SSI Research vừa có báo cáo ngành thép và xi măng. Trong đó, ngành thép theo quan điểm SSI Research sẽ thay đổi cấu trúc ngành sau Covid-19, việc hợp nhất có thể tăng tốc theo hướng có lợi cho các công ty dẫn đầu thị trường. Ngoài ta, các công ty có xu hướng đa dạng hóa hơn cơ sở thị trường xuất khẩu để giảm sự phụ thuộc vào bất kỳ thị trường nào.
Ngành thép: Quý 2/2020 thu hẹp đà giảm cho thấy dấu hiệu phục hồi
Ghi nhận, sản lượng tiêu thụ thép phục hồi tích cực trong quý 2/2020, do nhu cầu từ mảng dân dụng. Trong đó, sản lượng tiêu thụ đối với sản phẩm thép thành phẩm giảm 7% so với cùng kỳ trong 6 tháng đầu năm 2020, trong đó sản lượng tiêu thụ nội địa giảm 6%. Sản lượng xuất khẩu giảm mạnh hơn ở mức -13% so với cùng kỳ do chính sách giãn cách xã hội tại các thị trường xuất khẩu.
Tuy nhiên, so với mức giảm 14% so với cùng kỳ trong quý 1/2020, mức giảm 1% so với cùng kỳ trong quý 2/2020 có thể được coi là một dấu hiệu phục hồi. Nhu cầu trong nước thậm chí còn tăng lên 1% so với mức giảm 13% trong quý đầu năm. SSI Research cho rằng điều này là do nhu cầu dồn nén từ quý 1 cũng như sức tiêu thụ thu ổn định trong kênh xây dựng dân dụng.
Triển vọng 6 tháng cuối năm 2020, ước tính nhu cầu trong nửa cuối năm sẽ phục hồi và tăng 4-5% so với cùng kỳ do chính sách giãn cách xã hội được nới lỏng và gia tăng đầu tư công (ước tính chiếm khoảng 15% sản lượng tiêu thụ thép).
Ngoài ra, SSI Research cho rằng Việt Nam được hưởng lợi từ nhu cầu thép tiếp tục tăng mạnh ở Trung Quốc. Theo Hiệp hội quặng sắt và thép Trung Quốc, mức tiêu thụ thép của Trung Quốc ước tính tăng 40 triệu tấn, tương đương tăng khoảng 8% so với cùng kỳ trong nửa cuối năm 2020, và 2% cho cả năm 2020. Trong nửa đầu năm 2020, sản lượng thép của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đã tăng đáng kể, gần gấp 15 lần, lên 1,06 triệu tấn, khoảng 27% tổng sản lượng thép xuất khẩu của Việt Nam.
Bước sang năm 2021, ước tính nhu cầu sẽ tăng khoảng khoảng 3-5% từ mức cơ sở thấp trong năm 2020, nhờ kỳ vọng kinh tế vĩ mô chung phục hồi, cùng với hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng và và dòng vốn FDI vào Việt Nam.
Theo Hiệp hội thép thế giới, nhu cầu thép toàn cầu dự kiến phục hồi 4% trong năm 2021, điều này sẽ hỗ trợ cho kênh xuất khẩu của các công ty sản xuất của Việt Nam.
Ngành Xi măng: Không thay đổi cấu trúc nhiều sau dịch, nhu cầu nửa cuối năm sẽ tăng nhờ đầu tư công
Về ngành Xi măng, ngược lại sẽ không có thay đổi cấu trúc thị trường đặc biệt sau dịch Covid-19. Được biết, mức tiêu thụ xi măng trong nước giảm 12% so với cùng kỳ trong 6 tháng đầu năm 2020 do hoạt động xây dựng chững lại. Tuy nhiên, nhu cầu đã phục hồi vào quý 2 khi dịch Covid-19 được kiểm soát. Sản lượng trong nước giảm với mức thấp hơn là -7% so với cùng kỳ trong quý 2/2020, tốt hơn khi so với mức giảm 18% trong quý 1/2020.
Sản lượng xuất khẩu duy trì tốc độ tăng trưởng nhờ nhu cầu của Trung Quốc: Kênh xuất khẩu phục hồi mạnh mẽ hơn, với sản lượng tăng 24% so với cùng kỳ trong quý 2/2020 sau khi giảm 10% so với cùng kỳ trong quý 1/2020. Điều này được thúc đẩy nhờ nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng của Trung Quốc. Do đó, tổng sản lượng xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2020 tăng 6% so với cùng kỳ, trong đó sản lượng xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 35% so với cùng kỳ, và chiếm 52% tổng sản lượng xuất khẩu.
Triển vọng 6 tháng cuối năm 2020, SSI Research ước tính nhu cầu trong nước trong nửa cuối năm 2020 sẽ phục hồi 3% so với cùng kỳ, nhờ đẩy mạnh đầu tư công. Đáng chú ý, HT1, công ty xi măng hàng đầu trong nước, đạt mức tăng trưởng 6% về lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh trong 6 tháng đầu năm. SSI Research tiếp tục cho rằng việc cải thiện biên lợi nhuận gộp trong ngành này sẽ tiếp tục diễn ra, được hưởng lợi từ giá than đầu vào giảm, cũng như các biện pháp cắt giảm tích cực.
Trong năm 2021 SSI Research cho rằng nhu cầu có thể phục hồi 3-5% từ mức thấp trong năm 2020 do sự phục hồi của nền kinh tế vĩ mô, và hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng.