Trong loạt bài “Sơn La: Vì sao hàng loạt nhân viên y tế thôn, bản vùng cao bỏ việc?; “Sơn La: Thêm loạt cán bộ không chuyên trách thôn, bản xin nghỉ việc”, phóng viên Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt đã phản ánh về tình trạng hàng loạt chức danh không chuyên trách ở cấp thôn, bản, nhân viên y tế thôn, bản trên địa bàn tỉnh Sơn La đồng loạt bỏ, nghỉ việc do mức bỗi dưỡng theo Nghị quyết 120/2019 của HĐND tỉnh Sơn La quá thấp.
“… cơ chế hỗ trợ quá thấp…”
Ngày 19/3, tại Hội nghị triển khai Kết luận của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19, ông Phạm Văn Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La đã có những phát biểu liên quan đến thực trạng mà Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt đã phản ánh.
Phát biểu tại Hội nghị triển khai Kết luận của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19, ông Phạm Văn Thủy, Phó Chủ tịch UND tỉnh Sơn La cho biết: "Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, nhân viên y tế, công an viên thôn, bản là những người quan trọng trong việc nắm thông tin ở cơ sở. Bởi vậy, các ban, ngành liên quan sớm xây dựng phương án đề xuất HĐND tỉnh để có cơ chế, chính sách phù hợp".
Theo ông Thủy, khoảng 8 ngày nay, trên địa bàn tỉnh Sơn La đang có tình trạng số lượng nhân viên y tế, công an viên và một số ngành, đoàn thể ở thôn, bản như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên...trên địa bàn tỉnh tự động bỏ việc. “Yêu cầu các sở, ban, ngành liên quan rà soát vấn đề này và timf hiểu nguyên nhân tại sao bỏ việc”, ông Thủy chỉ đạo.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, cơ chế hỗ trợ của tỉnh ta đối với nhân viên y tế, công an viên thôn, bản theo Nghị quyết trước đây (Nghị quyết 25/2017/NQ-HĐND –PV) tạm đảm bảo được một phần và động viên khích lệ để bà con làm việc. Sau này, khi Nghị quyết 120/2019/NQ-HĐND có hiệu lực và thay thế Nghị quyết 25/2017, cơ chế hỗ trợ quá thấp, không đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của người dân nên họ đã chủ động bỏ việc.
Ông Sùng A Nhìa - Nhân viên y tế bản Cửa Rừng (xã Co Mạ, huyện Thuận Châu) triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona (Covid-19) gây ra cho bà con.
“Tại sao lại bỏ việc vào thời điểm “nước sôi lửa bỏng” như thế này? Thời điểm mà chúng ta đang cần nhân viên y tế, công an viên… thôn, bản để giúp việc cho Ban Chỉ đạo, giúp cho toàn thể nhân dân thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19” – vị lãnh đạo UBND tỉnh đặt câu hỏi và đề nghị đại diện lãnh đạo các sở, ngành dự hội nghị là những nhà quản lý, cơ quan tham mưu suy nghĩ về việc này để đúc kết ra những kinh nghiệm trong chỉ đạo điều hành về sau.
Ông Phạm Văn Thủy cho biết: "Chúng ta đang nhận được sự đồng thuận rất cao của Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh trong việc chỉ đạo ngành Y tế tỉnh đề xuất phương án để xây dựng Nghị quyết Hội đồng nhân dân cho việc hỗ trợ đối với nhân viên y tế và công an viên thôn, bản ở khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Chúng ta nên quay lại với cơ chế cũ hay ra một cơ chế mới hơn. Các đồng chí xem xét một cơ chế xây dựng Nghị quyết Hội đồng nhân dân và sớm báo cáo để làm đề xuất” – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La nói.
Sớm có giải pháp kịp thời kêu gọi nhân viên y tế, công an viên… quay lại làm việc
Trước tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, vị lãnh đạo UBND tiếp tục đặt ra câu hỏi, từ giờ cho đến lúc có được Nghị quyết của HĐND tỉnh mới để thực hiện việc này thì bài toán giải quyết việc này trước mắt như thế nào? Để đảm bảo các nhân viên y tế, công an viên, các ngành, đoàn thể khác trong thôn, bản tiếp tục quay lại làm việc và chấp hành nghiêm túc theo quy chế, quy định ?
Chia sẻ với phóng viên Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt, ông Lầu A Nhìa - Công an viên bản Cửa Rừng (xã Co Mạ, huyện Thuận Châu), tâm sự: "Do mức bồi dưỡng theo Nghị quyết 120/2019 quá thấp chỉ có 30.000 đồng/người/buổi, mà công việc của công an viên lại rất nhiều nên tôi đã viết đơn xin nghỉ việc".
“Tôi nhắc lại rằng chỉ có nhân viên y tế, công an viên, các ngành, đoàn thể ở thôn, bản mới là những người kiểm soát, kiểm đếm và phát hiện được những ai có biểu hiện bị dịch bệnh, đi từ đâu đến đâu cho chúng ta...", ông Phạm Văn Thủy nhắc lại.
"Làm sao mà một ông Phó Chủ tịch UBND tỉnh lại biết rằng một cái bản vùng sâu ở trên xã Co Mạ (Thuận Châu) có một người từ nước ngoài về được? Kể cả các đồng chí ở Trạm y tế xã, Đồn Biên phòng cũng không nắm chắc được bằng các nhân viên y tế, công an viên thôn, bản” – ông Phạm Văn Thủy tiếp tục nói về tầm quan trọng của các chức danh hoạt động không chuyên trách ở thôn, bản trong mùa phòng, chống dịch Covid-19.
Trước đó, Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt đã phản ánh, hàng loạt các chức danh không chuyên trách ở thôn, bản, như: Nhân viên y tế, Công an viên, Bản đội trưởng, Bí thư Chi đoàn, Chi hội trưởng chi hội Cựu chiến binh, Chi hội trưởng chi hội Phụ nữ, Chi hội trưởng chi hội Nông dân tại xã Co Mạ và xã Long Hẹ của huyện Thuận Châu đều đồng loạt bỏ việc, nghỉ việc do mức bồi dưỡng hiện nay quá thấp. Điều này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 của huyện Thuận Châu nói riêng và tỉnh Sơn La nói chung.
Ông Thủy yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Sơn La phải tổ chức ngay một buổi làm việc giữa lãnh đạo UBND tỉnh với các Giám đốc Trung tâm Y tế tuyến huyện để bàn giải pháp. Qua đó, giao nhiệm vụ cho Trạm y tế các xã động viên, khích lệ, kêu gọi các nhân viên y tế thôn, bản quay lại làm việc bình thường.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La còn giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp cùng các phòng chức năng của ngành Y tế sớm báo cáo Giám đốc Sở Y tế để triển khai các nội dung xây dựng Nghị quyết HĐND trong việc hỗ trợ đội ngũ nhân viên y tế thôn, bản quay lại làm việc.
“Tôi đề nghị chúng ta phải làm ngay và làm nghiêm túc, triệt để không thể để cho người dân bỏ việc như vậy được. Kể cả họ không làm nhân viên y tế, công an viên thôn, bản nhưng họ là công dân của chúng ta nên chúng ta đều phải đảm bảo cuộc sống cho bà con. Huống chi đây là những người đang làm việc cho chúng ta, làm cho cộng đồng, làm cho đất nước nên chúng ta phải đảm bảo mức sống cho họ nhiều hơn” – ông Phạm Văn Thủy nhấn mạnh. |