Thị trường chứng khoán đã trải qua nửa đầu tiên của năm 2022 với diễn biến không mấy tích cực với việc chỉ số VN-Index ghi nhận nhịp điều chỉnh sâu hơn 20%. Sang tới tháng đầu tiên của quý III, thị trường chứng khoán hồi phục trở lại sau khi biến động tiêu cực của cả 3 tháng trong quý II. Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 7, VN-Index đứng ở mức 1.206,33 điểm, tương ứng tăng 8,73 điểm (0,73%) so với thời điểm cuối tháng 6. HNX-Index cũng tăng 10,93 điểm (3,94%) lên 288,61 điểm, tương tự, UPCoM-Index tăng 1,03 điểm (1,16%) lên 89,61 điểm.
Theo số liệu tại cuối tháng 7, SSIAM VNFIN Lead ETF ghi nhận tỷ lệ sinh lời cao nhất thị trường với 6,4% nhờ danh mục với chủ yếu là cổ phiếu ngân hàng (84,3%) và chứng khoán (15,6%). Theo đánh giá của ông Nguyễn Trọng Đình Tâm, Chuyên gia cao cấp Chiến lược đầu tư Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research), thời gian qua cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán có sự phục hồi tốt nhờ nhiều nhà đầu tư, trong đó có khối ngoại đánh giá định giá đã về mức hấp dẫn. Ngoài ra, trong trung hạn, nhóm này được hỗ trợ bởi thông tin nới room tín dụng trong quý III với ngân hàng và kỳ vọng giao dịch T+2 với chứng khoán.
Ở chiều ngược lại, DCVFM VNDiamond ETF – đơn vị có hiệu suất khả quan nhất trong 6 tháng đầu năm với âm 3,6%, lại ghi nhận hiệu suất thấp nhất tháng 7 với mức âm 4,6%. Tháng vừa qua, quỹ ETF nội lớn nhất này bị rút ròng mạnh nhất thị trường với giá trị 522 tỷ đồng. Trước đó, DCVFM VNDiamond ETF hút ròng 5 tháng liên tiếp và cũng là đơn vị hút tiền mạnh nhất trong nửa đầu năm.
3 quỹ ETF khác cũng ghi nhận tỷ suất đầu tư âm trong tháng 7 là SSIAM VN30, DCVFMVN30 và MAFN VN30 - đều là các quỹ sử dụng tham chiếu VN30. Với hiệu suất âm khoảng 1,2%, các quỹ này hoạt động tốt hơn chỉ số tham chiếu khi VN30-Index giảm gần 1,4%.
Fubon FTSE Vietnam ETF, "thỏi nam châm" hút tiền mạnh nhất thị trường trong tháng 7 với khoảng 430 tỷ đồng, ghi nhận hiệu suất 0,8%. Quỹ ETF đến từ Đài Loan này là đơn vị duy nhất hút ròng trong cả 7 tháng đầu năm nay. Tuy nhiên, tốc độ hút tiền đã chững lại khi giá trị dòng tiền vào thấp hơn nhiều so với quý II, giai đoạn Fubon FTSE Vietnam ETF giải ngân hàng nghìn tỷ đồng mỗi tháng vào thị trường Việt Nam.
Về các quỹ chủ động, PYN Elite Fund được vận hành hiệu quả nhất khi là đơn vị duy nhất ghi nhận tỷ suất đầu tư dương với 0,9%, cao hơn mức tăng 0,7% của VN-Index. Như vậy, PYN Elite chấm dứt chuỗi âm hiệu suất trong 5 tháng liên tiếp, và cũng là chuỗi dài nhất kể từ tháng 8/2018.
Top 3 cổ phiếu đứng đầu danh mục đầu tư PYN Elite Fund như VHM, CTG, VEA đều ghi nhận thị giá tăng trong tháng vừa qua. Nhóm ngân hàng chiếm 39,3% danh mục quỹ PYN, bao gồm các mã CTG, TPB, MBB và HDB, phần lớn đều có mức giá tăng, trong đó MBB tăng mạnh nhất với 6%.
Tuy nhiên, tính chung 7 tháng đầu năm, các quỹ đầu tư đều ghi nhận hiệu suất âm, khi chỉ số VN-Index giảm 19,5% so với thời điểm cuối năm trước.
|
Tính từ đầu năm đến cuối tháng 7, quỹ đầu tư cổ phiếu Hưng Thịnh VinaCapital (VinaCapital-VEOF) là quỹ có hiệu suất khả quan nhất thị trường với âm 7,9%. Giá trị tài sản ròng đạt 1.063,7 tỷ đồng. Tại thời điểm cuối tháng 6, trong các khoản đầu tư lớn của VinaCapital-VEOF có sự xuất hiện của một số cổ phiếu cạn room như FPT, MWG, PNJ, trong đó FPT chiếm tỷ trọng lớn nhất với 8,6%.
Theo sau là DCVFM VNDiamond ETF với mức âm 8%. Lũy kế 7 tháng đầu năm, quỹ ETF này hút ròng hơn 5.000 tỷ đồng, xếp sau Fubon FTSE Vietnam ETF với gần 5.900 tỷ đồng.
VanEck Vietnam ETF có hiệu suất thấp nhất từ đầu năm khi âm 30%, gấp rưỡi so với mức giảm của VN-Index (âm 19,5%). Quy mô của quỹ là khoảng 375 triệu USD, trong đó VIC, VHM, HPG chiếm tỷ trọng lớn nhất. Xét về giá, cổ phiếu VIC giảm 32,7%, VHM giảm 24,8% và HPG giảm 38,8% so với đầu năm.
Theo đánh giá của ông Bùi Văn Huy, Giám đốc môi giới Chứng khoán TP HCM (HSC HoSE:HCM ), thị trường Việt Nam đang trong mùa kết quả kinh doanh tương đối tích cực với sự nổi bật của nhóm ngành ngân hàng. Tính đến hết tháng 7, các doanh nghiệp công bố báo cáo kết quả kinh doanh đã chiếm hơn 70% vốn hóa, song dấu ấn của mùa kết quả kinh doanh sẽ nhạt đi trong tháng 8. Vì vậy, ông Huy vẫn chưa nhìn thấy câu chuyện hỗ trợ đủ lớn để thị trường có thể bứt phá quá xa.
Vị chuyên gia tới từ HSC cho rằng, thị trường tháng 8 cũng vận động tương tự như tháng 7. Biên đi ngang hiện tại khả năng tiếp tục được duy trì với hỗ trợ là vùng đáy cũ 1.150-1.160 điểm và kháng cự là vùng 1.210-1.220 điểm. Nếu kháng cự phía trên bị phá vỡ, biên dao động của thị trường có thể được nới ra chút ít, tuy nhiên cách diễn biến – vận động khả năng sẽ tương tự tháng 7.