Trung tâm phân tích CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research) vừa có báo cáo về cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2020 của Tổng CTCP Phân bón và Hóa chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ - HoSE: DPM ).
Công ty ước tính doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt 4.040 tỷ đồng và 425 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, tăng lần lượt 14% và 317% cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận tăng đến từ việc giá dầu thấp, sản lượng các sản phẩm chính đều tăng. Sản lượng tiêu thụ urê và NPK ước tính khoảng 400.000 tấn, tăng 53% cùng kỳ và 54.000 tấn, tăng 31%.
Năm nay, Đạm Phú Mỹ đặt kế hoạch doanh thu 9.237 tỷ đồng, tăng 19% cùng kỳ nhờ tăng công suất tại các nhà máy urê, NPK và NH3 so với 70 ngày đóng cửa của năm trước. Trong khi đó, kế hoạch lợi nhuận trước thuế cẩn trọng ở mức 513 tỷ đồng, tăng 10%. Kế hoạch này được giữ không đổi từ tháng 1, khi giá dầu ở mức khoảng 60 USD/thùng mặc dù hiện tại ở mức khoảng 40 - 45 USD/thùng.
Báo cáo nêu, mặc dù Covid-19 có thể làm giảm xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp (do đó làm giảm nhu cầu phân bón), nhưng Đạm Phú Mỹ nhiều khả năng sẽ được hưởng lợi từ đại dịch. Điều này xuất phát từ việc nhập khẩu phân bón giảm do hạn chế thông quan biên giới và giá dầu giảm do nhu cầu toàn cầu giảm.
Trong năm 2019, công ty đóng cửa các nhà máy urê, NPK và NH3 do vấn đề kỹ thuật, làm giảm lợi nhuận năm 2019. Công ty cho biết đã mua bảo hiểm để bảo vệ trước sự cố gián đoạn sản xuất. Theo đó, công ty bảo hiểm phải bồi thường cho Đạm Phú Mỹ để thay thế thiết bị và bù đắp lợi nhuận gộp đã mất khi đóng cửa các nhà máy. Theo ban lãnh đạo, tổng số tiền bồi thường cho việc thay thế thiết bị được kết luận ở mức 40 tỷ đồng. Đồng thời, khoản bồi thường cho lợi nhuận gộp đã mất đang được đàm phán và ước tính là 172 tỷ đồng. Khoản tiền này sẽ được ghi nhận vào năm 2020 và 2021.
Cổ tức năm 2019 được phê duyệt ở mức 12% bằng tiền, cao hơn so với kế hoạch ban đầu là 10%. Công ty đã tạm ứng cổ tức 5% vào tháng 5. Cổ tức năm 2020 được phê duyệt ở mức 10% bằng tiền.
Năm nay, các nhà sản xuất phân bón tiếp tục đề xuất với Quốc hội về việc thay đổi thuế GTGT đối với mặt hàng phân bón từ không chịu thuế sang chịu 5% thuế GTGT. Nếu được thông qua, doanh nghiệp phân bón có thể được hoàn 10% thuế GTGT cho giá vốn hàng bán, hỗ trợ tình hình tài chính của họ.
Báo cáo nhận thấy trong quá khứ, khi giá dầu ở mức cao khiến giá vốn hàng bán cao, số tiền mà Đạm Phú Mỹ được hoàn lại từ ngân sách Nhà nước là 350 tỷ đồng. Tuy nhiên, với giả định về giá dầu thấp trong năm nay, số tiền hoàn lại có thể sẽ thấp hơn nhiều, giúp giảm bớt áp lực cho ngân sách Nhà nước. Điều này làm tăng khả năng đề xuất này sẽ được phê duyệt trong năm nay.