Ngày 21-7, ông Kiều Công Minh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tỉnh Tây Ninh , cho biết 6 tháng đầu năm 2022, tổng số hồ sơ về đất đai sở này nhận tăng đột biến. Cụ thể, đơn vị này đã tiếp nhận 134.528 hồ sơ, tăng 76,12% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó đã xử lý 128.747 hồ sơ (đúng hạn 124.012 hồ sơ và 4.735 hồ sơ quá hạn), còn lại 5.781 hồ sơ chưa giải quyết (trong hạn 5.093 hồ sơ và 688 hồ sơ quá hạn).
Sốt đất ảo ở Tây Ninh được ăn theo các dự án trên địa bàn.
Theo ông Kiều Công Minh, do đầu năm 2022 tình hình sốt đất trên địa bàn gia tăng, đặc biệt việc phân lô, tách thửa, bán nền… từ đó tạo cơn sốt đất ảo.
Mặt khác, do thông tin tỉnh đang xem xét ban hành văn bản mới quy định về tách thửa, hợp thửa theo hướng kiểm soát chặt hơn khiến các giao dịch về quyền sử dụng đất của người dân tăng nhanh ở các Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai cấp huyện. Tình trạng quá tải khi tiếp nhận khối lượng công việc tăng đột biến đã xuất hiện.
Nguyên nhân nữa là do sở đang thực hiện dự án cơ sở dữ liệu đất đai trên toàn tỉnh. Khi tiếp nhận hồ sơ, cán bộ vừa giải quyết hồ sơ vừa cập nhật cơ sở dữ liệu đất đai theo dự án, vừa đưa vào phần mềm một cửa nên 100% hồ sơ phải scan chuyển sang dữ liệu số nên mất thêm thời gian.
Để hoàn thiện hồ sơ, trả kết quả thủ tục hành chính về đất đai, cùng với ngành Tài nguyên và Môi trường phải có sự phối hợp, tham gia của công chức địa chính xã, UBND cấp xã, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, ngành Thuế… nên thời gian giải quyết thủ tục kéo dài.
Cũng theo ông Kiều Công Minh, cơ quan thuế xác định nghĩa vụ tài chính chưa thực hiện kịp thời gian theo quy chế phối hợp dẫn đến chậm trễ. Tính đến ngày 24-6-2022, số lượng hồ sơ tồn đã chuyển qua cơ quan thuế là 15.327 hồ sơ (trong hạn 5.5345 hồ sơ, quá hạn 9.782 hồ sơ).
Trong khi đó, việc liên thông giữa phần mềm chuyên ngành về quản lý cơ sở dữ liệu đất đai và phần mềm một cửa chưa thực hiện thông suốt nên còn tình trạng phải nhập dữ liệu đầu vào trên cả 2 hệ thống phần mềm.
Việc liên thông để chuyển thông tin thực hiện nghĩa vụ tài chính bằng hình thức điện tử cũng chưa thực hiện được. Vì vậy, việc phối hợp giữa hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai và ngành Thuế còn hạn chế…
Về giải pháp, ông Kiều Công Minh cho biết sẽ tăng cường nguồn lực cho hệ thống Văn phòng đăng ký đất đai, đảm bảo nhu cầu công việc, hướng đến chủ động về phương tiện để tự luân chuyển hồ sơ không phải qua dịch vụ bưu điện.
Ngành tài nguyên và môi trường cũng rà soát, sàng lọc, chuyển đổi vị trí công tác hoặc thay thế viên chức, người lao động không đáp ứng yêu cầu đổi mới hiện nay; chấn chỉnh công tác trả kết quả cho người dân.
Bổ sung thêm nhân viên trả kết quả hoặc có biện pháp phối hợp với bưu điện.. cũng là một giải pháp quan trọng.