Xu hướng giá hàng hóa trên thế giới đang bước vào siêu chu kỳ mới kể từ năm giai đoạn 2019 đến nay, tạo ra tích cực cả về lợi nhuận và giá cổ phiếu cho các nhóm cổ phiếu nhạy cảm với giá hàng hóa. Theo chuyên gia MBS, thị giá giữ được nhịp tăng và kỳ vọng tạo nên sức bật khi báo cáo tài chính quý 3 được công bố.
Phân bón là một trong những nhóm ngành như vậy với giá bán phân bón ở mức cao kỷ lục.
Giá cổ phiếu phân bón đóng cửa phiên 1/10/2021
Nhóm này đã có nhiều đợt sóng trong năm, mạnh nhất gần đây là hồi tháng 8/2021 trước diễn biến giá phân bón tiếp tục tăng cao và dòng tiền trên thị trường cũng luân chuyển nhanh qua các nhóm ngành chỉ cần "có câu chuyện". Giai đoạn từ cuối tháng 8 đến nửa đầu tháng 9 giá phân bón chững lại do cả miền Nam, Bắc đã hết vụ chăm bón, và các địa phương là thị trường tiêu thụ lớn thì gặp cách trở do giãn cách, giá cổ phiếu vì vậy cũng giảm nhiệt.
Cho nhịp tăng này, yếu tố kích thích dòng tiền đến từ thông tin cuối tháng 9, giá phân bón có dấu hiệu tăng trở lại, khi giá Urea, Kali và DAP thế giới đang có dấu hiệu tiếp tục đà tăng và kéo theo phân bón trong nước cũng tăng.
Thông tin thị trường cho thấy, giá Urea Cà Mau bán cho đại lý cấp 1 quay lại mức 11.300.000 đồng/tấn, giá Uea Phú Mỹ còn tăng cao hơn. Điều đáng nói là cơn "bão giá" mới này lại ập đến khi vụ Đông Xuân ở miền Nam đang đến gần kề. Hay đối với DAP, trước thông tin công ty Apatit Lào cai thông báo không thể cung cấp đủ quặng apatit cho sản xuất DAP và Lân, nhiều nhà máy rơi vào rủi ro "tạm ngừng" sản xuất, theo đó, diễn biến giá DAP cũng gia tăng và nhiều đại lý không tìm được nguồn hàng để mua.
Đáng lưu ý, với Urea, nguyên liệu đầu vào là than đá và khí thiên nhiên, hiện được cung cấp trong nước – không có nhiều biến động, nhưng trước diễn biến "bão giá" các nguyên liệu này trên thế giới, cũng đã "kéo" mặt bằng giá bán Urea tăng lên theo thị trường.
Trên thị trường chứng khoán, DPM và DCM là hai ông lớn đầu ngành có những phiên bứt phá, cụ thể, DPM nổi sóng tăng trần phiên 29/9 và duy trì đà tăng sau đó. Trong 1 tuần qua, DPM tăng hơn 10%, và chỉ tính từ phiên 29 đến nay, DPM tăng 15%. Tương tự DCM, gần như có 3 phiên trần liên tiếp, đưa giá cổ phiếu tăng 16,5% trong 1 tuần qua, và tính từ phiên 29/9 đến nay, DCM tăng 22%.
Tương tự LAS, 3 phiên cuối tuần tăng 11,76%, BFC tăng 17%, DDV tăng 22,69%, …
Theo ông Lê Quang Minh, Giám đốc Phân tích CTCK Mirae Asset Việt, sự tích cực của cổ phiếu phân bón thể hiện trên 3 trụ cột.
Thứ nhất, nhu cầu phân bón phục hồi mạnh mẽ đẩy giá phân ure lên mức trên 11.000/kg, tăng hơn 30% kể từ đầu năm 2021. Dự đoán giá ure sẽ tiếp tục đà tăng cho hết năm 2021 dựa trên cơ sở nguồn cung phân bón sụt giảm và nhu cầu phát triển nông nghiệp tăng trong năm nay.
