Chứng khoán SSI vừa có báo cáo phân tích về ngân hàng VPBank và công ty con FE Credit.
Theo nhận định của SSI, mặc dù FE Credit đang trải qua giai đoạn khó khăn khi đẩy mạnh xóa nợ xấu và lợi nhuận thấp trong năm 2021, nhưng khả năng phục hồi dần dần được kỳ vọng trong năm 2022. Bên cạnh đó, khả năng tạo lợi nhuận tại ngân hàng mẹ có thể tốt hơn kỳ vọng trong năm 2022 nhờ vào những nguồn vốn sắp tới. Lợi nhuận ròng từ việc thoái vốn FE Credit và tiền thu được từ kế hoạch phát hành riêng lẻ sẽ hỗ trợ kế hoạch tăng trưởng dài hạn đầy tham vọng của ngân hàng. Lợi nhuận trước thuế (LNTT) hợp nhất năm 2021 và 2022 dự báo lần lượt đạt 16,8 nghìn tỷ đồng (tăng 29%) và 21,4 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 27%.
Yếu tố tích cực hỗ trợ cho cổ phiếu VPB sẽ là việc đàm phán lại hợp đồng bancassurance thuận lợi bổ sung một khoản phí trả trước và kế hoạch phát hành cho nhà đầu tư chiến lược với giá ưu đãi. Tuy nhiên, yếu tố rủi ro là tỷ lệ hình thành nợ xấu cao hơn dự kiến và khoản thu từ nợ xấu thấp hơn dự kiến; việc phát hành cho nhà đầu tư chiến lược không đúng tiến độ.
Nhóm phân tích cho biết, lợi nhuận của VPB trong quý 2/2021 rất đáng ngạc nhiên do kết quả trái ngược nhau giữa ngân hàng mẹ và FE Credit. Mặc dù lợi nhuận tốt hơn dự kiến tại ngân hàng mẹ là 4,7 nghìn tỷ đồng (tăng 123% so với cùng kỳ), nhưng LNTT thấp hơn dự kiến tại công ty con - FE Credit, chỉ đạt khoảng 358 tỷ đồng (giảm 76 % so với cùng kỳ).
Tăng trưởng tại ngân hàng mẹ được duy trì tốt nhờ cho vay mua nhà, NIM tăng và lãi từ hoạt động kinh doanh (1,4 nghìn tỷ đồng). Trong khi đó, FE Credit gặp khó khăn với tốc độ tăng trưởng cho vay trì trệ, trích lập chi phí dự phòng cao và NIM thu hẹp hơn.
Tất cả các nguồn lợi nhuận của VPBank tăng trưởng mạnh. Với tỷ lệ NIM cao, thu nhập lãi thuần (NII) của ngân hàng đạt 5 nghìn tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ. Trong khi đó, thu nhập ròng ngoài lãi (non-NII) (không bao gồm cổ tức từ FE Credit) là 3 nghìn tỷ đồng, tăng 165% so với cùng kỳ.
SSI đánh giá chất lượng tài sản ngân hàng có sự cải thiện, nhưng cần một bộ đệm rủi ro lớn hơn. Do ngân hàng đã xóa 1,4 nghìn tỷ đồng nợ xấu trong quý 2/2021 và trích lập thêm 1,7 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ bao nợ xấu cải thiện lên 57,8% (so với mức 50,7% trong cuối năm 2020).
"Chúng tôi coi đây là nỗ lực của ngân hàng để cải thiện điểm yếu của mình, vì tỷ lệ LLCR ở mức 58% là mức cao nhất kể từ năm 2012. Tỷ lệ nợ xấu tại ngân hàng mẹ giảm nhẹ xuống 2,1% (so với 2,17% trong quý 1/2021), trong khi nợ Nhóm 2 không đổi, ở mức 4,01%", nhóm phân tích cho biết.
Với riêng FE Credit, tất cả các chỉ tiêu và hệ số của FE Credit đều tiêu cực trong quý 2/2021 với dư nợ sụt giảm (giảm 7,2% so với đầu năm hay 4,7 nghìn tỷ đồng). Tổng thu nhập hoạt động (TOI) cũng giảm 9% so với cùng kỳ, trong khi NIM thu hẹp 143 điểm cơ bản, tỷ lệ nợ xấu tăng vọt lên 9,1% và LLCR giảm xuống 32%.
Tuy nhiên, SSI cũng cho rằng, dư nợ giảm là do công ty chủ động ưu tiên thu hồi nợ hơn giải ngân mới và đẩy mạnh xóa nợ xấu.
Tỷ trọng nợ xấu đã xóa trong tổng dư nợ nằm trong khoảng từ 4,2% đến 4,9% trong 3 quý vừa qua, cao hơn nhiều so với thời điểm công ty giải quyết khoản nợ xấu kỷ lục trong năm 2018 và 2019. Điều này đã cho thấy công ty đang nỗ lực để xử lý nợ xấu tồn đọng. Sau nhiều quý đẩy mạnh thu hồi nợ và xóa nợ xấu, rủi ro tín dụng liên quan đến các khoản vay trước dịch Covid sẽ phần nào được giải quyết. Điều này có thể thúc đẩy sự phục hồi mạnh mẽ hơn cho FE Credit khi tình hình dịch Covid-19 được cải thiện.