Cơ quan quản lý thảm họa Indonesia cho biết hàng chục tòa nhà bị phá hủy.
Nguyên nhân gây ra sóng thần được cho là có thể do những dịch chuyển địa tầng sâu dưới đáy biển sau khi núi lửa Krakatoa phun trào.
Núi lửa Anak Krakatoa tại eo biển Sunda, Indonesia. Ảnh: Guardian
Eo biển Sunda nằm giữa các quần đảo Java và Sumatra nối với biển Java với Ấn Độ Dương.
Một số hình ảnh từ người đứng đầu cơ quan quản lý thảm họa Sutopo Purwo Nugroho cho thấy sau trận sóng thần, đường phố ngập nước và những chiếc xe hơi bị lật.
"Tổng cộng 168 người thiệt mạng, 745 người bị thương và 30 người đang mất tích"- ông Nugroho cho biết.
Người đứng đầu cơ quan quản lý thảm họa Sutopo Purwo Nugroho công bố hình ảnh hiện trường sau sóng thần. Ảnh: Sky News
Trước đó, ông Sutopo còn đăng tải hình ảnh nước dâng cao và cư dân địa phương cố gắng thoát thân trong hoảng loạn.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo chia sẻ trên Twitter "sự tiếc thương sâu sắc tới nạn nhân của vụ sóng thần ở Pandeglang, Serang và Nam Lampung đêm qua".
"Tôi đã lệnh cho tất cả các quan chức chính phủ liên quan lập tức có các hoạt động phản ứng khẩn cấp, tìm kiếm nạn nhân và chăm sóc người bị thương"- ông Widodo nhấn mạnh.
Hồi tháng 9, hơn 2.000 người đã thiệt mạng khi một trận động đất mạnh tấn công vào đảo Sulawesi, gây sóng thần nhấn chìm thành phố Palu.
Indonesia nằm trên khu vực Vành đai lửa Thái Bình Dương, nơi có nhiều núi lửa và thường xuyên xảy ra động đất.
Núi lửa Anak Krakatoa (tạm dịch: Đứa con của Krakatoa) đã có những dấu hiệu gia tăng hoạt động trong những tháng gần đây.
Cơ quan địa chất Indonesia cho biết núi lửa phụ trào trong 2 phút và 12 giây hôm 21-12, tạo ra những đám mây khói dâng cao 400m trên núi.
Cơ quan này khuyến cáo không ai được phép tiếp cận khu vực núi lửa trong vòng 2km.