Sự tái bùng phát dịch COVID-19 tại châu Á đã làm gián đoạn hoạt động sản xuất phân bón cũng như các chuỗi cung ứng trong khu vực. Theo số liệu thu thập bởi tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), chỉ số FAO Food index đã chứng kiến mức tăng 30,8% so với cùng kì lên 120,9, đạt đỉnh kể từ tháng 5 năm 2014, thể hiện nhu cầu gia tăng các sản phẩm lương thực. Bên cạnh đó, trung tâm dự báo khí hậu (CPC) cũng đưa ra dự báo cho nửa cuối năm 2021 với hiện tượng ENSO nằm trong khu vực trung tính (Enzo-neutral). Nhìn chung, hoạt động nông nghiệp nửa cuối năm 2021 dự kiến sẽ gặp điều kiện thời tiết thuận lợi với tỷ lệ thấp ảnh hưởng bởi các thiên tai.
Qua đó, Mirae Asset dự phóng nhu cầu phân bón sẽ tăng 10% so với năm trước và duy trì ở mức cao.
Thứ hai, mảng xuất khẩu của một số doanh nghiệp trong ngành như DCM tăng trưởng mạnh. Cụ thể, phân ure đến 9 nước đối tác, bao gồm Thái Lan, Campuchia, Myanmar, Ấn độ, Bangladesh, Brazil, Nhật bản, Hàn Quốc và Srilanka. Đáng chú ý, Campuchia là đối tác xuất khẩu chủ lực của Đạm Cà Mau khi doanh nghiệp đang nắm giữ từ 35% đến 40% thị phần ure tại thị trường này. Doanh thu mảng xuất khẩu sang Campuchia đạt tỷ lệ tăng trưởng kép đạt 49% trong giai đoạn 4 năm. Nhờ vào sự ưa chuộng đối với ure hạt đục và tăng trưởng nông nghiệp, doanh thu xuất khẩu sang và các nước đối tác trong tương lai dự kiến sẽ là động lực tăng trưởng chính của Đạm Cà Mau.
Thứ ba, sức khỏe tài chính lành mạnh với tỷ lệ nợ vay ngày càng cải thiện. Cùng với dòng tiền hoạt động mạnh mẽ, dòng tiền tự do cũng đã cải thiện rõ rệt.
Một yếu tố quan ngại như đã nói ở trên, giá dầu tăng liệu có tác động khiến biên lợi nhuận của DN sản xuất phân urea giảm xuống. Ông Minh cho biết, khí tự nhiên chiếm trên 50% chi phí đầu vào của phân ure và giá khí tự nhiên được neo theo giá dầu. Tuy nhiên, Mirae Asset tính toán thì thấy tác động của giá dầu không cao do giá khí bán tại miệng giếng các mỏ Cửu Long tương ứng với giá dầu ở mức 60USD/thùng.
Ông Minh nhấn mạnh thêm năm 2020 mức giá khí tự nhiên theo hợp đồng với PVN cũng ở mức tương đương (mặc dù giá dầu thấp). Như vậy, với giá phân bón tăng mạnh trong khi giá nguyên liệu đầu vào có tốc độ tăng không bằng nên kì vọng lợi nhuận quý 3 và quý 4 sẽ tăng mạnh trên 50% so cùng kỳ.
Nhiều chuyên gia nhận định, giá phân bón sẽ tiếp tục có diễn biến tăng nhờ nhu cầu tiêu thụ cao ở các nước như Ấn Độ, Mỹ, Brazil…, trong khi nguồn cung bị hạn chế do chính sách giới hạn lượng phân bón xuất khẩu của Trung Quốc - vốn chiếm đến 50% lượng phân bón nhập khẩu vào Việt Nam.
Ông Phan Tấn Nhật, trưởng nhóm phân tích CTCK SHS, chi nhánh TP.Hồ Chí Minh cho rằng, nhiều nhà máy phân bón trên thế giới phải đóng cửa vì giá khí quá cao, các nhà sản xuất phân bón Việt Nam vẫn đang được bảo đảm biên lợi nhuận nhờ các hợp đồng mua khí trong nước ổn định. Hiện nhóm cổ phiếu phân bón đang được đầu cơ kỳ vọng vào giá phân thế giới vẫn sẽ ở mức cao cũng như kỳ vọng vào vụ Đông xuân giúp tăng nhu cầu tiêu thụ phân bón. Tuy nhiên, giá khí thiên nhiên nếu tăng giá rất mạnh, tương lai có thể ảnh hưởng đến biên lợi nhuận nhóm ngành sản xuất phân bón.
Trước mắt, NĐT có thể tận dụng nhịp sóng hiện nay, về dài hạn hơn, cần phân tích đẩy đủ các yếu tố có thể tác động đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.