Giá cổ phiếu đạt 3 con số
Tính đến ngày 20/5/2021 trên sàn hiện có 26 cổ phiếu có giá đạt mức 3 con số trong đó cuộc rượt đuổi giữa RAL và VCF đang diễn ra rất gay cấn khi RAL đã có nhiều phiên chiếm ngôi của VCF.
Ngoại trừ các gương mặt quen thuộc hiện thị trường ghi nhận những gương mặt mới ra nhập vào nhóm cổ phiếu đắt đỏ này như Thế giới số (DGW), Nam Dược (NDC), Masan (MSN), Novaland (NVL), IN4, VEF trong đó đáng chú ý nhất là tốc độ tăng giá của cổ phiếu NVL so với phiên giao dịch hồi đầu năm 2021 giá cổ phiếu NVL đạt mức tăng trưởng 117%.
Tiếp đó là cổ phiếu DHC của Đông Hải Bến Tre tăng 72%, tiếp đó nhiều cổ phiếu khác cũng có mức tăng giá 2 con số trong thời gian qua như NDC, THD, RAL, SLS, DGW, VEF, DP3, MSN, MWG, MCH, IN4, VIC, VHM.
Trong khi có tới 19/26 cổ phiếu có mức giá tăng trưởng thì VJC, CMF và NTC là những cổ phiếu có giá giảm 2 con số kể từ đầu năm đến nay trong đó NTC giảm mạnh nhất từ gần 290.000 đ/CP trong phiên giao dịch hồi đầu năm xuống còn 170.000 đ/CP trong phiên giao dịch ngày 20/5 vừa qua.
Kế hoạch kinh doanh 2021 ấn tượng
Đa phần các doanh nghiệp có cổ phiếu hàng hiệu đều đã công bố kế hoạch kinh doanh năm 2021 với các chỉ tiêu tăng trưởng so với thực hiện 2020.
Trong đó dẫn đầu về mục tiêu doanh thu là ông lớn BĐS Vingroup (VIC), năm 2021 VIC đặt kế hoạch doanh thu thuần 170.000 tỷ đồng tăng 54% so với thực hiện 2020. Với mục tiêu tập trung đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh nhằm củng cố 3 trụ cột chính: Công nghệ - Công nghiệp – Thương mại Dịch vụ trong năm 2021.
Đáng chú ý nhất là kế hoạch tăng trưởng doanh thu của Novaland, năm 2020, Novaland lên kế hoạch doanh thu 27.500 tỷ đồng cao gấp hơn 5 lần thực hiện 2020. Năm 2021, NVL dự kiến bán ra thị trường 10.000 sản phẩm, trong đó bất động sản đô thị trung tâm và du lịch là dòng sản phẩm chính, chiếm 45% mỗi loại, 10% là đô thị trung tâm TP.HCM.
Tiếp đó là mục tiêu của Thaiholdings với tổng doanh thu hợp nhất 6.890 tỷ đồng, gấp 3,78 lần năm ngoái.
Về lợi nhuận dẫn đầu là mục tiêu lãi 28.200 tỷ đồng trong năm 2021 của Vinhomes, mặc dù đặt mục tiêu doanh thu tăng trưởng 26% tuy nhiên lợi nhuận dự kiến sẽ giảm 19%.
Doanh nghiệp có mục tiêu lãi tăng trưởng tốt nhất là Masan (MSN), năm 2021, Masan Group đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt từ 92.000 đến 102.000 tỉ đồng, tăng từ 19% đến 32% so với năm 2020. Lợi nhuận thuần phân bổ cho cổ đông của công ty đạt từ 2.500 đến 4.000 tỉ đồng, tăng trưởng 103% đến 224% so với năm 2020. Tiếp đó THD, MWG, FOC, MCH, CAB, DGW đều đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận ở mức 2 con số.
Ở chiều ngược lại đáng chú ý là kế hoạch của mía đường Sơn La (SLS), niên vụ 2020 - 2021, SLS đặt mục tiêu mang về hơn 816 tỷ đồng doanh thu và 26 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tương ứng giảm 23% và 78% so với thực hiện niên vụ trước.
Tiếp đó SIP cũng dự tính chỉ lãi 520 tỷ đồng trong năm 2021 giảm hơn một nửa so với thực hiện 2020 nguyên nhân là do Đầu tư SG VRG có nguồn thu chính từ cho thuê đất có CSHT và các dịch vụ tiện ích như điện, nước, xử lý nước thải…dự kiến sẽ giảm đáng kể do các khách hàng thuê đất bị ảnh hưởng bởi dịch Covid 19 và suy thoái kinh tế. Tương tự DP3 cũng đề ra mục tiêu lãi 72 tỷ đồng giảm mạnh so với con số 143 tỷ đồng trong năm 2020.
Ngoài các kế hoạch kinh doanh nổi bật kể trên thì WCS dự kiến cả doanh thu và lợi nhuận gần như đi ngang trong năm 2021, IN4 thì dự kiến cả doanh thu và lợi nhuận cùng sụt giảm trong khi đó GAB mặc dù doanh thu chỉ tăng 8% nhưng dự tính sẽ có lãi 6,4 tỷ đồng trong khi năm 2020 lãi vỏn vẹn 791 triệu đồng. Hiện còn RAL, NTC, VJC và VEF vẫn chưa công bố chi tiết các chỉ tiêu kinh doanh cụ thể của năm 2021.
