Sòng phẳng phí bảo vệ môi trường

22/09/2018 08:09
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng tiền thuế bảo vệ môi trường phải chi lại cho bảo vệ môi trường, người dân mới thấy sòng phẳng, chứ không phải thu chỗ này chi chỗ khác.

Chiều 20-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã thảo luận và biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về Biểu thuế bảo vệ môi trường (BVMT). Cụ thể, đối với xăng (trừ ethanol) tăng từ 3.000 đồng/lít lên mức trần 4.000 đồng/lít; Dầu diesel tăng từ 1.500 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít... Thời hạn có hiệu lực của Nghị quyết từ ngày 1-1-2019.

"Gánh" đủ loại chi

Quỹ BVMT Việt Nam là Quỹ BVMT quốc gia, được thành lập theo Quyết định số 82/2002/QĐ-TTg ngày 26-6-2002 của Thủ tướng Chính phủ. Tháng 7-2003, quỹ chính thức bắt đầu đi vào hoạt động và năm 2004 có nguồn vốn điều lệ là 200 tỉ đồng, đến năm 2008 là 500 tỉ đồng và hiện nay là 1.000 tỉ đồng. Năm 2015, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 132/2015/TT-BTC hướng dẫn chế độ quản lý tài chính đối với Quỹ BVMT Việt Nam.

Theo thông tư này, quỹ được sử dụng để cho vay với lãi suất ưu đãi đối với các dự án BVMT trên phạm vi toàn quốc; hỗ trợ lãi suất cho các dự án BVMT vay vốn từ các tổ chức tín dụng; hỗ trợ tài chính đối với các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu…

Theo Bộ Tài chính, kết quả thực hiện thu thuế BVMT trong giai đoạn 2012-2017, ngân sách thu được qua từng năm đều tăng. Cụ thể, năm 2012 là 11.160 tỉ đồng, tới năm 2013 tăng lên 11.512 tỉ đồng; năm 2014 là 11.970 tỉ đồng; năm 2015 là 27.020 tỉ đồng; năm 2016 là 44.323 tỉ đồng và năm 2017 là 44.825 tỉ đồng. Số thu thuế BVMT đối với nhóm xăng dầu, than đá, chiếm chủ yếu (khoảng 99%).

Sòng phẳng phí bảo vệ môi trường - Ảnh 1.

Tăng thuế bảo vệ môi trường xăng dầu sẽ tác động đến đời sống số đông người dânẢnh: TẤN THẠNH

Khoản thu từ thuế BVMT không phải là khoản thu mang tính đối giá và hoàn trả trực tiếp, không quy định sử dụng cho các nhiệm vụ chi cụ thể mà để thực hiện các nhiệm vụ chi theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) và được QH phê duyệt hằng năm.

Bộ Tài chính cho biết tổng chi NSNN cho các nhiệm vụ BVMT giai đoạn 2012-2016 khoảng 131.857 tỉ đồng, bình quân khoảng 26.371 tỉ đồng/năm, cao hơn số thu thuế BVMT giai đoạn 2012-2016. Trong đó, tổng số chi thường xuyên cho BVMT khoảng 89.131 tỉ đồng, gồm: chi thực hiện các dự án điều tra, đánh giá về đất đai, địa chất khoáng sản, tài nguyên nước, biển và hải đảo; chi thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu...

Không thu chỗ này, chi chỗ khác

Trong cuộc họp vào chiều 20-9, Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH đã thảo luận và biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về Biểu thuế BVMT. Phát biểu tại cuộc họp này, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển cho biết nếu điều chỉnh loại thuế này mỗi năm ngân sách sẽ có thêm hơn 15.700 tỉ đồng, là một nguồn lớn để đầu tư, xử lý vấn đề môi trường. Từ đó, ông Hiển đề nghị dự toán ngân sách năm 2019 xác định rõ khoản thu từ thuế môi trường sẽ được dùng chi cho bảo vệ môi trường.

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng: "Tiền thuế BVMT phải đưa vào ngân sách và chi lại cho BVMT, người dân mới thấy sòng phẳng, chứ không phải thu chỗ này chi cho chỗ khác".

Trước lo ngại tăng thuế môi trường đối với xăng, dầu - là nguyên liệu đầu vào thiết yếu của sản xuất kinh doanh, sẽ tác động tới lạm phát, nhất là giá thành sản phẩm, dịch vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết Chính phủ đã tiếp thu và có báo cáo tác động đánh giá bổ sung đầy đủ.

Theo ông Hải, việc Chính phủ đề nghị chuyển thời điểm hiệu lực của nghị quyết từ ngày 1-1-2019 sẽ không tác động làm tăng CPI năm 2018, bảo đảm dư địa cho Chính phủ điều chỉnh lạm phát năm 2019, từ đó hạn chế tối thiểu tác động tới đời sống người dân, hoạt động nền kinh tế.

