Cả Đà Nẵng đang sôi sục. Chỉ với vài chiêu đơn giản, có thể làm giá đất tăng chóng mặt trước khi “cất vó”, rút tiền về kiếm lời. Mỗi tuần kiếm 1 tỷ ít ai ngờ. Hiện tượng sốt giá ảo kiểu này diễn ra ở quy mô lớn, nguy cơ vỡ bong bóng bất động sản là hiện hữu và những hệ quả của nó là không lường hết được.
Nghệ thuật thổi giá
Ông Trung Anh., người có 8 năm kinh nghiệm marketing và hiện quản lý một công ty bất động sản tại Đà Nẵng, cho rằng, giá đất nhiễu động một phần lớn do cò đất đầu cơ, lướt sóng với những chiêu thức tinh vi.
Tại Đà Nẵng, trong vài năm qua có sự hiện diện của các nhóm “cò đại” từ các nơi đổ về. Một nhóm đầu cơ thường gồm từ 5-7 người cùng tham gia.
“Để thổi giá lô đất nền ở vị trí A, họ sẽ tìm cách mua các lô B,C,D liền kề với giá cao hơn nhiều so với thực tế, khiến cho người dân tin rằng đất tại khu vực này đang sốt. Sau đó, cò sẽ bán được lô A với giá rất cao, trước khi quay lại bán nốt các lô B,C,D. Đồng tiền bỏ ra ban đầu lại chảy về túi kèm số tiền lãi lớn.
Khách hàng có nhu cầu thực mua đất ở phải chấp nhận giá chênh hơn nhiều so với thực tế”, ông T.A nói.
Một dự án ở khu vực Hòa Xuân, nơi đất nền đang tăng giá cao từ sau Tết Nguyên đán đến nay |
Ông Trung Anh cho hay khi hiện tượng sốt giá ảo kiểu này diễn ra ở quy mô lớn, nguy cơ vỡ bong bóng bất động sản là hiện hữu và những hệ quả của nó là không lường hết được.
Từ sau Tết Nguyên đán, giá đất nền khu vực Tây Bắc Đà Nẵng nóng hơn bao giờ hết. Lượng cò môi giới tập trung về khu này rất lớn, làm việc theo kiểu người này có sản phẩm thì chào bán cho môi giới khác, môi giới đó lại chào lên giá cho người môi giới sau nên nhiều khi giá sản phẩm bị đẩy lên tương đối, không chỉ đơn thuần hưởng 1-2% phí dịch vụ từ chủ nữa.
Bên cạnh các “cò đại” với tiềm lực tài chính rủng rỉnh, nhóm “cò tiểu” tại chỗ cũng hoạt động tấp nập. Một số khu vực như Hòa Xuân, Nam Đà Nẵng, trục Tây Bắc ki ốt quảng cáo, nhận ký gửi đất đai mọc lên như nấm.
Theo chuyên gia bất động sản này, khách hàng mua đất cần tỉnh táo, nên tìm đến các sàn giao dịch uy tín, chuyên nghiệp trong bối cảnh cò đất có mặt khắp nơi. Cơ quan chức năng cũng nên quản lý đội ngũ môi giới lẻ không có tổ chức để tránh trường hợp làm loạn thị trường.
Ki ốt nhận mua bán, ký gửi đất mọc như nấm ở Đà Nẵng |
Ra ngõ gặp cò đất
Đảo quanh một vòng từ trục đường Mai Đăng Chơn qua khu Hòa Xuân (Đà Nẵng), hàng loạt ki ốt mọc hai bên đường nhiều đến hoa mắt. Khu Hòa Xuân cũng là nơi có sự tăng giá đất nền rất lớn trong thời gian qua.
Mỗi ki ốt như một sàn giao dịch mini, nhận ký gửi, rao bán đất 24/24h. Theo ông Trung Anh, thực chất đây cũng là nơi hoạt động tấp nập của cò đất nghiệp dư, hoạt động mua bán sang nhượng chủ yếu là cò đất trao đổi với nhau.
Vị giám đốc này cho biết từ đầu năm đến nay, ông đã cho nghỉ việc hơn 10 nhân viên kinh doanh. Lý do là những người này làm bất động sản kiểu chân trong chân ngoài, làm tại công ty chỉ để tranh thủ tạo quan hệ để cá nhân môi giới riêng. Đây cũng là một dạng cò đất nhỏ lẻ, với số lượng rất lớn ở Đà Nẵng.
Anh Nguyễn Thiện (quận Sơn Trà) cho hay, anh có mua lô đất ở Hòa Xuân từ năm trước với ý định sau này cho con gái ở, không phải đầu tư. Thế nhưng thời gian qua anh liên tục nhận được cuộc gọi đề nghị chuyển nhượng với giá khủng. Phần nhiều trong đó xưng là nhà môi giới, sẵn sàng trả giá cao.
Giá đất tại Đà Nẵng tăng đến 200% từ sau tết đến nay |
Thù lao khủng khiến nghề sale bất động sản đang trở thành nghề hót ở Đà Nẵng. Các sàn giao dịch sẵn sàng trả thù lao chiết khấu 1-2%, một con số rất lớn nếu biết rằng giá đất nền Đà Nẵng hiện xấp xỉ 1 tỷ/1 lô trở lên.
Chị Ánh (21 tuổi, Gia Lai), sinh viên vừa tốt nghiệp kế toán Đại học Duy Tân ít tháng đã thử vận may với nghề sale bất động sản cho một sàn giao dịch. Tháng 3 vừa qua, chị nhận một lúc 50 triệu thù lao cho 2 lô giao dịch thành công mà cảm thấy “choáng”.
“Thậm chí sinh viên chưa ra trường cũng có thể kiếm tiền từ đất. Cò đất thuê nhiều sinh viên với nhiệm vụ duy nhất là đăng tin rao vặt, quảng cáo đất đai trên các diễn đàn ở mạng xã hội. Thù lao kiếm về cũng không nhỏ”, ông T.A. tiết lộ.
Giá đất tăng phi mã, chủ đầu tư cũng muốn “kiếm chác” VietNamNet vừa nhận được đơn thư của ông N.T (phường An Hải Tây, Sơn Trà), người có mua góp vốn lô đất nền 113m2 tại dự án ở KCN Điện Nam, Điện Ngọc (Quảng Nam). Hợp đồng góp vốn tháng 4/2014, năm 2017 ông được bàn giao đất tuy nhiên đến nay vẫn chưa có sổ. Trong bối cảnh đất nền tại khu vực Nam Đà Nẵng đang tăng cao, ông T. có ý muốn chuyển nhượng lại cho người khác nhưng bị chủ đầu tư gây khó dễ. Thậm chí, anh có ‘bồi dưỡng’ một ít tiền nhưng đáp lại là cái lắc đầu. Tương tự, chị H.H. phản ánh trên một diễn đàn mua bán đất ở Đà Nẵng, với nội dung: Chị đầu tư mua đất tại dự án đất nền với số tiền hơn 1 tỷ đồng. Dự án quy hoạch gần 1 năm mới có sổ đỏ. Do đất ở khu vực tăng cao, chị muốn bán lại lô đất cho người khác nhưng đã bị làm khó dễ, không được chủ đầu tư hỗ trợ sang tên. “Nếu muốn được công ty hỗ trợ sang tên thì phải ký gửi lô đất tại công ty với giá họ đưa ra để công ty bán, chênh trên 30 triệu thì họ mới đồng ý; nếu không sẽ gây nhũng nhiễu, khó dễ cho việc mua bán lô đất này”, chị H. bức xúc cho biết. |
Cao Thái