Câu chuyện được bàn tán nhiều nhất những ngày đầu năm 2020 đó là Luật phòng chống tác hại của rượu bia, khi Nghị định 100 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực chỉ sau 2 ngày được Chính phủ ban hành. Theo đó, quy định "đã uống rượu bia thì không lái xe", xử phạt người uống rượu bia đi xe đạp tới 600.000 đồng, xe máy đến 8 triệu đồng và điều khiển ô tô đến 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng.
Sau 2 ngày ra quân thực hiện Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ, lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc đã xử lý 615 trường hợp vi phạm nồng độ cồn và phạt số tiền 816.800.000 đồng.
Nhiều trường hợp tiền phạt còn cao hơn tiền xe khiến tài xế vứt xe bỏ chạy, hoặc ôm mặt khóc. Mức xử phạt này được cho là đủ sức răn đe và làm thay đổi nhận thức của người dân trong vấn đề uống bia rượu khi tham gia giao thông.
Có rất nhiều ý kiến đồng tình, nhưng bên cạnh đó cũng không ít người cho rằng mức xử phạt này quá nặng khi "chỉ uống 1 ngụm rượu" cũng bị thổi phạt. Rất nhiều quán bia và quán nhậu ghi nhận sụt giảm 70% khách trong những ngày qua.
Tác động của Luật phòng chống tác hại rượu bia
Bộ phận phân tích CTCP Chứng khoán SSI đánh giá, quy định trên sẽ tác động đến sản lượng tiêu thụ của toàn ngành, các thương hiệu nhỏ sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn, trái ngược với các thương hiệu hàng đầu của thị trường như Sabeco và Heineken, những thương hiệu đã quen thuộc với người tiêu dùng.
Năm 2019 là một năm khá suôn sẻ với ngành bia. Báo cáo của SSI cho thấy sản lượng bia ở Việt Nam đạt 4,6 tỷ lít (+10% YoY) trong năm 2019. Con số này tăng cao hơn so với mức tăng trưởng 2 năm qua (5%-6%) do xu hướng người trẻ tuổi ở Việt Nam ra ngoài uống bia nhiều hơn để tìm kiếm trải nghiệm mới và và để giao lưu.
Theo khảo sát của Kantar, số hộ gia đình đồng ý rằng họ ăn uống ở ngoài nhiều hơn ở nhà so với trước đây tăng khoảng 40% trong giai đoạn 2015-2019. Theo Nielsen, mức tiêu thụ bia theo giá trị tăng 9,9% YoY trong quý 3/2019, khả quan hơn so với các mặt hàng tiêu dùng nhanh khác ở Việt Nam.
Sản lượng tiêu thụ bia tại Việt Nam (nguồn: Euromonitor, SSI Research)
Thị trường thuận lợi, cùng với việc về thay ông chủ người Thái, Sabeco đã có những thay đổi lớn để cải thiện doanh thu và giảm chi phí, qua đó tác động tích cực đến hiệu quả kinh doanh. Từ việc thay đổi thương hiệu,các chương trình quảng cáo và tích cực hỗ trợ cho các đại lý, SAB đã tăng 2% thị phần so với năm 2018.
Tổng doanh thu của SAB đạt 28,2 nghìn tỷ đồng (+10,3% YoY) và lợi nhuận ròng đạt 4,3 nghìn tỷ đồng (+22,9% YoY) trong 9T2019, hoàn thành 72,5% và 90,7% kế hoạch doanh thu thuần và lợi nhuận ròng cả năm. Tỷ suất lợi nhuận ròng tăng từ 13% trong 9T2018 lên 14,4% trong 9T2019 nhờ cắt giảm chi phí trong chuỗi cung ứng và vận chuyển.
