Bộ phận phân tích chứng khoán SSI (SSI Research) vừa có báo cáo phân tích về ngân hàng ACB.
Năm 2021, SSI ước tính ngân hàng sẽ đạt mức tăng trưởng 22,7% so với cùng kỳ về lợi nhuận. Tăng trưởng lợi nhuận ước tính dựa trên sự phục hồi của lợi nhuận hoạt động (tăng 22,9% so với cùng kỳ).
SSI giả thiết tăng trưởng tín dụng của ngân hàng đạt 15% với kỳ vọng ACB sẽ duy trì chiến lược thận trọng với tăng trưởng cho vay ở mức vừa phải đồng thời kiểm soát được chất lượng tín dụng.
NIM của ACB được dự báo tăng trở lại, tăng khoảng 22 bps. Với sự hỗ trợ cho khách hàng trong giai đoạn đại dịch, NIM của ngân hàng chịu áp lực trong nửa đầu năm 2020. Tuy nhiên, NIM đã phục hồi vào nửa cuối năm khi các gói ưu đãi dần hết hạn, chưa kể đến tác động của việc cắt giảm lãi suất huy động. Do đó, SSI ước tính NIM sẽ phục hồi 22 bps trong năm 2021 và thu nhập lãi ròng tăng 22% so với cùng kỳ.
Thu nhập ròng từ phí và hoa hồng bảo hiểm sẽ trở lại mức tăng trưởng thông thường. SSI ước tính thu nhập ròng từ phí và hoa hồng tăng sẽ 30% so với cùng kỳ, khi dịch vụ thanh toán và dịch vụ thẻ sẽ không còn bị ảnh hưởng bởi cách xử lý kế toán khác nhau.
Đối với bancassurance, ngoài 567 tỷ đồng phí trả trước (trải đều cho 15 năm) do Sunlife thanh toán, ước tính hoa hồng bảo hiểm sẽ tăng 35%, do hoạt động kinh doanh của mảng này trong năm 2020 bị ảnh hưởng bởi: (1) đợt giãn cách xã hội vào tháng 4; và (2) việc chấm dứt các hợp đồng trước đây với AIA và Manulife, khiến cho ngân hàng không có thu nhập từ bảo hiểm nhân thọ trong tháng 12/2020.
Trên thực tế, doanh số bán bancassurance tại ACB đã tăng nhanh vào tháng 1/2021, đưa ACB trở thành ngân hàng số 1 về mức phí bảo hiểm hàng năm (APE).
Chi phí hoạt động ngân hàng được SSI giả thiết tăng 22% so với cùng kỳ. Trong giai đoạn 2017-2020, ngân hàng đã trích lập 1,2 nghìn tỷ đồng dự phòng, và hoàn nhập 800 tỷ đồng. Nhóm phân tích ước tính ngân hàng sẽ có thể có một khoản hoàn nhập khác trong năm 2021, điều này giúp hệ số CIR duy trì ở mức 41,7%.
Chi phí dự phòng của ACB có thể tăng 31,5% so với cùng kỳ trong đó chi phí tín dụng là 0,37%. Khoản này đã tính đến 300 tỷ đồng dự phòng cho dư nợ tái cấu trúc.