So với các thị trường quan trọng khác của Việt Nam như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…, thị trường Trung Quốc và Hong Kong giảm tốc rõ rệt với tăng trưởng xuất khẩu 6 tháng đầu năm nay lần lượt đạt 28% và 9%, giảm mạnh so với cùng kỳ của năm 2017 (với tốc độ tăng trưởng tương ứng là 62% và 24%).
Trong 13 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD sang Trung Quốc năm 2017, chỉ có dệt may và giày dép duy trì tốc độ tương tự khi sang năm 2018. 11 mặt hàng còn lại đều giảm mạnh, trong đó máy móc, cao su, gạo tăng trưởng âm.
Mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn nhất và có tốc độ tăng trưởng cao nhất là điện thoại, đạt 267% trong 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên, con số này cũng chưa bằng một nửa của năm 2017 với 792%.
Đối với máy móc và máy ảnh, mặc dù giá trị xuất khẩu nói chung vẫn tăng trưởng ổn định trong 6 tháng đầu năm nhưng xuất sang Trung Quốc lại chậm hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu máy ảnh giảm từ 26% xuống 16% trong khi máy móc từ tăng trưởng 34% xuống giảm 17%. Trong đó, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ lớn thứ 4 về máy móc của Việt Nam, sau Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản.
Đối với thủy sản, Trung Quốc cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam, sau Mỹ và Nhật Bản, với tốc độ tăng trưởng trên 50% trong hai năm 2016 và 2017, trong đó cá tra là mặt hàng đáng chú ý.
Tận dụng lợi thế địa lý và thói quen tiêu dùng của người Trung Quốc, cá tra đã tìm được thị trường mới, giảm bớt phụ thuộc vào các thị trường truyền thống Âu Mỹ. Nhờ đó, ngành nuôi và chế biến cá tra của Việt Nam đã tăng trưởng rất khả quan vào cuối 2017 và đầu 2018 với việc giá cá tra nguyên liệu đạt mức cao kỷ lục vào tháng 4/2018. Tuy vậy khi nhập khẩu của Trung Quốc chậm dần, giá cá tra của Việt Nam cũng giảm và hiện đang ở mức thấp nhất kể từ đầu năm.
Trong khi đó, rau quả Việt Nam gần như phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc. Không những thế, Việt Nam còn là nơi trung chuyển hoa quả của Thái Lan sang Trung Quốc. Tăng trưởng xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc đạt mức trung bình trên 70%/năm trong 4 năm 2014 - 2017. Tuy nhiên trong 6 tháng đầu năm 2018, tốc độ tăng trưởng giảm còn 18%.
Theo Báo cáo SSI Retail Research & Investment Advisory tốc độ xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc chậm lại do sự thay đổi về chiến lược sản xuất điện thoại, điện tử của một số doanh nghiệp khối FDI và nhu cầu của Trung Quốc giảm. Một nguyên nhân khác là tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cùng kỳ của các năm trước rất cao.
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam với giá trị xuất khẩu gấp đôi Nhật Bản, nên sự giảm tốc của thị trường Trung Quốc có ảnh hưởng trọng yếu đến tăng trưởng xuất khẩu chung.
Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đang chậm lại và đồng nhân dân tệ mất giá sâu, nhu cầu hàng hóa của Trung Quốc nhiều khả năng sẽ còn co hẹp, ảnh hưởng trực tiếp đến xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, SSI Research dự báo.