Bộ phận phân tích CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research) vừa ra báo cáo về CTCP Cơ điện lạnh (mã REE – Hose).
SSI Research dự báo doanh thu thuần năm 2021 của REE đạt 6.380 tỷ, tăng 13,1% thực hiện năm trước, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ ước đạt 1.800 tỷ, tăng 10,6% năm 2020. Sang năm 2022, SSI Research dự báo doanh thu của REE đạt 7.763 tỷ, LNST cổ đông công ty mẹ (NPATMI) đạt 2.024 tỷ, tăng lần lượt 21.7% và 12,4% so với ước thực hiện năm trước.
SSI Research cho rằng, tăng trưởng kép (CAGR) của REE trong giai đoạn 2021-2015 là 12,3% được đóng góp bởi các dự án thuỷ điện, điện gió và các dự án dài hạn khác (toà nhà văn phòng E-Town 6), bên cạnh đó đầu tư công sẽ dẫn dắt mảng M&E của REE (nhà ga T3 Tân Sơn Nhất và sân bay Long Thành).
Dự báo của SSI Research về cơ cấu đóng góp lợi nhuận từ các mảng kinh doanh của REE
Năm 2021, lợi nhuận của REE sẽ được hỗ trợ từ mảng thuỷ điện. Theo SSI Research, hiện tượng La Nina đã khiến sản lượng tiêu thụ thuỷ điện có thể tăng trưởng mạnh trong năm 2021. Trong đó VSH và Thượng Kon Tum được kỳ vọng sẽ là động lực tăng trưởng lợi nhuận do sản lượng tiêu thụ thuận lợi và chi phí vốn thấp. Ước tính 2021, sản lượng của VSH ước tăng gấp 2 lần, TMP tăng 40%, TBC tăng 12%, SBH tăng 4%.
Ba nhà máy điện gió (Trà Vinh-48MW, Lợi Hải 2, Phú Lạc 2) đã được công nhận vận hành thương mại từ tháng 11/2021. Và khi đi vào hoạt động toàn bộ trong năm 2022 dự kiến sẽ đóng góp khoảng 10% lãi ròng.
Công ty đã ghi nhận 102 MWp cho dự án điện áp mái với lợi nhuận đóng góp khoảng 82 tỷ đồng (6T2021 đạt 43 tỷ đồng). Giá FIT là 8,38 cent/kwh.
Năm 2022, SSI Research cho rằng động lực tăng trưởng chính của REE sẽ đến từ 3 dự án điện gió, cùng với sự trở lại của mảng M&E từ mức thấp trong năm 2021. Theo đánh giá của SSI Research, 3 dự án điện gió sẽ đóng góp 10% lãi ròng của REE năm 2022.
SSI Research cho rằng sản lượng ở nhóm thuỷ điện trong năm 2022 sẽ thấp hơn khoảng 5% -10% so với cùng kỳ nhưng giá bán được kỳ vọng sẽ cao hơn khoảng 8%. Điều này có thể bù đắp một phần mức sụt giảm về doanh thu và lợi nhuận của mảng thủy điện.
Lí do kỳ vọng giá bán thủy điện cao hơn trong năm 2022 là do giá khí và giá than đầu vào ở mức cao so với cùng kỳ. Dựa trên tỷ lệ tiêm chủng cao hơn và việc mở cửa trở lại trong năm 2022, nhu cầu điện trong năm 2022 dự kiến sẽ ở mức cao hơn. Ngoài ra, nếu điều kiện thủy văn kém thuận lợi hơn trong năm 2022, sản lượng tiêu thụ từ các nhà máy nhiệt điện sẽ tăng lên và từ đó làm tăng mức giá trần đấu thầu cho các nhà máy thủy điện trên thị trường cạnh tranh tương tự như năm 2018 tại VSH, TBC, TMP, SBH, CHP (tăng khoảng 10% -28%).
REE có nhiều kinh nghiệm trong mảng M&E cho các sân bay
Năm 2023, lãi ròng ước tính của REE sẽ tăng khoảng 15,1% so với cùng kỳ, chủ yếu nhờ mức đóng góp mới từ E-Town 6. Số liệu của SSI Research cho thấy Etown-6 với 40.000 m2 diện tích cho thuê dự kiến sẽ cho thuê từ năm 2023 và sẽ nâng tổng diện tích cho thuê của REE từ 133.000 m2 lên 173.000 m2. NPATMI của mảng cho thuê văn phòng năm 2023 ước tính tăng 17% so với cùng kỳ và chiếm 27% NPATMI năm 2023 của REE.
SSI Research cũng kỳ vọng về việc REE đã từng có nhiều kinh nghiệm ở các dự án M&E nhà ga sân bay từ năm 2000 và điều này có thể giúp REE dễ dàng thắng thầu các dự án M&E thành phần trong đại dự án sân bay Long Thành nếu dự án này sớm được khởi công.
Từ các yếu tố trên, SSI Research cho rằng cổ phiếu REE vẫn hấp dẫn với đà tăng trưởng từ các dự án thuỷ điện, điện gió và triển vọng dài hạn từ toà nhà văn phòng, cũng như đầu tư công sẽ thúc đẩy mảng M&E. Một yếu tố rủi ro của REE là nhu cầu tiêu thụ điện có thể thấp hơn dự kiến (do biến thể Covid) có thể ảnh hưởng đến sản lượng từ các dự án năng lượng tái tạo có giá FIT cao, đặc biệt là dự án điện gió Trà Vinh ở mức 9,8 cent/kwh. Tuy nhiên, lợi nhuận từ các dự án điện gió hiện chiếm khoảng 9% -10% lợi nhuận của REE, thấp hơn nhiều so với các công ty khác.