Đến hẹn lại lên, từ tháng 3 đến tháng 5 hàng năm, tỉnh Sơn La nói chung và các tỉnh Tây Bắc nói riêng thường xuất hiện mưa đá gây thiệt hại nặng nề về tài sản và hoa màu của người nông dân.
Theo Báo cáo số 38/BC-PCTT của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Sơn La, từ ngày 21 – 24/3, mưa đá và dông lốc xảy ra trên địa bàn các huyện: Mộc Châu, Vân Hồ, Mai Sơn, Quỳnh Nhai, Thuận Châu, Mường La, Sốp Cộp, thành phố Sơn La, đã khiến 473 ha cây ăn quả (mận, xoài, mơ…) bị rụng quả. Ứớc tính thiệt hại hàng tỷ đồng.
Nhiều người nói vui, lão nông Nguyễn Tuấn Dũng dùng lưới chống trời nên mưa đá dù to đến mấy diện tích mận hậu nhà ông vẫn không bị thiệt hại. (Ảnh: Anh Đức)
Là một trong những hộ dân mất trắng diện tích mận hậu đang chuẩn bị thu hoạch do mưa đá gây ra, lão nông Nguyến Tuấn Dũng ở tiểu khu Pa Khe, thị trấn nông trường Mộc Châu đã mất 2 năm trời để tìm cách khắc chế hiện tượng mưa đá bất thường. Và hiện nay, ông Dũng đã thành công nhờ bí quyết làm “rạp đám cưới” cho vườn mận của mình.
Ngược dòng thời gian cùng phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, lão Dũng kể: "Tôi bắt đầu trồng mận từ năm 1991 và là một trong người đầu tiên trồng mận ở đất Mộc Châu. Hiện nay, tôi có cả trăm cây mận có tuổi đời gần 30 năm với diện tích 4 ha.
Hiện, ông Dũng đã dùng lưới cước căng được 2ha. (Ảnh: Anh Đức).
Theo ông Dũng: Khí hậu, thổ nhưỡng ở Mộc Châu rất phù hợp với cây mận. Bởi vậy, ở Mộc Châu đã có hàng trăm hộ nông dân phất lên thành triệu phú, tỷ phú nhờ trồng mận. Nhưng mấy năm trở lại đây, biến đổi khí hậu, mật độ xuất hiện mưa đá dày hơn khiến người nông dân trở tay không kịp.
“Năm 2018, 4 ha mận hậu của gia đình tôi được mùa, quả sai trĩu cành. Cứ nghĩ thu hoạch xong sẽ “đút túi” tiền tỷ, nào ngỡ sau một trận mưa đá, quả rụng đầy gốc. Những quả còn lại bám trên cây, quả thì bị xước xát, quả bị thối, qủa thì bị sẹo. Đến mùa thu hoạch, tôi chở đi khắp nơi nhưng chỉ bán được một nửa với giá rẻ bèo 3.000đ/kg. Năm đấy, mận nhà thất thu, tiền bán mận không đủ bù chi phí phân bón”, ông Dũng kể lại.
Trong hoàn cảnh khó khăn, ông Dũng đã tìm ra bí quyết vượt qua bằng cách dùng lưới cước "làm rạp đám cưới" cho diện tích mận của gia đình. (Ảnh: Anh Đức).
Ông Dũng đổ mồ hôi, nước mắt cho vườn mận hàng chục năm qua, nhưng chỉ sau một trận mưa đá, thành quả đổ hết xuống sông xuống biển. Nghĩ mà buồn. Sau nhiều đêm trăn trở ông Dũng nảy ra ý tưởng dùng lưới để chống lại mưa đá.
