Ánh sáng đang mờ dần trong ngành công nghiệp dầu mỏ của Nga, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng.
Điện Kremlin đang cố gắng hết sức để che giấu tác động của các lệnh trừng phạt năng lượng chính thức và không chính thức trong thời gian qua. Nhưng Moscow không thể che giấu được các vệ tinh đo lượng ánh sáng mà các mỏ dầu phát ra khi các loại khí đốt không mong muốn bị đốt cháy. Sản lượng khai thác càng cao, lượng khí đốt phát ra này càng nhiều, ánh sáng càng nhiều – và ngược lại.
Dữ liệu đo lượng ánh sáng này, cùng với thông tin từ các thương nhân và số liệu thống kê chính thức của Nga cho thấy sau 8 tuần khi xung đột nổ ra, Moscow có vẻ đã không chịu nổi tác động của các lệnh trừng phạt và tự trừng phạt từ bên ngoài. Trung bình, sản lượng dầu của Nga đã giảm 10% so với trước xung đột.
Sản lượng khai thác của Nga sụt giảm khi các nhà máy lọc dầu và thương nhân châu Âu quay lưng với Nga khi các hợp đồng hiện tại hết hạn trong bài tuần tới. EU cũng đang cân nhắc các biện pháp giảm nhập khẩu dầu từ Nga. "Chúng tôi đang phát triển các cơ chế thông minh để đưa dầu vào các gói trừng phạt tiếp theo", Chủ tịch Uỷ ban EU Ursula von der Leyen nói.
Còn đối với người dùng và các ngân hàng trung ương đang phải căng mình chống lạm phát, sản lượng dầu của Nga sụt giảm báo hiệu sự khởi đầu của một chu kỳ tăng giá mới và có thể kéo dài hơn làn sóng đầu tiên.
Đối với chính quyền của ông Putin, việc dầu thô tăng giá khó có thể bù đắp được tình trạng sụt giảm sản lượng kéo dài, đồng nghĩa nền kinh tế của Nga sẽ bị ảnh hưởng lớn.
Ước tính sản lượng dầu của Nga trong các năm từ 2005 đến 2022.
Cú sốc giá dầu giai đoạn một khá dữ dội nhưng diễn ra trong thời gian ngắn. Sản lượng của Nga phục hồi cao hơn dự kiến, tình trạng đóng cửa tại Trung Quốc làm giảm nhu cầu cộng với việc Mỹ và các đồng minh giải phóng hàng triệu thùng dầu dự trữ đã giúp phần nào hạ nhiệt giá dầu.
Dầu Brent, tiêu chuẩn dầu toàn cầu, ban đầu tăng lên 139,13 USD/thùng vào ngày 7/3 nhưng đã giảm gần 30%, xuống mức 97,57 USD/thùng vào ngày 11/4.
Màn tăng giá giai đoạn 2 này có thể diễn ra chậm hơn, nhưng kéo dài hơn, có nguy cơ tàn phá nền kinh tế nhiều hơn. Dầu thô Brent đã tăng trở lại mốc gần 110 USD/thùng và giá có thể tăng dần khi thị trường dần hấp thụ việc nguồn cung bị mất đi. Mùa cao điểm tiêu thụ dầu vẫn còn 2 tháng rưỡi nữa mới đến (thời điểm nghỉ hè ở Bắc bán cầu) và giá xăng bán lẻ chắc chắn sẽ tăng.
Dầu Brent đạt mức giá trung bình 99,20 USD/thùng trong năm nay. Vào năm 2008, thời điểm giá dầu đạt mức cao nhất mọi thời gian, giá dầu trung bình trong cùng giai đoạn chỉ là 98,40 USD/thùng. Niềm hy vọng gần như duy nhất thời điểm này lại là một tin không mấy vui vẻ: suy thoái kinh tế ở Mỹ và châu Âu – điều có thể khiến các quốc gia này phải có các hành động quyết liệt để ngăn giá dầu leo thang.
Sản lượng dầu của Nga có thể sẽ giảm hơn nữa trong những tháng tới, theo đánh giá dựa trên số liệu thống kê của OilX – một công ty tư vấn sử dụng dữ liệu hình ảnh từ các vệ tinh của NASA.
Người ta ước tính sản lượng đầu tháng này đã giảm xuống 9,76 triệu thùng/ngày trong tuần gần đây. Trung bình, Nga bơm khoảng 10,2 triệu thùng/ngày trong tuần đầu tiên của tháng 4, thấp hơn nhiều so với mức 11,1 triệu thùng/ngày của tháng 2 và khoang 11 triệu của tháng 3.
Bản thân hoạt động của các công ty dầu mỏ Nga cũng cho thấy nhu cầu quốc tế đang giảm dần với sản phẩm của họ. Rosneft PJSC - công ty Nhà nước Nga - đã cố gắng bán hàng triệu thùng dầu thô ở châu Âu và châu Á thông qua đấu thầu, kết thúc vào ngày 21/4.
Thông thường, Rosneft sẽ bán hàng thông các giao dịch dài hạn với các nhà giao dịch hàng hoá như Vitol Group, Trafigura Group và Glencore Plc. Tuy nhiên, các thương nhân châu Âu phải đối mặt với thời hạn ngày 15/5 từ EU, hạn chế giao dịch của họ với Rosneft và một số công ty khác của Nga.
Nếu tình trạng sụt giảm sản lượng từ đầu tháng 4 tiếp tục diễn ra trong tháng 5, quy luật cung - cầu sẽ chiếm ưu thế. Thị trường dầu như một con tàu khổng lồ. Nó cần thời gian để xoay chuyển. Dù chậm nhưng nó chắc chắn sẽ xoay chuyển, đồng nghĩa giá dầu sẽ tăng lên – một lần nữa.
Nguồn: Bloomberg