Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, hiện nay, có một số doanh nghiệp FDI đã chuyển đổi thành công ty cổ phần nhưng chưa có quy định pháp lý cụ thể về việc niêm yết/đăng ký giao dịch. Cuối tháng 5/2019, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã họp xin ý kiến của các cơ quan, đơn vị liên quan (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Bộ Công an), trên cơ sở đó Bộ Tài chính sẽ sớm trình Thủ tướng Chính phủ cơ chế niêm yết/đăng ký giao dịch đối với doanh nghiệp FDI.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng sẽ có cơ chế phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thực hiện giám sát sau khi các doanh nghiệp FDI lên sàn.
Được biết, theo kinh nghiệm một số nước trên thế giới như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Thái Lan,... đều không có sự phân biệt về điều kiện niêm yết giữa doanh nghiệp có vốn nước ngoài với các doanh nghiệp khác, mà chỉ có quy định phân biệt giữa điều kiện niêm yết của doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp nước ngoài tại sở giao dịch chứng khoán.
Do không có hạn chế việc niêm yết của các doanh nghiệp FDI và không có sự phân biệt về điều kiện niêm yết giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp khác nên trên các sở giao dịch chứng khoán các nước đều có các doanh nghiệp FDI niêm yết. Hơn nữa, các doanh nghiệp này đều được đối xử bình đẳng với các doanh nghiệp khác.