Việc điều chỉnh tăng thuế môi trường với xăng, dầu chỉ khiến giá cước vận tải tăng khoảng 0,83% trong 3 tháng sau khi tăng giá các mặt hàng. Với mặt hàng điện, sản xuất kính, gốm... cơ bản không tác động.

Trao đổi với Báo Người Lao Động chiều 21-9, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam, cho biết việc tăng thuế BVMT theo nghị quyết của QH không ảnh hưởng gì nhiều lắm đến vận tải, bởi giá xăng chỉ tăng khoảng 5%. "Trong khi đó, luật bất thành văn, khi giá nhiên liệu tăng, giảm khoảng 10%, thì mới đặt vấn đề điều chỉnh giá vận tải" - ông Thanh nói, đồng thời cũng đề nghị tiền thuế BVMT thì phải chi cho công tác bảo vệ môi trường.

Tiếp tục tăng giá xăng

Liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định tăng giá các mặt hàng xăng dầu từ 15 giờ ngày 21-9.

Cụ thể, xăng E5 RON92 tăng 320 đồng/lít; xăng RON95-III tăng 293 đồng/lít; dầu diesel tăng 57 đồng/lít; dầu hỏa tăng 124 đồng/lít; dầu ma dút tăng 26 đồng/kg.

Sau khi điều chỉnh, mức giá mới của xăng E5 RON92 không cao hơn 20.231 đồng/lít; xăng RON95-III không cao hơn 21.770 đồng/lít; dầu diesel không cao hơn 18.126 đồng/lít; dầu hỏa không cao hơn 16.683 đồng/lít; dầu ma dút không cao hơn 14.942 đồng/kg.

Cho vay hơn 2.200 tỉ đồng

Theo Quỹ BVMT Việt Nam, từ khi thành lập đến nay, công tác cho vay lãi suất ưu đãi đối với các dự án BVMT là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong quá trình hoạt động.

Đến nay, quỹ đã cho 248 dự án môi trường vay vốn với tổng số tiền ký kết hơn 2.200 tỉ đồng. Vốn vay của quỹ đã được sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường trên phạm vi toàn quốc.

Ông Phạm Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng:

Ảnh hưởng lớn đời sống người dân

Nghị quyết về biểu thuế BVMT với xăng dầu vừa được biểu quyết thông qua không chỉ áp dụng với mặt hàng xăng dầu mà còn cả cho mặt hàng than đá. Hiện chưa công bố mức tăng cụ thể đối với thuế BVMT của than đá nhưng mức thuế hiện tại của mặt hàng này đã rất cao, nếu tăng thêm sẽ tác động lớn đến doanh nghiệp sản xuất và sử dụng than đá.

Riêng thuế BVMT đối với xăng dầu tăng kịch trần trong điều kiện tiền lương và các thu nhập khác của người dân không tăng, lạm phát có xu hướng tăng sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân. Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, trong điều kiện các phương tiện vận chuyển công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội thì người dân không thể vì giá xăng dầu tăng mà giảm tiêu thụ xăng dầu. Với giá xăng hiện tại, người đi ôtô phải tốn 1,4-1,5 triệu đồng để đổ đầy bình xăng, từ ngày1-1-2019 sẽ phải tốn gần 2 triệu đồng. Người lao động có thu nhập vài trăm ngàn đồng/tháng cũng phải trả thêm tiền mỗi lần đổ xăng. Mặt bằng giá chung cũng sẽ bị tác động dây chuyền, nhích lên theo giá xăng trong khi đó thu nhập không có cơ sở tăng thêm để bù vào khoảng chi phí phát sinh từ thuế môi trường.

Ông Phan Hoàng Chi, Giám đốc Công ty Vận tải Tâm An (TP HCM):

Ngành vận tải "chết chắc"

Giá xăng dầu tăng liên tục trong thời gian qua cũng đủ làm cho doanh nghiệp vận tải điêu đứng, nay thêm phí môi trường áp vào giá xăng dầu làm "đội" lên vài ngàn đồng/lít nữa xem như ngành vận tải "chết chắc". Trước đây, vận chuyển một chuyến xe container hàng từ TP HCM - Đà Nẵng, sau khi trừ chi phí, nhà xe còn dư 6 triệu đồng. Thời gian qua, giá dầu từ 14.000 đồng/lít, sau nhiều đợt tăng giá đã lên 18.000 đồng/lít nên một chuyến xe hiện nay chỉ dư 1-2 triệu đồng. Do đó, nhà xe không dám thuê mướn tài xế như trước mà họ tự lái. Trường hợp thuê tài xế thì sẽ giảm từ 2 tài xuống còn 1 tài.

Ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hàng hóa TP HCM:

Lẽ ra nên có lộ trình

Hiệp hội Vận tải Hàng hóa TP HCM đã nhiều lần kiến nghị về mức thuế BVMT đối với xăng dầu nhưng vẫn chưa được giải quyết. Nếu áp dụng thuế môi trường vào xăng dầu lẽ ra nên có lộ trình, vì hiện nay cạnh tranh trong ngành vận tải hàng hóa rất khốc liệt, giá xăng dầu liên tục tăng trong khi giá cước vận tải lại không tăng trong nhiều năm qua mà còn có chiều hướng giảm đáng kể. Tùy theo khu vực, tuyến đường xa hay gần mà giá cước đã giảm khoảng 20%, thậm chí giảm mạnh đến 30%-40%. Một số doanh nghiệp vận tải do không chịu nổi áp lực cạnh tranh đã phải tuyên bố phá sản hoặc chuyển đổi ngành nghề.

T. Nhân - N.Hải ghi

Tin mới

Nếu về Việt Nam, đây có thể là "kẻ soán ngôi" Honda Vision: Thiết kế siêu xịn, trang bị vượt trội
1 ngày trước
Không chỉ có thiết kế cực đẹp mẫu xe ga này còn sở hữu nhiều trang bị vượt trội so với Honda Vision.
Ứng dụng giúp việc nhà "hốt" bạc
1 ngày trước
Dịch vụ gọi giúp việc nhà qua ứng dụng (app) ngày càng được ưa chuộng khi người dùng bận rộn và chịu nhiều áp lực với công việc hơn.
Xuất khẩu nông sản dự kiến đạt kỷ lục 62 tỷ USD
1 ngày trước
Trong 10 tháng đầu năm, xuất khẩu nông sản Việt Nam đạt hơn 51,7 tỷ USD, tăng hơn 20% so cùng kỳ. Với đà này, dự kiến xuất khẩu nông sản sẽ đạt kỷ lục 62 tỷ USD trong năm nay.
Giá xăng dầu hôm nay 25/11: Bật tăng đồng loạt phiên đầu tuần
1 ngày trước
Giá xăng dầu hôm nay 25/11: Thị trường dầu thô thế giới mở phiên đầu tuần mới tăng giá đồng loạt với mức tăng từ 0,2% theo ngày.
Giá vé máy bay Tết cao ngất, nhiều gia đình thuê xe tự lái về quê
1 ngày trước
Do giá vé máy bay Tết cao ngất ngưởng, nhiều gia đình lựa chọn phương án thuê xe tự lái để về quê, chủ động đi lại và tiết giảm chi phí.

Bảng giá cập nhật trực tuyến

Dầu thô Brent

BRENT CRUDE

1.862.368 VNĐ / thùng

73.26 USD / bbl

0.34 %

+ 0.25

Dầu thô WTI

WTI CRUDE OIL

1.759.436 VNĐ / thùng

69.21 USD / bbl

0.39 %

+ 0.27

Khí tự nhiên US

NATURAL GAS US

2.359.437 VNĐ / m3

3.43 USD / mmbtu

0.51 %

- 0.02

Than đá

COAL

3.584.460 VNĐ / tấn

141.00 USD / mt

0.18 %

- 0.25

» Xem tất cả giá Năng lượng

Tin cùng chuyên mục

Giá xăng dầu hôm nay 24/11: Dầu thô thế giới nhích tăng, giá xăng dầu trong nước tăng trở lại
2 ngày trước
Giá xăng dầu hôm nay 24/11, thị trường dầu thô thế giới đóng cửa hai ngày cuối tuần. Tuy nhiên, giá dầu thô thế giới có xu hướng tăng mạnh trở lại.
Từng hứa hẹn trở thành cứu tinh khí đốt cho châu Âu, quốc gia này bất ngờ ‘quay xe’ tìm đến Mỹ để nhập hàng giá rẻ, sản lượng trong nước liên tục thiếu hụt
2 ngày trước
Từ một nguồn cung tin cậy cho EU, quốc gia này đã trở thành nhà nhập khẩu ròng LNG.
Giá xăng dầu hôm nay 23/11: Bứt tốc cho tuần leo đỉnh
3 ngày trước
Giá xăng dầu hôm nay 23/11, thị trường dầu thô thế giới đóng cửa hai ngày cuối tuần song giá chốt phiên hôm qua 22/11 đã bật tăng trở lại mạnh mẽ. Dầu WTI và Brent đều bật tăng từ 0,8 USD đến 1,1 USD/thùng so với phiên trước.
Cuộc chạy đua robot của các 'ông lớn' công nghệ ngày càng nóng, tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng vừa nhanh chóng tham gia
3 ngày trước
Thị trường này được dự báo sẽ đạt 38 tỷ USD vào năm 2035, với gần 1,4 triệu lô hàng.