.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của MML đạt 10.232 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ. Doanh thu tăng trưởng chủ yếu nhờ mảng thịt tích hợp (thịt heo) tăng 36%, doanh thu thức ăn chăn nuôi tăng 33% và đóng góp 630 tỷ đồng từ Công ty 3F Việt (thịt gà).
Lãi ròng 6 tháng của Masan MeatLife đạt 288 tỷ đồng, tăng 239%; lợi nhuận Công ty mẹ đạt 290 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ âm 13 tỷ đồng.
Năm nay, Công ty đã thông qua kế hoạch kinh doanh với doanh thu thuần đạt từ 21.000 - 23.000 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt từ 300 - 700 tỷ đồng. Như vậy, Công ty đã hoàn thành 49% chỉ tiêu doanh thu và 96% chỉ tiêu lợi nhuận theo kế hoạch tối thiểu.
Liên quan đến mặt hàng gạo không thể không nhắc đến Lộc Trời (LTG) và Angimex (AGM).
Mặc dù lợi nhuận quý 2 của Lộc Trời (LTG) giảm mạnh do gánh nặng chi phí tuy nhiên nhờ tình hình khả quan trong quý 1 mà tính chung 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của LTG đạt 5.121 tỷ đồng tăng 132% so với cùng kỳ. Chiếm cơ cấu lớn nhất về doanh thu là mảng lương thực với 2.346 tỷ đồng, tăng 5,4 lần cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế của Lộc Trời sau 6 tháng tăng cao gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm trước, ghi nhận hơn 229 tỷ đồng, trong đó LNST công ty mẹ đạt 227 tỷ đồng.
Hiện công ty đẩy mạnh bán gạo có thương hiệu thay thế dần xuất khẩu gạo hàng hóa; riêng nhãn hiệu Hạt Ngọc Trời đang xuất hiện tại nhiều chuỗi siêu thị lớn như Co.opmart, BigC cũng như gia tăng hiện diện tại Bách Hóa Xanh và VinMart. Lộc Trời đang hướng tới mục tiêu tiêu thụ 1 triệu tấn gạo, thông qua phát triển 1.000 hợp tác xã liên kết, ứng dụng 1.000 thiết bị máy bay không người lái trong sản xuất nông nghiệp vào năm 2024.
Một doanh nghiệp kinh doanh gạo khác là XNK An Giang (AGM) kết thúc 6 tháng đầu năm nay, doanh thu thuần đạt 1.037 tỷ tăng 4,8% với cùng kỳ, lợi nhuận trước thuế của Angimex đạt 17,4 tỷ đồng tăng 20,8% với nửa đầu năm 2020. Lợi nhuận sau thuế của công ty đạt gần 14 tỷ đồng, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Angimex hoạt động trong lĩnh vực lương thực, vật tư nông nghiệp, … với ngành hàng chủ lực là lúa, gạo. Doanh nghiệp này có thể sản xuất cao nhất 2.200 tấn gạo/ngày - 350.000 tấn gạo/1 năm và là một trong những công ty xuất nhập khẩu gạo lớn nhất nước ta, "vua gạo" của tỉnh An Giang.
Đáng chú ý ngoài kết quả kinh doanh tăng trưởng ấn tượng trong nửa đầu năm 2021, cổ phiếu của các doanh nghiệp này cũng có màn tăng giá ngoạn mục trong đó như MML sau nhiều phiên tăng điểm liên tiếp đã lên đỉnh 79.500 đồng/cp, cổ phiếu AGM cũng thiết lập đỉnh giá mới với 35.700 đ/CP…Tuy nhiên KDC mới là cổ phiếu có thanh khoản lớn nhất với hơn 2 triệu cổ phiếu được trao tay bình quân trong 10 phiên giao dịch gần đây.