Tại cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội TP.HCM 10 tháng năm 2018 mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, Công ty Emaar Properties PJSC (Các tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất) đã xin rút khỏi liên danh giữa Tập đoàn Bitexco và Công ty Emaar Properties PJSC vào tháng 10/2016.
Theo Chủ tịch Nguyễn Thành Phong, Công ty Emaar Properties PJSC là một doanh nghiệp nhà nước lớn của Các tiểu Vương quốc Ả Rập thống Nhất thực hiện rất nhiều dự án lớn tại quốc gia này, họ có đủ năng lực để thực hiện dự an Bình Quới - Thanh Đa. Nguyên nhân doanh nghiệp này rút lui khỏi dự án do thủ tục của ta quá lâu.
"Việc đấu thầu chọn nhà đầu tư mới xem như dự án trở lại vạch xuất phát ban đầu. Theo quy định hiện hành, thời gian đấu thầu để chọn nhà đầu tư mới cho dự án phải mất 800 ngày (tức hơn 2,5 năm) nữa", ông Phong nhấn mạnh.
Đánh giá về việc nhà đầu tư ngoại xin rút khỏi dự án Bình Quới - Thanh Đa, chuyên gia kinh tế - TS. Lê Bá Chí Nhân cho rằng chuyện nhà đầu tư ngoại rút lui khỏi dự án đất vàng tại TP.HCM sau khi hăng hái tham gia không phải là chuyện mới. Trong những trường hợp này, thành phố phải cho đấu giá lại, trả lại tiền cọc cho doanh nghiệp, điều này có nghĩa thành phố sẽ “gánh” lấy phần thiệt hại về mình.
Cũng theo vị chuyên gia này, trường hợp của khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa cũng tương tự. Việc thành phố chậm đưa ra các phương án đền bù giải toả và tái định cư đã khiến các chủ đầu tư phải tự bơi, tự đứng ra thương lượng trực tiếp với người dân nhưng hai bên hầu như không tìm được tiếng nói chung.
"Nếu chúng ta tiếp tục đưa dự án ra đấu thầu rộng rãi lựa chọn nhà đầu tư mà không có sự chuẩn bị kỹ mọi khâu thì dự án này vẫn cứ loay hoay như trước đây. Tại Việt Nam, thời gian qua đã chứng minh có nhiều nhà đầu tư vượt trội, có khả năng thực hiện nhiều dự án lớn mang tầm thế giới, có đủ tiềm lực và kinh nghiệm để phát triển khu Bình Quới - Thanh Đa. Do vậy, chỉ cần các nhà đầu tư nội hợp tác, có quyết tâm sẽ sớm đưa dự án đi đúng quy hoạch. Còn nếu đấu thầu quốc tế không khéo lại kéo dài rất nhiều thời gian do thủ tục pháp lý", TS. Nhân cho biết thêm.
Một chuyên gia khác cũng thừa nhận rằng việc nhà thầu ngoại "tháo chạy" khỏi các dự án sau khi đã trúng thầu không có gì là mới. Có thể kể đến như Công ty TNHH Tập đoàn Đông Dương - Indochina Group cũng đã xin trả lại dự án đầu tư bãi đậu xe ngầm và dịch vụ công cộng tại khu vực sân vận động Hoa Lư quận 1, hay một nhà đầu tư ngoại cũng đã tháo chạy khỏi dự án 164 Đồng Khởi (quận 1).
"Việc đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư có năng lực tài chính mạnh, có kinh nghiệm thực hiện dự án quy mô lớn để đảm bảo tính khả thi, dự án được triển khai nhanh. Tuy nhiên, tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư phải có nội dung ký quỹ với số tiền đảm bảo đủ thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, có bảo lãnh hợp pháp của các tổ chức tín dụng thường...đã làm các nhà đầu tư ngao ngán bởi sau khi đóng tiền ký quỹ nhưng tiến độ thực hiện phương án đền bù giải toả và tái định cư quá nhiêu khê", vị này cho biết.
