Trung tâm phân tích đầu tư của Công ty Chứng khoán SSI - SSI Research vừa có báo cáo đánh giá về ngân hàng VPBank và công ty con FE Credit.
Theo SSI, chi phí hoạt động thấp hơn là yếu tố duy nhất góp phần tạo ra lợi nhuận khả quan trong quý 1/2021 của FE CRedit. Do ngân hàng quyết định không mở rộng hoạt động kinh doanh cho đến quý 3/2021, tổng dư nợ đi ngang và thu nhập lãi ròng (NII) tiếp tục ở mức 4,4 nghìn tỷ đồng, giảm 3,4% so với cùng kỳ.
NIM tiếp tục giảm xuống còn 26,9% (so với mức 30,1% trong quý 1/2020 và 27,3% trong quý 4/2020). Tuy nhiên, lợi nhuận hoạt động trước dự phòng (PPOP) có mức tăng trưởng 9% so với cùng kỳ do số lượng nhân viên giảm. Số lượng nhân viên trung bình tại FE Credit là khoảng 12.500 nhân viên trong Quý 1/2021 ( giảm 28% so với cùng kỳ từ 17.380 trong quý 1/2020). Do đó, chi phí hoạt động được kiểm soát ở mức 1 nghìn tỷ đồng ( giảm 28% so với cùng kỳ).
Nhóm phân tích nhận định, chi phí tín dụng của FE Credit dự kiến cao hơn vào cuối năm. Hiện tỷ lệ nợ xấu đã tăng lên 8,2% do 1,3 nghìn tỷ đồng (1,9% tổng dư nợ) được phân loại lại từ dư nợ tái cơ cấu sang nợ xấu. Tổng tài sản có vấn đề (bao gồm nợ nhóm 2, nợ xấu và dư nợ tái cơ cấu) tương đối ổn định ở mức 15,7 nghìn tỷ đồng, tương đương 24% tổng dư nợ. Trong khi đó, chi phí dự phòng bao nợ xấu vẫn ở mức thấp là 1,8 nghìn tỷ đồng và chi phí tín dụng liên tục thấp hơn mức tỷ lệ nợ xấu mới hình thành kể từ quý 2/2020. Theo quan điểm của SSI, chất lượng tín dụng của FE Credit có thể mất thêm thời gian để trở về mức bình thường. Do đó, chi phí tín dụng dự kiến sẽ cao hơn vào cuối năm nay.
Năm 2021, SSI ước tính ngân hàng mẹ VPBank (không bao gồm cổ tức của FE Credit) và FE Credit sẽ đạt lợi nhuận trước thuế lần lượt là 13,5 nghìn tỷ đồng (tăng 45% so với cùng kỳ) và 4,4 nghìn tỷ đồng (tăng 20% so với cùng kỳ).
Năm 2022, SSI ước tính lợi nhuận trước thuế của VPBank hợp nhất đạt 21 nghìn tỷ đồng (tăng 20% so với cùng kỳ) dựa trên giả định tăng trưởng tín dụng và tiền gửi lần lượt là 16% và 14,8%, NIM ở mức 9,8%.