Những nhân vật đáng chú ý khác sẽ có mặt tại hội nghị là Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và nhà hoạt động khí hậu trẻ tuổi Greta Thunberg.
Tổng cộng có gần 3.000 đại biểu, quan chức và nhà lãnh đạo đến từ 118 quốc gia tham dự hội nghị diễn ra tại thị trấn Davos từ ngày 21 đến 24-1. Đáng chú ý là Bộ trưởng Ngoại giao Iran Javad Zarif đã hủy kế hoạch dự WEF năm nay giữa lúc căng thẳng với Mỹ leo thang sau vụ Washington ra tay ám sát tướng Qasem Soleimani, tư lệnh Lực lượng Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran vào đầu năm nay.
Với chủ đề kêu gọi một thế giới gắn kết và bền vững hơn, WEF năm nay sẽ dành nhiều sự quan tâm cho cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu đang ngày một nghiêm trọng. Lập trường hoài nghi của ông Trump về tình trạng toàn cầu ấm dần lên, thể hiện qua quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, có thể khiến nhà lãnh đạo này trở thành tâm điểm chú ý tại WEF 2020.
Chủ tịch WEF Børge Brende dường như cũng xác nhận điều này khi nói với đài CNBC gần đây rằng ông Trump có lẽ sẽ bị chất vấn về vấn đề biến đổi khí hậu tại các cuộc gặp ở WEF. Theo ông Brende, hầu hết lãnh đạo thế giới nhận ra rằng thế giới phải đẩy mạnh cuộc chiến giảm khí thải carbon trong thập niên 2020.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tại hội nghị thường niên của WEF tại Davos hồi tháng 1-2018Ảnh: Reuters
Sự hiện diện của Tổng thống Zelensky tại WEF cũng đặt ông Trump vào tình thế khó xử bởi nội dung cuộc điện đàm gây tranh cãi giữa hai nhà lãnh đạo này hồi tháng 7-2019 dẫn đến cuộc điều tra luận tội nhằm vào ông chủ Nhà Trắng của Hạ viện Mỹ.
Các hạ nghị sĩ Đảng Dân chủ cáo buộc ông Trump lạm quyền khi giữ lại khoản viện trợ quân sự gần 400 triệu USD nhằm gây sức ép để Kiev điều tra cựu phó Tổng thống Mỹ Joe Biden và con trai ông.
Chưa hết, khả năng diễn ra một cuộc gặp giữa nhà lãnh đạo Mỹ và Tổng thống Iraq Barham Salih tại Davos chắc chắn cũng thu hút sự quan tâm của dư luận. Nếu diễn ra, theo đài CBS, đây sẽ là cuộc gặp cấp cao đầu tiên giữa hai nước kể từ khi xảy ra vụ ám sát tướng Soleimani ở Baghdad. Quốc hội Iraq sau đó bỏ phiếu thông qua nghị quyết yêu cầu chấm dứt sự hiện diện của lực lượng quân sự nước ngoài tại nước này, dẫn đến phản ứng mạnh mẽ của Washington.
Thách thức cũng đến từ cuộc gặp dự kiến giữa ông Trump và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tại Davos trong bối cảnh hai đồng minh này căng thẳng về những tranh cãi thương mại.
Theo Reuters, trong số những vấn đề thương mại đang chia rẽ hai bên, nỗi lo tức thì của Washington là kế hoạch áp thuế dịch vụ số của Pháp, bị Mỹ xem là có hại cho các tập đoàn công nghệ Mỹ như Google và Amazon. Washington đã dọa áp thuế lên hàng hóa, dịch vụ của Pháp để trả đũa bước đi này từ Paris, nếu có.
Các chuyên gia thương mại cho hãng tin Reuters biết rằng cuộc chiến thuế Mỹ - Pháp có thể diễn ra sớm nhất là vào cuối tháng 1 do tiến trình đàm phán giữa hai bên không đạt tiến triển.