Sri Lanka đề nghị Tổ chức Tiền tệ Quốc tế (IMF) hỗ trợ tài chính khẩn cấp và cơ quan này đang trong quá trình cân nhắc yêu cầu trên, một nhân vật thân cận với Bộ trưởng Tài chính nước này chia sẻ trong ngày 19/4.
Phong trào biểu tình liên tục lan rộng trong những ngày qua trong bối cảnh Sri Lanka lâm vào cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất kể từ sau khi giành độc lập, bắt nguồn từ những ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, cách điều hành sai lầm của chính phủ và xu hướng tăng giá nhiên liệu, hàng hóa toàn cầu.
Phái đoàn dẫn đầu bởi Bộ trưởng Tài chính Sri Lanka Ali Sabry đã tiến hành đàm phán với IMF tại Washington hôm 18/4 nhằm xây dựng một chương trình giúp quốc gia này cải thiện nguồn dự trữ ngoại hối và nhận về các khoản cho vay bắc cầu phục vụ mục đích chi trả chi phí nhập khẩu nhiên liệu, thực và dược phẩm.
Một người đàn ông đang đẩy chiếc xe hết xăng của mình tại thành phố Colombo, Sri Lanka. Ảnh: Reuters.
“Bộ trưởng bộ Ngoại giao Sri Lanka yêu cầu IMF hỗ trợ một khoản vay thông qua công cụ Rapid Financing Instrument (RFI). Ban đầu, IMF có đôi chút lưỡng lự khi Sri Lanka không đáp ứng đủ các yêu cầu đề ra”, Shamir Zavahir, trợ lý bộ trưởng Sabry viết trên Twitter.
“Tuy nhiên, Ấn Độ đã thay mặt Sri Lanka đề xuất phương án vay vốn thông qua RFI, và IMF sẽ cân nhắc kỹ lưỡng đề nghị này do đây là trường hợp hết sức đặc biệt”, ông viết.
Sri Lanka đang tìm kiếm khoản hỗ trợ tài chính lên tới 3 tỷ USD trong vài tháng tới từ một số nguồn như IMF, Ngân hàng Thế giới và Ấn Độ, nhằm xoa dịu cuộc khủng hoảng, Bộ trưởng Sabry chia sẻ với Reuters hồi đầu tháng.
Tuần trước, ngân hàng trung ương quốc gia này cho biết họ đang trì hoãn thanh toán một số khoản nợ nước ngoài và sẽ sớm tiến hành tái cấu trúc nợ.
Tại thành phố Colombo, những cuộc biểu tình đòi phế truất tổng thống Gotabaya Rajapaksa nổ ra liên tục trong hơn một tuần nay.
Ngày 19/4, tại Quốc hội, thủ tướng Mahinda Rajapaksa kêu gọi chính phủ đồng lòng đưa đất nước vượt qua khủng hoảng, nhưng phe đối lập đã lên tiếng phản đối.
“Việc người dân phải xếp hàng dài khi mua hàng hóa và chịu đựng cảnh mất điện triền miên là điều nằm ngoài mong muốn của bất cứ chính phủ nào”, thủ tướng chia sẻ.
“Chúng tôi đã kêu gọi giúp đỡ và nhận được nhiều phản hồi tích cực từ Ngân hàng Thế giới và một số quốc gia thân tín. Chúng tôi sẽ không để tình trạng này diễn ra quá lâu”, ông nói.