Năm 2019, ông Dũng xách ba lô đi khắp nơi xem các mô hình nhà lưới, nhà kính làm nông nghiệp nhưng đều không phù hợp với cây mận. Cuối năm 2019, ông Dũng xuống Thủ đô Hà Nội tham quan một buổi triển lãm hàng công nông nghiệp. Ông phát hiện ra sản phẩm lưới cước của Nhà máy nhựa ở tỉnh Bình Dương siêu nhẹ, siêu bền và có độ đàn hồi rất tốt.
Mưa đá liên tiếp xảy ra mấy ngày vừa qua nhưng mận trong vườn nhà ông Dũng vẫn sai trĩu trịt.
“So với các loại lưới khác trên thị trường, tôi thấy loại lước cước này có độ đàn hồi rất tốt. Bởi vậy, tôi xin ngay một cái card ghi thông tin về công ty. Sau khi về nhà, tôi bảo thằng con trai gọi theo số máy ghi trên cap để hỏi mua lưới thì được nhân viên công ty tư vấn rằng phải mua hơn 2 – 3 tấn lưới đủ một mẻ công ty mới sản xuất và chốt đơn hàng. Đàm phán đi đàm phá lại gần trăm cuộc điện thoại mới chốt được đơn hàng với một chi nhánh của công ty ở Hà Nội...” – ông Dũng kể lại.
Ông Dũng cho biết: Sau khi ăn Tết xong, gia đình tôi đánh ô tô xuống Hà Nội chở lưới về. Và phải mất hơn một tháng mới che chắn được 2ha cây mận hậu. Hiện còn 2ha nữa, trong thời gian tới gia đình tôi sẽ che dùng lưới che toàn bộ.
Trong khi đó mưa đá xảy ra bất thường những ngày qua đã khiến vườn mận của nhiều hộ dân rụng đầy vườn.
Cũng theo ông Dũng, khi ông có ý tưởng dùng lưới chống lại mưa đá cho diện tích mận hậu của gia đình, nhiều người dân xung quanh nghe được thông tin và bảo ông thích làm màu.
“Phải mất hơn 100 triệu đồng mới mua được lưới cước chống mưa đá. Lúc chuẩn bị mua lưới, bà con nhìn tôi với ánh mắt dị nghị và nói tôi bỏ tiền mua vui, lấy trứng chọi đá, làm trò cười cho thiên hạ. Vì vậy, tôi quyết tâm phải làm bằng được” – ông Dũng quả quyết.
Tiết lộ cách làm với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, ông Dũng bảo: "Đầu tiên, mỗi gốc mận cố định một thanh tre dài khoảng 4,5m tùy chiều cao của mận làm sao cho cho phù hợp. Sau đó căng một sợi dây thép từ đầu gốc mận bên này sang gốc mận bên kia qua những thanh tre, rồi vác lưới cước qua như rạp đám cưới. Sau đó kéo ra 2 bên buộc vào 2 hàng với nhau. Hàng ngoài cùng chôn thêm cột tre và rít vào.
Tại xã Mường Giôn (huyện Quỳnh Nhai, Sơn La) mưa đá không chỉ gây ảnh hưởng hoa màu mà còn gây thiệt hại về nhà cửa của 197 hộ dân ở các bản. Ảnh: Tòng Văn Thành
Ông Dũng phấn khởi chí sẻ thêm: "Rất may gia đình tôi vừa làm xong được 2 hôm thì đến ngày 22/3 xảy ra mưa đá và được thử nghiệm luôn. Rất hiệu quả. Còn các hộ khác thì rụng đầy vườn. Lưới này có sự đàn hồi rất tốt và siêu bền nên khi xảy ra mưa đá, đá bị nảy và rơi ngay xuống đất. Còn những chỗ mình buộc thắt nút, đá đọng lại sau khi đầy thì tự tràn xuống.
“Sau cái ngày mưa đá xong, buổi tối ngày 22/3 đến sáng ngày 23/3, bà con đến nhà tôi đông như đi trẩy hội. Bà con ai cũng trầm trồ thán phục và muốn tôi bày cách làm” – ông Dũng nói.