Sau khi bỏ 5 tỷ USD mua Sabeco, đế chế của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi trở thành một trong những doanh nghiệp thực phẩm - đồ uống lớn nhất Đông Nam Á. Theo dữ liệu của Bloomberg, ông chủ ThaiBev hiện là người giàu nhất Thái Lan với khối tài sản 16,4 tỷ USD, giảm đáng kể so với con số cuối năm ngoái (19,6 tỷ). Trước đó Finance Times đã rộ lên tin ThaiBev có ý định bán Sabeco thông qua kế hoạch IPO tuy nhiên tỷ phú Charoen đã phủ nhận thông tin này và cho biết "vẫn tự tin vào hoạt động kinh doanh tại Việt Nam giữ vững cam kết đưa Sabeco và thương hiệu Bia Sài Gòn thành niềm tự hào của Việt Nam. Việt Nam là một trong những thị trường cốt lõi và một phần không thể thiếu trong mục tiêu trở thành doanh nghiệp dẫn đầu ngành đồ uống ở Đông Nam Á của ThaiBev".
Đấy là trước khi Luật phóng chống tác hại của rượu bia có hiệu lực, không biết thời điểm này, tỷ phú Thái Lan có tự tin như vậy hay không.
Ở một diễn biến khác, trong khi Sabeco tăng thị phần, thì Habeco lại tiếp tục mất thị phần vào tay SAB và Heniken. Mặc dù ra mắt sản phẩm mới Hanoi Bold và Hanoi Light, đẩy mạnh quảng cáo để truyền bá thương hiệu song kết quả kinh doanh của Habeco 9 tháng đầu năm đạt 6,7 nghìn tỷ đồng doanh thu (-1,5% YoY), lợi nhuận ròng đạt 474 tỷ đồng (-7% YoY).
Sabeco vẫn còn nhiều dư địa để tăng lợi nhuận tại Việt Nam
Thị phần các doanh nghiệp bia tại Việt Nam (nguồn: SSI Research)
Về thị phần, Sabeco vẫn đang dẫn đầu với 43%, tiếp theo là Heniken (bao gồm Heineken, Tiger, Amstel, Larue, BIVINA, Desperados, Affligem và nước táo lên men Strongbow) chiếm 23%, Habeco chiếm 14% và Calrsberg chiếm 7%.
Mặc dù doanh thu của Sabeco đang dẫn đầu toàn ngành với khoảng 36.000 tỷ năm 2018, cao hơn Heniken 28% song về lợi nhuận chưa bằng một nửa. Lợi nhuận trước thuế của Heniken năm 2018 đạt 12.000 tỷ trong khi Sabeco chưa tới 6.000 tỷ. SSI ước tính doanh thu và lợi nhuận ròng năm 2020 của Sabeco lần lượt đạt 44,4 nghìn tỷ đồng (+10% YoY) và 6,1 nghìn tỷ đồng (+12% YoY).
Theo Euromonitor, sản lượng bia ở Việt Nam sẽ đạt 4,9 tỷ lít trong năm 2021, tương đương với CAGR là 5,5%. Sản lượng bia tiêu chuẩn và cao cấp sẽ tăng với CAGR lần lượt là 5,5% và 7%, trong đó các sản phẩm cao cấp nhập khẩu ước tính đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất là 10,3%.
Theo quan điểm của SSI, do ảnh hưởng của luật về việc phòng chống tác hại của rượu bia, tăng trưởng sản lượng bia trong năm 2020 sẽ không đạt được mức 2 con số. SSI dự báo tốc độ tăng trưởng sẽ ổn định ở mức 6-7% YoY trong năm 2020.
Theo Quyết định 1092/QĐ-TTg phê duyệt chương trình sức khỏe Việt Nam, SSI ước tính mức thuế tiêu thụ đặc biệt có thể tăng hơn nữa từ mức hiện tại là 65%. Tuy nhiên, hiện tại không có cuộc thảo luận nào liên quan đến ngày cụ thể mà quyết định có thể thực hiện trong tương lai gần.
Cổ phiếu Sabeco giảm sâu từ giữa năm 2019