Cũng theo chuyên gia này, một lý do khác khiến nhà đầu tư ngoại xin trả lại dự án đất vàng đã thắng thầu trước đó bởi vì họ đánh giá tỷ suất lợi nhuận trên thị trường BĐS sẽ không cho họ được con số như kỳ vọng. Mặt khác, giá BĐS ở TPHCM và Hà Nội hiện nay đã rất cao thì nhà đầu tư phải luôn tỉnh táo, tính toán làm thế nào đạt được yêu cầu của họ. "Chính vì thế, việc họ trả lại dự án, tôi nghĩ cũng là điều bình thường", vị này cho biết.
Còn theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, muốn dự án nhanh chóng đi vào hoạt động phải tháo gỡ từng khó khăn mà khó khăn lớn nhất hiện nay là việc giải phóng mặt bằng. Việc giải phóng, thỏa thuận bồi thường cho dân càng lâu thì dự án càng chậm.
"Dự án này rộng hơn 400ha, một khu vực quy hoạch đô thị duy nhất tại khu trung tâm TP.HCM còn sót lại hiện nay nên nhiều nhà đầu tư đều muốn rót vốn thực hiện. Thành phố đã quá chậm trễ thực hiện dự án này suốt 26 năm qua, người dân tiếp tục sống khổ do đi không được mà ở lại cũng không xong. Vấn đề là thành phố cần làm nhanh đầu bài sao cho phù hợp với tình hình thực tế để đẩy nhanh quá trình này", ông Châu cho biết.
Theo ông Châu, các nhà đầu tư luôn đặt ra 2 vấn đề khi tham gia đấu thầu: Khi nào TP.HCM giao mặt bằng sạch và mức giá đền bù là bao nhiêu để họ xây dựng tính khả thi dự án nhưng vẫn không nhận được câu trả lời thoả đáng. Hiện nay, TP.HCM cũng đang nghiên cứu mô hình chỉ định thầu của Hà Nội từ đó sẽ xây dựng phương án lựa chọn nhà đầu tư tối ưu nhất."
Về việc giảm thời gian đền bù, tái định cư, chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM cho biết một giải pháp duy nhất là phải thực hiện đền bù theo cơ chế giá thị trường. Thành phố nên đi theo hướng cho nhà đầu tư xây một khu nhà ở thương mại trong chính dự án để tái định cư tại chỗ, người dân được hỗ trợ 50% giá trị căn nhà đó".
"Theo quy định của luật nhà ở, đối với những dự án có diện tích từ 10ha trở lên thì các nhà đầu tư phải dành 20% quy đất để làm nhà ở xã hội. Cho nên câu chuyện tái định cư người dân tại chỗ trong khu Bình Quới - Thanh Đa nếu thực hiện theo cách trên là hoàn toàn đúng đắn nhất. Chỉ bằng phương thức này thì chúng ta mới tránh được bài học của Thủ Thiêm trước đây, và người dân dễ chấp nhận vì phù hợp với các quy định của pháp luật và tính đạo lý cao. Tôi rất ủng hộ cách làm tái định cư 100% người dân tại chỗ bằng nền nhà hay căn hộ tái định cư với những hỗ trợ tối đa từ phía các nhà đầu tư", ông Châu cho hay.
Cũng theo ông Châu, khi làm các dự án BĐS quy mô lớn, lợi ích giữa các chủ đầu tư và người dân được đảm bảo một cách hài hoà sẽ không dẫn đến những xung đột, khiếu kiện không mong muốn, giúp rút ngắn rất nhiều tiến độ thực hiện dự án.
Trao đổi với nhiều hộ dân dang sinh sống trong khu Thanh Đa, đa phần các hộ dân đều có ý kiến ủng hộ với phương thức tái định cư tại chỗ. Bởi theo người dân, họ đã sinh sống nhiều đời tại đây nên việc thay đổi nơi sống khác, môi trường sống khác là điều không mong muốn. Họ đã chờ đợi khu đô thị này được xây dựng quá lâu, nên nếu thực hiện được tái định cư ngay trong dự án là điều hoàn toàn hợp lý.
"Việc này cũng giống như trường hợp trước đây Thành phố thực hiện chương trình xây dựng các chung cư cũ sắp sập tại Thanh Đa, người dân rất vui mừng khi được hoán đổi căn hộ ngay chính dự án mới", một hộ dân sống trong khu Thanh Đa cho biết.