Ngày 4/6, Kris Energy – nhà thầu dầu khí có trụ sở tại Singapore thông báo không có khả năng thanh toán các khoản nợ và sẽ tiến hành thanh lý. Đơn vị đã đệ đơn lên tòa án xin phá sản và sẽ bán tài sản để trả nợ.
Là đối tác với công nợ lên đến hàng trăm tỷ đồng, cổ phiếu PVD của Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí (PV Drilling) lập tức có phản ứng mạnh giảm sàn trước thông tin tiêu cực trên. Hiện, dù đã phục hồi, thị giá PVD vẫn thấp hơn 10% so với mức giá trước đó.
Ghi nhận trên BCTC tính đến thời điểm 31/3/2021, khoản công nợ với Kris Energy tạiPVD vào mức 107,3 tỷ đồng. Như vậy, khi đối tác nộp đơn phá sản nhiều khả năng PV Drilling sẽ phải tiến hành trích lập khoản công nợ tương tự như nhiều doanh nghiệp khác đã làm khi gặp tình huống tương tự.
Trong báo cáo mới nhất, SSI Research cho rằng việc Kris Energy phá sản sẽ là yếu tố cản trở triển vọng lợi nhuận năm 2021 của PVD. Cụ thể, PVD là nhà thầu khoan cho dự án này tại Campuchia, bắt đầu khoan 6 giếng khoan trong giai đoạn từ tháng 10/2020 đến tháng 2/2021 sử dụng giàn JU PVD III.
Phía PVD cho biết Kris Energy Campuchia đã trả đủ 9 triệu USD doanh thu khoan, trong khi 107 tỷ đồng các khoản phải thu gần đây đã ghi nhận vào doanh thu và vẫn trong thời hạn thanh toán.
Dù vậy, theo SSI Research, PVD có thể không phải trích lập dự phòng ngay trong quý 2/2021. Ngoài ra, vẫn có khả năng PVD cần trích lập dự phòng nếu tỷ lệ thu hồi dầu ở mức thấp có thể ảnh hưởng đến việc thực hiện nghĩa vụ tài chính của Kris Energy Campuchia.
Mặt khác, cuối quý 1/2021, PVD có khoảng 100 tỷ đồng chi phí dự phòng nợ xấu, chủ yếu từ PVEP và PVEP POC. Do vậy, nếu phải trích lập đầy đủ khoản phải thu của Kris Energy sẽ làm con số này tăng gấp đôi.
Hệ quả, PVD sẽ gặp khó khăn trong việc hoàn thành kế hoạch kinh doanh hiện tại. Trong trường hợp PVD quyết định trích lập dự phòng toàn bộ 107 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 2021 có thể giảm còn 90 tỷ đồng (giảm 50% so với năm 2020), đây là yếu tố tiêu cực, ảnh hưởng đến tâm lý thị trường đối với cổ phiếu, SSI Research đánh giá.