Sốt đất đã từng là “thực đơn quen thuộc” trong giai đoạn 2016-2022. Đặc biết, vào thời điểm đầu năm, giá đất luôn tăng mạnh do tâm lý kỳ vọng của giới đầu tư.
Ngay thời điểm ảnh hưởng bởi Covid-19, những cơn sốt đất vẫn quay vòng trên thị trường tại một số khu vực. Thậm chí có địa phương ghi nhận làn sóng lớn của nhà đầu tư, môi giới “ập” đến với lượng mua – bán tấp nập, giá đất tăng từng tuần, từng tháng.
Cơn sốt đất từng bùng nổ mạnh tại thị trường địa ốc vùng ven.
Và cũng chỉ hơn 1 năm trước, cơn sốt đất đã bùng lên tại nhiều địa phương. Bắt nguồn từ thời điểm cuối năm 2021, Chính phủ thúc đẩy đầu tư công, hàng loạt công trình hạ tầng trọng điểm tại các địa phương được phê duyệt và đẩy mạnh đầu tư. Tâm lý dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, kinh tế phục hồi, cùng với mức lãi suất hấp dẫn là lý do khiến các đợt sốt đất âm ỉ cuối năm 2021 dần lan rộng vào đầu năm 2022. Các đợt sốt đất thời điểm đầu năm diễn ra tại nhiều địa phương trên khắp cả nước, từ khu vực như Bắc Giang, Bắc Ninh, vùng ven Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Thanh Hoá đến Bà Rịa - Vũng Tàu, Lâm Đồng, Quảng Bình, Quảng Trị, Khánh Hòa.
Ông Phan Việt Hoàng, Phó Tổng thư ký Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARs), với bối cảnh như hiện tại, cơn sốt đất xảy ra như trước sẽ không thể bùng nổ trong năm 2023.
Ông Hoàng cho hay, kể từ đầu tháng 7/2022, thị trường bất động sản liên tục gặp nhiều bất ổn và khó khăn từ các kênh dẫn vốn liên quan đến thị trường. Trong đó nổi bật là những chính sách tiền tệ đã được Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan kiểm soát chặt chẽ hơn như tín dụng và trái phiếu doanh nghiệp. Sau đó, thanh khoản thị trường bất động sản nhanh chóng sụt giảm. Giá bất động sản có xu hướng chung là chững lại, chỉ tăng ở một số vị trí, loại sản phẩm có yếu tố sản sinh dòng tiền.
Còn ở nhiều nơi xa trung tâm thành phố, hạ tầng chưa đầy đủ giá đã giảm, nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính nhiều đang phải tìm cách bán cắt lỗ. Thực tế, thị trường bất động sản đã đối mặt với nhiều khó khăn pháp lý trong suốt những năm qua. Vì vậy, vấn đề tài chính là một trong các yếu tố khiến tình trạng này khó khăn hơn.
Ông Hoàng dự báo, sang năm 2023, khi ngân hàng có room tín dụng mới thì thị trường bất động sản mới có thêm các giao dịch từ những người mua nhà ở thực.
“Tuy nhiên, lượng giao dịch sẽ không bùng nổ để tạo ra những “cơn sốt” như đã từng xảy ra vì sau những cuộc đua huy động vốn thì lãi suất cho vay mua nhà cũng tăng lên đáng kể”, ông Hoàng nhấn mạnh.
Cũng theo Phó Tổng thư ký VARs, nhu cầu thực trong năm 2023 được kì vọng là "điểm sáng" trong thời kì này. Năm 2023 thị trường bất động sản sẽ dần phục hồi, phát triển lành mạnh, minh bạch hơn nhờ những sửa đổi về Luật đất đai và động thái tháo gỡ khó khăn của Chính phủ … góp phần giúp bất động sản thanh khoản trở lại, gỡ khó cho doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đồng thời hạn chế rủi ro cho nền kinh tế, giúp người lao động thu nhập thấp có cơ hội tiếp cận nhà ở xã hội dễ dàng hơn trong thời gian tới.
Cũng đưa ra quan điểm nhận định rằng, không có “sốt đất” xảy ra, TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam nhận định, năm 2023, khi có room tín dụng mới, thị trường bất động sản sẽ dần phục hồi. Ông Đính nhấn mạnh: Sẽ không có chuyện "sốt đất" xảy ra như đầu năm nay”. Dòng tiền room tín dụng mới tuy không nhiều nhưng giúp thị trường có thêm giao dịch từ người mua nhà thực và các nhà đầu tư bất động sản nhỏ lẻ.