Từ năm 2012 đến nay, nằm trong đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020, nhiều thương vụ mua bán sáp nhập, hợp nhất (M&A) đình đám giữa các ngân hàng đã được thực hiện. Có những thương vụ hoàn tất một cách êm đẹp song cũng có những thương vụ là gánh nặng kéo dài cho những ngân hàng nhận sáp nhập. SHB, Sacombank, BIDV,.. là những ví dụ điển hình cho việc sau sáp nhập phải tập trung xử lý nợ xấu, tái cơ cấu dẫn tới kìm tốc độ tăng trưởng.
Có lẽ vì lẽ thế mà các ngân hàng bắt đầu dè chừng hơn trong việc tìm đối tác thực hiện M&A, số thương vụ sáp nhập trong ngành ngân hàng cũng giảm dần trong 2 năm trở lại đây. Thông tin cổ đông HDBank và PGBank bất ngờ thông qua việc sáp nhập tại đại hội cổ đông vừa qua đã gây không ít bất ngờ cho thị trường.
Từ cách đây 3 năm, PGBank được cho là chắc chắn sẽ "nên duyên" với VietinBank nhưng rồi cũng đổ bể; một ngân hàng lớn khác là MB cũng cho biết có tìm hiểu chuyện sáp nhập PGBank, nhưng đến nay PGBank lại chọn HDBank. Không ít câu hỏi đặt ra cho thương vụ này, trong đó có những e ngại về việc liệu HDBank có phải gồng mình xử lý nợ xấu hậu sáp nhập như nhiều trường hợp khác hay không.
Nợ xấu tại PGBank hiện như thế nào?
Nợ xấu của PGBank từng ở mức rất cao, chiếm đến 8,4% tổng dư nợ cho vay cuối năm 2012. Từ sau năm 2013, nợ xấu tại PGBank đã có sự cải thiện đáng kể, giảm dần về dưới 3%, song lại bất ngờ tăng khá mạnh trở lại vào năm ngoái.
Nợ xấu tại PGBank - Đơn vị: tỷ đồng, %
Tính đến hết năm 2017, nợ xấu tuyệt đối của PGBank là hơn 715 tỷ đồng, chiếm 3,34% tổng dư nợ cho vay, tăng lên khá nhiều so với mức 2,47% hồi cuối năm 2016 và vượt qua ngưỡng cho phép 3% của NHNN. Đáng chú ý, nợ nhóm 5 – nợ có khả năng mất vốn tăng tới 93% lên 525 tỷ đồng và chiếm tỷ trọng khá lớn là 73% trên tổng nợ xấu tại PGBank.
Các khoản phải thu của ngân hàng cũng tăng từ mức 72 tỷ đồng lên hơn 255 tỷ đồng, tức tăng gần 2,6 lần, trong đó riêng khoản phải thu của CTCP Đầu tư Công đoàn Petrolimex lên tới hơn 180 tỷ đồng. Các khoản lãi, phí phải thu của PG Bank cũng tăng 7,7% lên gần 729 tỷ đồng. Thông thường, con số tuyệt đối của lãi, phí phải thu bằng 10-15% số dư nợ gốc; tức nợ gốc phải thu ước cũng phải ở trên 7.290 tỷ đồng.
Nợ xấu bán cho công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) của PGBank vẫn còn hơn 2.200 tỷ đồng. Trong số nợ đã bán cho VAMC, PGBank đã trích lập được 880 tỷ đồng và xử lý được hơn 100 tỷ đồng.
Liệu có trở thành gánh nặng?
Theo lãnh đạo HDBank tại ĐHĐCĐ thường niên 2018, nợ nội bảng của PGBank có tài sản đảm bảo đầy đủ nên khả năng thu hồi lớn. Các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC cũng có khả năng xử lý được 80%, vì có tài sản đảm bảo, với khả năng thu hồi 1.400 tỷ đồng.
Còn với nợ nội bảng PGBank hơn 660 tỷ đồng cũng có tài sản đảm bảo đầy đủ, nên khả năng thu hồi lớn. Do đó, nợ xấu sau sáp nhập PGBank khả năng được xử lý được rất lớn, không ảnh hưởng tới hoạt động của HDBank.
HDBank cũng đánh giá rằng PGBank là ngân hàng nhỏ nhưng sạch, có đối tác chiến lược lớn là Petrolimex. Sau sáp nhập, ngân hàng sẽ có được hệ sinh thái khách hàng lớn, phù hợp với hoạt động bán lẻ của ngân hàng.
Các chuyên gia phân tích đến từ công ty chứng khoán BVSC nhận xét, thương vụ sáp nhập với PG Bank sẽ tạo ra rủi ro pha loãng đối với cổ đông hiện tại của HDBank, đồng thời HDBank cũng sẽ phải gánh thêm 1.950 tỷ đồng nợ xấu từ PGBank (nợ nội bảng và trái phiếu VAMC).
Tuy nhiên, "với triển vọng tăng trưởng và quy mô hiện tại của HDB, lượng nợ xấu này không phải vấn đề quá lớn. Về mối quan hệ với Petrolimex, sự hợp tác có thể giúp HDB mở rộng mạng lưới bán lẻ thông qua các khách hàng của PLX mở rộng hệ sinh thái khách hàng hiện tại (thông qua Vietjetair) và giúp HDB có thể tiếp cận được phần nào lượng tiền gửi thanh toán khá lớn của Petrolimex", BVSC nhận định.
Tại HDBank, tỷ lệ nợ xấu tại ngân hàng này đang ở mức 1,62% vào cuối quý 1/2018, tăng nhẹ 0,1% so với hồi đầu năm. HDBank dường như khá tự tin và không e ngại với số nợ xấu tại PGBank, theo đề án sáp nhập, dự kiến tỷ lệ nợ xấu sẽ được giữ ở mức rất thấp là 1,29% trong 3 năm sau sáp nhập từ 2018-2020.