Những ngày gần đây, cộng đồng mạng xôn xao câu chuyện giữa tỷ phú giàu có nhất thế giới Elon Musk và ông David Beasley - Giám đốc Chương trình lương thực thế giới (WFP) của Liên Hợp Quốc.
Theo đó, ban đầu ông David Beasley có nói rằng: ""6 tỷ USD để giúp 42 triệu người đang sắp chết đói. Điều đó thật không khó. Các tỷ phú cần phải làm ngay bây giờ". "Những tỷ phú" mà ông Beasley đang muốn nhắc tới ở đây là Elon Musk, Jeff Bezos... - những người giàu nhất thế giới.
CEO Tesla là Elon Musk có khối tài sản hơn 300 tỷ USD theo thống kê của Bloomberg. Điều đó có nghĩa là Beasley đang nêu ra ý tưởng Elon Musk chỉ cần dành ra khoảng 2% số tài sản ông có là có thể giúp 42 triệu người trên toàn thế giới thoát khỏi nạn đói.
Ngay sau đó, Elon Musk đáp lại rằng nếu WFP làm kế toán minh bạch và công khai để tất cả mọi người có thể biết số tiền đó được tiêu như thế nào, "có thể miêu tả ngay dưới dòng tweet này cách chính xác để 6 tỷ USD có thể giải quyết được nạn đói, tôi sẽ bán cổ phiếu Tesla ngay lập tức và thực hiện điều đó".
Đáng chú ý, dưới bài đăng của Elon Musk, đích thân tài khoản Twitter của ông David Beasley cũng đã trả lời: "Tôi có thể đảm bảo rằng hệ thống kế toán của chúng tôi hoàn toàn minh bạch và công khai. Phía anh có thể làm việc với Chương trình Lương thực thế giới để đảm bảo về vấn đề này".
VẬY "SAO KÊ" CỦA WFP RA SAO?
WFP vốn là một chương trình viện trợ lương thực nhân đạo của Liên Hợp Quốc và là tổ chức nhân đạo lớn nhất trên thế giới hiện nay trong việc hỗ trợ và giải quyết nạn đói.
WFP có trụ sở chính tại Roma và hơn 80 văn phòng quốc gia trên thế giới. Ngoài viện trợ lương thực khẩn cấp, WFP tập trung vào cứu trợ và phục hồi, viện trợ phát triển và các hoạt động đặc biệt, chẳng hạn như làm cho hệ thống lương thực linh hoạt hơn trước biến đổi khí hậu và bất ổn chính trị. Năm 2020, tổ chức này đã nhận Giải Nobel Hòa Bình vì những nỗ lực chống nạn đói và đóng góp cho hòa bình thế giới.
Các hoạt động của WFP được tài trợ bởi các khoản đóng góp tự nguyện chủ yếu từ các chính phủ trên thế giới, cũng như từ các tập đoàn và nhà tài trợ tư nhân.
Báo cáo tài chính giản lược năm 2020 của WFP.
Theo báo cáo tài chính sau kiểm toán vào năm 2020 thì WFP đã nhận được 8,39 tỷ USD các khoản tài trợ như vậy, doanh thu từ những nguồn khác chiếm 514 triệu USD. Tổng cộng, doanh thu cả năm 2020 của WFP là 8,904 tỷ USD.
Mức tài trợ của năm 2020 cao hơn so với mức chỉ 7,97 tỷ USD của năm 2019 phần lớn là do lời kêu gọi tài trợ của Liên Hợp Quốc nhằm giúp đỡ các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19.
Cũng trong năm 2020, giá trị lượng thực phẩm phân phối, hỗ trợ cho các quốc gia của WFP chỉ tăng nhẹ 2,7%, đạt 2,4 tỷ USD, so với mức 2,35 tỷ USD năm 2019 và 2,13 tỷ USD năm 2018. Tổng cộng 4,4 triệu tấn lương thực được tổ chức này phân phối vào năm 2020 so với 4,2 triệu năm 2019 và 3,9 triệu tấn vào năm 2018.
Lượng thực phẩm này chủ yếu được phân bổ tới những quốc gia như Zimbabwe, Burkina Faso Ethiopia, Cộng hòa Ả Rập Syria, Yemen, Uganda và Mozambique.
Riêng giá trị các khoản hỗ trợ qua hình thức phân bổ bằng tiền giảm nhẹ trong năm 2020 so với năm trước đó. Tổng cộng 2,12 tỷ USD được chuyển đi năm 2020 so với mức 2,13 tỷ USD năm 2019.
Trong đó, khoảng 254,9 triệu USD là giá trị các chứng từ hàng hóa được gửi đi cứu trợ (giống với viện trợ bằng hiện vật ở chỗ chúng hạn chế và chỉ định mức hỗ trợ nhận được). Con số này giảm 10,3 triệu USD so với mức 235,4 triệu USD trong năm 2019.
Đáng chú ý, theo báo cáo tài chính của WFP, khoản chi phí cho hợp đồng và các dịch vụ cùng các khoản chi phí khác tăng đáng kể lên 1,462 tỷ USD chủ yếu là do các hoạt động và dịch vụ được cung cấp trong năm 2020 chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Các chi phí hoạt động hàng không và chi phí các mặt hàng thiết bị bảo vệ cá nhân đều tăng.
Năm 2020, tổ chức này chi 1,152 tỷ USD để trả lương cho người lao động. Con số này tăng so với mức 1,1 tỷ USD vào năm 2019 và 980 triệu USD vào năm 2018. Nguyên nhân được chỉ ra là do số lượng nhân viên của WFP tăng mạnh, lên mức 20.152 người trên toàn cầu trong năm 2020.
Năm 2020, WFP cho biết đã phát hiện được 19 vụ gian lận, trong đó có 12 vụ dẫn đến thiệt hại tài chính (trị giá 133.490 USD, trong đó đã thu hồi được 100.907 USD) và 7 vụ gian lận đang điều tra (trị giá 5,7 triệu USD). Trước đó vào năm 2019, WFP báo cáo 10 vụ gian lận đã có kết luận điều tra (trị giá 7,6 triệu USD, trong đó WFP không thu hồi được 456.025 USD) và 12 vụ gian lận giả định đang điều tra (trị giá 2,3 triệu USD).
Nguồn: WFP