Trong bối cảnh Covid-19, theo ông Trần Đình Toản, Phó tổng giám đốc CTCP Đầu tư và Công nghệ OSB, doanh nghiệp cần coi chuyển đổi số là một yếu tố quan trọng trong chiến lược phát triển. Điều này xuất phát từ ý thức và tầm nhìn của lãnh đạo doanh nghiệp. Chiến lược này sẽ lan tỏa đến hai khía cạnh của doanh nghiệp, thứ nhất là xây dựng văn hóa đổi mới trong cách tiếp cận, thứ hai là nhân viên phải có tư duy số hóa.
Ông Toản cũng đưa ra lời khuyên, doanh nghiệp cần phải nhanh chóng tiếp cận với các kênh trực tuyến. Việc này vừa đem lại yếu tố thuận lợi nhưng cũng có rất nhiều thách thức. Thông qua quá trình ứng dụng đó thì kinh nghiệm của doanh nghiệp sẽ được lan tỏa dần dần, vì ban đầu các kênh trực tuyến cũng không thể hiệu quả ngay lập tức.
Ông Toản lấy ví dụ rất nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam trong thời gian qua chưa ứng dụng thương mại điện tử. Khi Covid-19 xảy đến, họ mới "cuống cuồng" tham gia vào các nền tảng này. Nhưng vấn đề đặt ra cho họ sẽ là tham gia thì dễ, nhưng vận hành có hiệu quả lại không hề đơn giản.
"Dễ người dễ ta, khó người khó ta. Cạnh tranh thương mại điện tử, theo tôi đánh giá, còn khốc liệt hơn thương mại truyền thống, vì có quá nhiều doanh nghiệp tham gia trên đó" - ông Toản nói. Ngay cả các nền tảng như Alibaba trong thời gian vừa qua cũng đã phải đưa ra chính sách không cho phép doanh nghiệp mới tham gia bán khẩu trang hay thiết bị bảo hộ y tế, vì có quá nhiều người bán muốn tham gia thị trường này.
Tiếp theo đó, doanh nghiệp cần xây dựng thương hiệu cho mình. Vì nếu không có thương hiệu thì việc tham gia thị trường trực tuyến cũng khó khăn. Và đặc biệt một số nền tảng còn yêu cầu doanh nghiệp có thương hiệu thì mới tiếp cận được với thị trường nước ngoài. Đặc biệt là thị trường khó tính như châu Âu và Mỹ.
Doanh nghiệp cũng cần đa dạng hóa người mua, người bán và nhà cung cấp, đây là câu chuyện muôn thuở. Khi không có vấn đề xảy ra, doanh nghiệp vẫn trung thành với một số nhà cung cấp, hay một số khách hàng truyền thống. Nhưng khi có khó khăn, những đối tác này rời đi, doanh nghiệp sẽ rất khó để tìm kiếm, xây dựng hệ thống cung cấp, mua hàng mới. Chính vì thế, doanh nghiệp cần đa dnagj hóa ngay từ lúc này.
Cuối cùng, ông Toản khuyên rằng, trong quá trình giao thương và ứng dụng thương mại điện tử, doanh nghiệp nên chia nhỏ đơn hàng. Đây là yếu tố rất quan trọng, vì ông Toản nhận thấy, xu hướng về giao thương, các giao dịch trực tuyến càng ngày càng nhỏ đi, kể cả B2B. Bởi lẽ không chỉ người bán, mà người mua cũng muốn phòng tránh rủi ro nên chia ra nhiều đơn hàng nhỏ hơn.
Đặc biệt, ông Toản nhấn mạnh khi ứng dụng môi trường trực tuyến, dù trước kia người bán vẫn quan niệm khách hàng là thượng đế, nhưng trong tình huống như hiện nay, bản thân "thượng đế" cũng không biết mình muốn gì. Chính vì thế, người bán hàng cần phải dẫn dắt khách hàng, tạo trải nghiệm cho khách hàng và khơi gợi nhu cầu mua sắm của khách hàng.
Ảnh: Reuters
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương cho nói: "Đại dịch Covid-19 là thử thách rất lớn, thử thách sức chịu đựng của doanh nghiệp trước biến động, khủng hoảng. Tất nhiên, đằng sau khả năng chịu đựng đó sẽ bao gồm rất nhiều yếu tố. Đại dịch đã đặt ra những yêu cầu cho doanh nghiệp: không chỉ lo chạy theo việc kinh doanh trước mắt như nâng cao doanh thu đơn thuần hay tìm kiếm được thêm hợp đồng mới, mà phải là xây dựng cơ sở để có thể phát triển được lâu dài".
Theo ông Hải, đây là thời điểm để doanh nghiệp thực hiện những thay đổi. Có thể những thay đổi đó, trước mắt sẽ không tạo ra lợi nhuận ngay, ví dụ như những thay đổi về quản trị, hay xây dựng một đội ngũ nhân lực chuyên nghiệp, hoặc là có sự cương quyết trong việc ứng dụng công nghệ số, thay đổi tác phong làm việc để có hiệu quả cao.
"Cũng giống như con người, để tăng khả năng chịu đựng thì phải có sự chuẩn bị và rèn luyện. Tôi tin rằng, qua cuộc khủng hoảng này, tất cả doanh nghiệp của chúng ta đều nhận thấy điều đó và sẽ quan tâm hơn đến việc củng cố khả năng chịu đựng biến động khủng hoảng, hay nói cách khác chính là củng cố nội lực của doanh nghiệp" - ông Hải nói thêm.
Theo ông Đào Trọng Khoa, Phó chủ tịch Hiệp hội Logisitcs Việt Nam (VLA), biến cố là việc luôn luôn có thể xảy ra, và chúng ta phải luôn sẵn sàng cho mọi tình huống bất thường. Ở góc độ của Hiệp hội, ngay từ khi dịch Covid-19 xảy ra, Hiệp hội đã đề xuất cho hội viên cũng như cộng đồng về một kế hoạch kinh doanh không gián đoạn.
Theo khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp Logistics Việt Nam (VLA), đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp sụt giảm doanh thu từ 10% - 30% so với cùng kỳ năm trước cũng như buộc họ phải áp dụng những cách thức hoạt động mới. Một trong các phương thức phổ biến nhất đó chính là thay đổi hình thức làm việc.
"Thực ra lúc chúng tôi đề xuất cũng hơi trễ rồi. Doanh nghiệp phải có kế hoạch kinh doanh này từ trước, khi chưa có biến cố gì xảy ra cả thì mới đúng. Chứ nếu xảy ra rồi thì cần phải ứng phó chứ không phải là thực hiện thay đổi mang tính mở đường. Kế hoạch kinh doanh không gián đoạn lúc nào cũng phải có. Ứng dụng công nghệ để cho phép doanh nghiệp thích ứng với những tình huống bất định đang xảy ra" - ông Khoa giải thích.
Ông Khoa cho rằng, Covid-19 là một chất xúc tác giúp doanh nghiệp tập trung đầu tư vào công nghệ để có sự linh hoạt trong vấn đề cung cấp dịch vụ. Điều đó sẽ cải thiện tình hình của doanh nghiệp trong tình huống bất định như bây giờ.