Đến thăm đầu tháng 5, nắng chang chang nhưng vườn khoai tây của gia đình ông Đặng Ngọc Lâu, bản Tự Nhiên (xã Đông Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước những luống khoai tây xanh bạt ngạt hút tầm mắt, cây nào cây nấy đều mập mạp xanh mơn mởn.
Nhìn xuống gốc cây những củ khoai chồi lên làm mặt đất nứt toác. Hệ thống nước tưới tiêu nhỏ giọt được ông Lâu lắp đặt khắp vườn, tạo điều kiện cho vườn khoai ngày càng phát triển, đáp ứng kỹ thuật theo đúng quy trình VietGAP.
Nhiều năm gắn bó với nông nghiệp nên ông Lâu rất am hiểu về kỹ thuật chăm sóc khoai tây.
Kể về cơ duyên đến với cây khoai tây, ông Lâu thổ lộ: “Trước đây gia đình tôi trồng mận và nuôi gà nhưng thời điểm đó giá mặt hàng này rớt giá thảm, nên thu nhập của gia đình tôi bị ảnh hưởng. Tình cờ tôi xem trên tivi thấy người dân dưới xuôi trồng khoai tây cho lãi cao, nên tôi mạnh dạn mua giống về trồng thử. Sau 1 thời gian thấy vườn khoai tây phát triển tốt và hợp với thổ nhưỡng ở địa phương, tôi quyết định nhân rộng mô hình lên 1.000m2. Tính đến nay tôi gắn bó với cây khoai tây cũng gần 10 năm rồi”.
Để giảm chi phí chăm sóc ông Lâu lắp đặt hệ thống nước tưới nhỏ giọt khắp vườn khoai tây.
Do diện tích trồng khoai tây ở cao nguyên Mộc Châu còn hạn chế, chưa được bà con nhân dân trồng đại trà trên các vườn nên giá cả luôn ở mức cao và ổn định. Vì vậy, cứ đến vụ thu hoạch khoai tây, nhiều thương lái đã vào tận vườn của gia đình ông Lâu thu mua.
Ông Lâu cho biết: “Đa số khoai tây bán ở ngoài chợ đều được nhập từ các tỉnh dưới xuôi, nên chất lượng sản phẩm như thế nào cũng không ai kiểm chứng được. Còn gia đình tôi trồng khoai tây hoàn toàn không sử dụng các chất kích thích, bảo quản hóa học, phân bón tưới tiêu đều dùng phân hữu cơ nên chất lượng luôn bảo đảm yếu tố sạch. Vì vậy, vườn khoai tây của gia đình tôi trồng đến đâu được khách hàng và thương lái mua hết đến đó”.
Từ khi chuyển sang trồng khoai tây cuộc sống của gia đình ông Lâu ngày càng khá giả.
Từ khi chuyển sang trồng khoai tây, cuộc sống và thu nhập của ông Lâu không ngừng tăng cao, những khoản vay lãi ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn trước đây đã được gia đình ông trả hết. Để tăng thêm nguồn thu nhập, ông Lâu còn mạnh dạn đầu tư vốn trồng dâu tây trên 600m2 đất vườn theo hướng VietGAP.
Để tăng nguồn thu nhập ông Lâu đang trồng thêm 600m2 dâu tây tại vườn.
Theo ông Đặng Ngọc Lâu chia sẻ: “Do gắn bó với nông nghiệp nhiều năm nên tôi rất am hiểu về kỹ thuật chăm sóc rau, củ, quả và hoa màu. Tôi không gặp chút khó khăn nào trong quá trình chăm bón cả. Vườn khoai tây của gia đình tôi được công nhận VietGAP năm 2011, giá khoai tây tôi bán taị vườn có giá dao động từ 12.000 - 15.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, bình quân 1 năm tôi lãi hơn 70 triệu đồng”.
Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, vườn khoai tây của gia đình ông Lâu phát triển tốt và cho củ chất lượng được nhiều khách hàng lựa chọn.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Phạm Văn Giang, Chủ tịch UBND xã Đông Sang, huyện Mộc Châu, cho biết: “Trước đây, bà con sinh sống ở xã chưa biết trồng khoai tây trở thành hàng hóa. Cuộc sống chỉ phụ thuộc vào cây ngô và nuôi lợn. Tuy nhiên, do ngô không hiệu quả, giá lợn hơi thì bấp bênh kèm dịch bệnh nên đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn...
"Để tìm hướng đi mới trong phát triển kinh tế, nâng cao mức thu nhập, ông Lâu đã đưa cây khoai tây về trồng theo quy trình VietGAP trên 1.000m2 đất vườn, nhờ vậy mà cuộc sống của gia đình ông đã có thu nhập cao và ổn định. Thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh mô hình trồng khoai tây trên địa bàn xã, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người tiêu dùng, giúp bà con làm giàu trên chính mảnh đất của mình”. |