Chia sẻ bên lề hội nghị kết nối sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn tỉnh Sơn La diễn ra tuần qua, ông Hà Quyết Nghị - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sơn La cho biết: Cây mắc ca đã được tỉnh Sơn La đưa vào nghiên cứu khảo nghiệm từ năm 2000 với 12 giống mắc ca khác nhau. Tỉnh đã lựa chọn được 4 giống mắc ca phù hợp với thổ nhưỡng khí hậu của tỉnh. Hiện nay diện tích trồng mắc ca trên địa bàn tỉnh khoảng 200 ha. Cây mắc ca là cây có triển vọng, tỉnh xác định đây là cây trồng rừng đa mục tiêu.
Năm 2016 bà con thu nhập tốt từ cây mắc ca, với giá bán 50.000 đồng/kg quả tươi.
“Mắc ca tươi rất nặng, một kilogam chỉ có mấy chục quả thôi. Vừa rồi nhiều doanh nghiệp lên Sơn La tranh nhau thu mua mắc ca, bà con không có đủ bán. Thời gian tới nếu đẩy mạnh tốt liên kết sản xuất, bà con sẽ trồng nhiều hơn. Đây là cây mang lại hiệu quả tốt so với các loại cây ngắn ngày khác”, ông Nghị chia sẻ.
Sơn La đang quy hoạch từ nay đến năm 2020 sẽ trồng 1.000 ha cây mắc ca. Trong đó, 390 ha trồng thuần mắc ca tại các huyện Mộc Châu, Vân Hồ, Mai Sơn, Thuận Châu, thành phố Sơn La; trồng xen với cây khác như cà phê, chè, cây ăn quả với diện tích khoảng 760 ha, tại các huyện như Mộc Châu, Thuận Châu, Yên Châu, Vân Hồ….
Đến 2030, ổn định diện tích 1.150ha trồng thuần và trồng xen mắc ca với cây trồng khác. Mở rộng diện tích trồng mắc ca phải căn cứ vào kết quả tổng kết, đánh giá hiệu quả trên câu mắc ca giai đoạn đến 202, định hướng phát triển của tỉnh.
Theo ông Nghị, việc trồng xen cây mắc ca với các loại cây trồng khác như cà phê, chè được tỉnh Sơn La đánh giá cao và cho rằng đây là mô hình phù hợp để phát triển cây mắc ca triên địa bàn tỉnh.
“Mô trồng xen canh mắc ca với cà phê rất hay, cây mắc ca sẽ bổ trợ cho cây cà phê phát triển, cây mắc ca không chỉ sử dụng ít nước mà còn giữ được nước, che bóng mát để cây cà phê phát triển. 1 ha có thể trồng xen khoảng 100 cây mắc ca, khi hai loại cây này trồng với nhau, năng suất của cả hai cây sẽ tăng lên. Từ thực tế trồng xen trên địa bàn Sơn La có thể thấy rằng, thu nhập từ mắc ca tương đương với thu nhập từ cà phê, chè khi trồng xen. Điều đó có nghĩa nông dân nông dân có thêm một nguồn thu từ việc trồng xen”, ông Nghị cho biết.