Bị ảnh hưởng bỡi giãn cách cũng như sự siết chặt từ chính sách, giá trị trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trong quý 3/2021 giảm hơn 4% so với quý trước và giảm 17% so với cùng kỳ. Dù vậy, con số vẫn ở mức cao với 188 nghìn tỷ đồng.
Trong đó, chênh lệch lãi suất TPDN và lãi suất tiền gửi duy trì ở mức cao khiến nhu cầu tìm đến các tài sản đầu tư tài chính như TPDN tăng mạnh. Ngân hàng và CTCK là những nhà đầu tư TPDN nhiều nhất sau Nghị định 153/2020/NĐ-CP, SSI Research cho biết.
Cụ thể, mặt bằng lãi suất ở mức thấp là động lực chính khiến các doanh nghiệp tích cực đẩy mạnh phát hành TPDN để có thể huy động vốn được nhanh chóng và giảm áp lực lên chi phí tài chính, khi mặt bằng lãi suất cho vay từ ngân hàng không có mức giảm tương ứng. Theo đó, lãi suất phát hành bình quân của các TPDN (loại trừ trái phiếu ngân hàng) trong quý 3/2021 là 9,3% - giảm 1,1% so với cuối năm 2020, trong khi đó mặt bằng lãi suất cho vay chỉ giảm khoảng 0,6 – 0,7% trong cùng giai đoạn.
Việc huy động vốn thông qua kênh trái phiếu cũng giúp các doanh nghiệp chủ động hơn cho nguồn vốn vay trung và dài hạn với khối lượng lớn. So với phương thức truyền thống là tín dụng từ NHTM, phát hành trái phiếu mang lại cho DN nhiều ưu điểm như không cần thế chấp tài sản và được chủ động trong việc sử dụng số tiền huy động mà không có sự giám sát của ngân hàng. Trong khi đó, điều kiện và thủ tục vay vốn qua ngân hàng phức tạp hơn và khoản vay có giới hạn nhất định do các quy định kiểm soát chặt chẽ hơn từ NHNN (hệ số rủi ro cho vay bất động sản, chứng khoán tăng, tỷ lệ LDR, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn giảm).
Bên cạnh đó, nhu cầu đầu tư TPDN từ các nhà đầu tư cá nhân vẫn duy trì tích cực khi chênh lệch giữa lãi suất phát hành TPDN và lãi suất tiền gửi giữ ở mức cao. Chênh lệch giữa lãi suất TPDN (loại trừ ngân hàng) với lãi suất tiền gửi bình quân lên tới 4%/năm, cho thấy dư địa dòng tiền cá nhân tìm đến những tài sản đầu tư tài chính như TPDN vẫn còn rất lớn. Tuy nhiên, Bộ Tài Chính trong 2 năm gần đây cũng đã ban hành nhiều thông tư, nghị định nhằm kiểm soát lại hoạt động phân phối trái phiểu và hạn chế sự tham gia trực tiếp của các nhà đầu tư cá nhân trên thị trường sơ cấp.
Dù tăng trưởng, tuy nhiên giá trị tài sản đảm bảo của TPDN Việt Nam vẫn chưa đảm bảo. Dù rằng, câu chuyện về "bom nợ Evergrande" đã khiến nhiều nhà đầu tư bắt đầu để ý hơn tới tài sản đảm bảo cho TPDN thời gian gần đây.
Loại trừ các trái phiếu ngân hàng và định chế tài chính khác khi hầu hết phát hành đều không có tài sản đảm bảo, các TPDN còn lại được phát hành trong 9 tháng đầu năm 2021 có 36,2% được đảm bảo bằng một phần tài sản/bất động sản và một phần là cổ phiếu/cổ phần, 20,4% được bảo đảm bằng bất động sản; 9,5% được đảm bảo bằng tài sản; 6,7% được đảm bảo hoàn toàn bằng cổ phiếu và 17,1% là không có tài sản đảm bảo.
Trong nhóm trái phiếu bất động sản, tài sản đảm bảo chủ yếu là các dự án đầu tư, tài sản sẽ hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu/cổ phần của chính doanh nghiệp phát hành. Cụ thể, nếu tính các trái phiếu bất động sản được đảm bảo một phần bằng cổ phiếu, con số này là hơn 140 nghìn tỷ đồng - chiếm 67% tổng lượng trái phiếu BĐS phát hành 9 tháng đầu năm 2021.
Tỷ trọng các doanh nghiệp phát hành không có tài sản đảm bảo cũng tương đối cao, chiếm 15,8% tổng lượng phát hành, trong đó có một số lớn doanh nghiệp không niêm yết nên khả năng tiếp cận các thông tin tài chính của các doanh nghiệp này bị hạn chế. Đây sẽ là rủi ro lớn cho các nhà đầu tư trong trường hợp dòng tiền của các doanh nghiệp bất động sản không được đảm bảo nếu hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn và sẽ không trả được nợ gốc, lãi trái phiếu cho nhà đầu tư.
SSSI Reseatch cũng lưu ý rằng việc đảm bảo nghĩa vụ thanh toán nợ gốc lãi trái phiếu bằng cổ phiếu không có nhiều ý nghĩa vì khi sự kiện vi phạm xảy ra, doanh nghiệp mất khả năng thanh toán thì giá trị cổ phiếu dùng làm tài sản đảm bảo (thường là của tổ chức phát hành hoặc liên quan đến tổ chức phát hành) cũng sẽ sụt giảm nghiêm trọng.
Dự báo, thị trường TPDN kỳ vọng sẽ kém sôi động trong quý 4 khi sau "sự kiện Evergrande", Bộ Tài Chính đã thực hiện một số biện pháp kiểm tra mạnh tay hơn nhằm giám sát thị trường TDPN.
Cụ thể, Bộ Tài chính đã chỉ đạo kiểm tra trong tháng 10 tại 10 công ty chứng khoán về tình hình cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp, trong bối cảnh thị trường thời gian gần đây xuất hiện hiện tượng các nhà đầu tư "lách" các quy định của pháp luật để trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp với mục đích để mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ thông qua phân phối của công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại mà chưa nắm rõ tình hình tài chính của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Bộ Tài Chính cũng rà soát lại một số doanh nghiệp có khối lượng phát hành trái phiếu lớn; phát hành trái phiếu không có tài sản đảm bảo; tình hình tài chính yếu nhằm hạn chế tối đa nguy cơ vỡ nợ trên thị trường.