Trong báo cáo cập nhật ngành dược mới đây, Bộ phận phân tích của CTCK SSI (SSI Research) cho biết đợt bùng phát COVID-19 lần thứ tư đã ảnh hưởng tiêu cực đến các công ty dược phẩm, do tình trạng giãn cách xã hội kéo dài trên toàn quốc đã gây ra sự gián đoạn trong hoạt động cung ứng và phân phối thuốc.
Lũy kế 8 tháng đầu năm 2021, ước tính tổng doanh thu dược phẩm tại Việt Nam đã giảm 11% so với cùng kỳ, trong đó doanh thu từ các cửa hàng thuốc bán lẻ giảm 3% và doanh thu tại bệnh viện giảm 16%. Đặc biệt ở phía nam, các công ty dược phẩm như IMP, DHG và OPC đã phải cắt giảm sản lượng từ 20 - 30% trong tháng 7 và tháng 8 để thực hiện yêu cầu giãn cách xã hội. Ngoài ra, nhiều bệnh viện ở miền Nam đã được chuyển đổi thành trung tâm điều trị Covid-19, khiến doanh thu dược phẩm giảm đáng kể, do kênh bệnh viện chiếm hơn 60% nhu cầu của ngành.
Tưởng chừng ngành dược sẽ được hưởng lợi trong bối cảnh dịch bệnh, song SSI Research có quan điểm ngược lại khi đánh giá rất ít doanh nghiệp trong nước được hưởng lợi từ hoạt động nhập khẩu vắc xin hoặc thuốc điều trị COVID-19. Thực tế đã cho thấy, đến nay chỉ có VNVC thực hiện được do quy trình nhập khẩu rất phức tạp trong khi nguồn cung vắc xin khan hiếm. Bên cạnh đó, chỉ có một số ít công ty trong nước như Traphaco (TRA) hoặc Phytopharma được hưởng lợi gián tiếp thông qua việc cung cấp các thực phẩm chức năng và đông dược dược, có tác dụng làm dịu đi các triệu chứng bệnh.
Về triển vọng ngành cho khoảng thời gian cuối năm 2021 và sang cả năm 2022, SSI Research kỳ vọng vào tác động tích cực từ việc giá hoạt chất đầu vào dược phẩm toàn cầu (API) đã hạ nhiệt nhanh chóng do Ấn Độ đã nối lại sản xuất và chuẩn bị tăng thêm công suất. Theo đó, giá API nhập khẩu về Việt Nam tiếp tục giảm trong vài tháng cuối năm 2021.
SSI Research kỳ vọng sẽ có thêm nhiều nhà cung cấp tiếp cận thị trường dược phẩm Việt Nam từ nửa cuối năm 2021 và giá nguyên liệu đầu vào của các công ty trong nước sẽ sớm giảm từ mức cao và tỷ suất lợi nhuận sẽ cải thiện từ năm 2022.
Bên cạnh đó, sau thời gian trì hoãn đáng kể trong năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, quy trình phê duyệt thuốc đang diễn ra nhanh hơn kể từ nửa cuối năm 2021. Trong 8 tháng đầu năm 2021, số lượng phê duyệt thuốc đã tăng lên mức 335 trường hợp, tích cực hơn hẳn con số 171 của cùng kỳ 2020; đồng thời thời gian phê duyệt trung bình đã giảm từ 22 tháng xuống 18 tháng.
SSI xem đây là một dấu hiệu đáng mừng, vì nhiều công ty dược phẩm trong nước đang cần triển khai các sản phẩm mới để đối phó với tốc độ R&D ngày càng tăng trong ngành, đặc biệt là đối với các công ty gần đây đã chọn không xây dựng các nhà máy sản xuất mới như IMP, DBD, PME, và DHG do phải chờ giấy phép thuốc mới để mở rộng sản xuất.
Mặt khác, nhu cầu tiêu thụ dược phẩm chững lại ở mức rất thấp trong năm 2021 sẽ là động lực cho tăng trưởng bất ngờ trong năm 2022 với việc mở cửa trở lại một phần hoặc toàn bộ nền kinh tế, cùng với tỷ lệ tiêm chủng ngày càng tăng trong toàn dân Việt Nam.
SSI Research đánh giá tiềm tăng tăng trưởng doanh thu tốt hơn và có thể sẽ cạnh tranh hơn trong ngành từ năm 2022; lợi nhuận sẽ phục hồi mạnh mẽ và có thể đạt mức trước dịch COVID-19.