Từ ngày 9/5 đến 22/5, cổ phiếu SRC của CTCP Cao su Sao Vàng tăng một mạch từ 21.300 đồng/cổ phần, với khối lượng khớp lệnh chỉ vài nghìn cổ phiếu/phiên, lên 31.100 đồng/cổ phiếu. Tính từ đầu năm, cổ phiếu này đã tăng gấp đôi.
Được biết ngày 4/6 tới đây, Vinachem sẽ đấu giá 4,21 triệu cổ phiếu SRC với giá khởi điểm 46.452 đồng/cp, tương ứng tổng giá trị xấp xỉ 196 tỷ đồng. Sau giao dịch này, Vinachem vẫn còn nắm giữ hơn 10,1 triệu cổ phiếu SRC, tương ứng tỷ lệ sở hữu 36%.
Từ khi có thông tin công bố đợt thoái vốn của Vinachem tại SRC, giá cổ phiếu tăng mạnh, đi kèm khối lượng tăng vọt gấp vài chục lần so với các phiên trước khi có thông tin thoái vốn.
Sau khi có thông tin cổ đông của Công ty gửi đơn khiếu nại về những bất thường tại đại hội đồng cổ đông và việc bầu thành viên hội đồng quản trị, giá cổ phiếu giảm 3 phiên liên tiếp, trong đó có 2 phiên giảm sàn. Đến phiên 28/5, giá cổ phiếu lại tăng trần lên 27.900 đồng/cổ phiếu.
Tuy HOSE chưa công bố thông tin đăng ký mua SRC, tuy nhiên, nhà đầu tư Nguyễn Hoàng Cường, người đã đặt cọc 19,6 tỷ đồng đăng ký tham gia mua cả lô cổ phần Vinachem chào bán, đã gửi đơn hủy đăng ký tham gia đấu giá. Ông Cường cho biết, sau khi nghiên cứu kỹ hồ sơ, nhận thấy cổ phiếu SRC không hấp dẫn và không phủ hợp với mục tiêu đầu tư , nên ông đã hủy tham gia đấu giá, nhận lại tiền cọc.
Một trong các lý do khiến ông quyết định hủy tham gia đấu giá là lo ngại những lùm xùm quanh đợt thoái vốn này, cũng như việc mất quyền cử người tham gia Hội đồng quản trị của SRC ngay cả khi ông trúng đấu giá, do Vinachem và nhóm nhà đầu tư sở hữu 19,2% cổ phần SRC đã thực hiện thay và bầu mới 2 thành viên hội đồng quản trị SRC ngay trước phiên thoái vốn.
"Nhà đầu tư như chúng tôi đã mất cơ hội đầu tư tốt tại doanh nghiệp có tiềm năng, còn cuộc thoái vốn nhà nước tại cao su Sao Vàng giảm đi tính cạnh tranh và cơ hội tối đa hóa lợi ích đem về cho nhà nước", ông Cường nhận xét.