Doanh thu, lợi nhuận quý 1 tăng trưởng cao
Đa phần các doanh nghiệp có cổ phiếu 3 con số đều có kết quả kinh doanh quý 1 ấn tượng trong đó quý I/2021, tổng doanh thu thuần hợp nhất ghi nhận của Vinhomes đạt 12.986 tỷ đồng, tăng 99% so với cùng kỳ năm 2020, chủ yếu nhờ tăng trưởng doanh thu bán lẻ và bán lô lớn bất động sản. Tổng lợi nhuận kế toán hợp nhất trước thuế trong quý I/2021 đạt 7.085 tỷ đồng và lợi nhuận kế toán sau thuế của công ty mẹ đạt 5.396 tỷ đồng, giảm lần lượt 30% và 21% so với cùng kỳ năm 2020.
Đáng lưu ý là kết quả kinh doanh của Thaiholdings, kết thúc quý 1 doanh thu lên tới 1.087 tỷ đồng, gấp 6,7 lần doanh thu đạt được quý 1 năm ngoái. Nhờ ghi nhận khoản thu nhập khác gần 573 tỷ đồng do chuyển nhượng toàn bộ dự án nhà máy xi măng Minh Tâm công suất 4,5 triệu tấn/năm ở Bình Phước của Tập đoàn Thaigroup - CTCP cho CTCP Xi măng Xuân Thành Bình Phước mà Thai Holdings báo lãi trước thuế 486 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 367,6 tỷ đồng, gấp 40 lần lợi nhuận đạt được quý 1/2020.
Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland) cũng đã có quý kinh doanh đầu tiên của năm 2021 rất ấn tượng khi cả doanh thu và lãi ròng đồng loạt tăng trưởng cao. Doanh thu thuần đạt gần 4.507 tỷ đồng, tăng 158% cùng kỳ năm trước, đóng góp lớn đến từ các dự án như Saigon Royal, Victoria Village, Aqua City, NovaHills Mui Ne, NovaWorld Phan Thiet…và các dự án khác tại khu vực trung tâm TP HCM. Lợi nhuận sau thuế hơn 701 tỷ đồng, tăng 132% cùng kỳ năm trước. Novaland còn gây ấn tượng mạnh khi đã thanh toán tổng giá trị vốn gốc và lãi vay 10.050 tỷ đồng cho các khoản vay đến hạn và các khoản vay tất toán trước hạn.
Masan (MSN) công bố Báo cáo tài chính quý 1/2021 với doanh thu thuần 19.977 tỉ đồng, tăng 13,3% so với cùng kỳ. Kết quả đó chủ yếu nhờ vào tăng trưởng hai chữ số ở mảng hàng tiêu dùng và thịt có thương hiệu; tăng trưởng doanh thu 178% của Masan High-Tech Materials (MHT). Sau khi trừ chi phí MSN lãi sau thuế 343 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 216 tỷ đồng. Lợi nhuận dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong các quý tới được Masan kỳ vọng vào việc cải thiện lợi nhuận thương mại tại VinCommerce, kể cả biên lợi nhuận ổn định của MCH cùng lợi nhuận tăng từ MML và MHT.
Hàng không Vietjet (VJC) cũng có kết quả phục hồi tích cực. Theo đó, trong quý I/2021, Vietjet đạt doanh thu và lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ lần lượt là 2.845 tỷ đồng và 110 tỷ đồng. Doanh thu và lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 4.048 tỷ đồng và 123 tỷ đồng.
Đầu tư Sài Gòn VRG (SIP) bất ngờ báo lãi quý 1 gấp 4 lần cùng kỳ. Nguyên nhân, ngoài doanh thu tăng, thì cũng do quý 1 năm nay công ty không có khoản trích lập dự phòng giảm giá đầu tư hơn 110 tỷ đồng như cùng kỳ.
Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (VEF) mặc dù chỉ ghi nhận vỏn vẹn 2,2 tỷ đồng doanh thu, kinh doanh dưới giá vốn khiến VEF lỗ gộp 2,26 tỷ đồng trong khi cùng kỳ cũng lỗ gộp 1,4 tỷ đồng. Lợi nhuận chính của công ty đến từ 72 tỷ đồng doanh thu tài chính – là thu lãi tiền gửi giúp VEF lãi quý 1 đạt 53,5 tỷ đồng cao gấp 4,3 lần so với quý 1/2020.
Ở chiều ngược lại Vinacafe Biên Hòa (VCF) kết thúc quý 1 với doanh thu thuần đạt 399 tỷ đồng, giảm 17,4% so với doanh thu đạt được quý 1/2020. Sau khi trừ chi phí Vinacafe Biên Hòa còn lãi sau thuế đạt 76,3 tỷ đồng, giảm 26% so với lợi nhuận đạt được quý 1/2020 - Đây cũng là mức lãi theo quý thấp nhất kể từ quý 2/2017 đến nay.
Nhiều cổ phiếu có PE dưới mức 10
Giá neo ở mức cao trong khi EPS ở mức thấp khiến cho nhiều cổ phiếu trong nhóm này có chỉ số P/E cao ngất ngưởng trong đó phải kể đến P/E của GAB lên tới 1.205; VEF là 160,7; CAB là 103,6. Tuy nhiên nhiều cổ phiếu có P/E dưới mức 10 đáng chú ý như VCF, RAL, SLS, DP3.
Có thể thấy đa phần các mã cổ phiếu có thị giá cao trên sàn chứng khoán đều là các doanh nghiệp tốt và có kết quả kinh doanh ổn định. Việc thị trường chứng khoán xuất hiện những cổ phiếu có kết quả kinh doanh tốt, giá trị cao cho thấy những kỳ vọng của nhà đầu tư đối với doanh nghiệp đồng thời dù ít dù nhiều, các doanh nghiệp này cũng góp phần lớn làm cho vốn hóa thị trường chứng khoán tăng nhanh đáng kể.