Vào ngày thứ 5 tuần trước, Starbucks công bố rằng các cốc nhựa đựng đồ uống lạnh ở mọi kích cỡ đã được thiết kế lại thân thiện với môi trường, sử dụng ít nhựa hơn tới 20% so với phiên bản hiện tại. Việc thiết kế lại các cốc nhựa là nỗ lực mới nhất của công ty nhằm giảm tác động đến môi trường từ những chiếc cốc vốn chịu rất nhiều chỉ trích.
Những chiếc cốc mới được phát triển nội bộ tại Starbucks như một phần trong nỗ lực bền vững nhằm giảm lượng rác thải và lượng carbon thải ra xuống một nửa vào năm 2030. Tương tự như các công ty lớn khác, chuỗi đồ uống này muốn cắt giảm sự phụ thuộc vào nhựa vì vật liệu này chủ yếu được sản xuất từ các polyme được tạo ra từ nhiên liệu hóa thạch nguy hiểm.
Những chiếc cốc mới sẽ ra mắt tại một số địa điểm chọn lọc ở Mỹ và Canada trong năm nay, dự kiến việc triển khai đầy đủ sẽ hoàn tất vào mùa xuân năm 2025.
Ngoài việc sử dụng ít nhựa hơn cho cốc - Starbucks dự đoán những chiếc cốc mới sẽ tiết kiệm hơn 13,5 triệu pound nhựa được đưa đến các bãi chôn lấp hàng năm. Chuỗi này cho biết thêm: "Cốc nhựa thiết kế theo kiểu mới dự kiến sẽ giảm lượng khí thải và tiết kiệm nước trong quá trình sản xuất".
Starbucks cho biết họ đã tiến hành thử nghiệm với các nhân viên pha chế và khách hàng để đảm bảo việc thay đổi không làm giảm độ chắc chắn hoặc khả năng giữ lạnh đồ uống của cốc.
Những chỉnh sửa nhỏ về thiết kế bao gồm việc bổ sung các trợ năng mới, bao gồm cả "đường kẻ" màu đen và trắng cho phép tạo độ tương phản với đồ uống có màu sáng và tối.
Một thay đổi khác là cốc cao, cốc lớn và cốc venti hiện sử dụng nắp có cùng kích thước; trước đây, cốc cao sử dụng nắp riêng còn cốc lớn và cốc venti dùng chung một nắp.
Đối với nhân viên, thay đổi này sẽ giúp giảm bớt sự lộn xộn và tiết kiệm thời gian tìm nắp phù hợp. Starbucks cũng cho biết họ đã thêm các chữ cái in nổi ở đáy cốc, để "nhân viên pha chế có thể nhanh chóng xác nhận kích thước mà họ đang lấy trong lúc bận rộn khi tất cả các cốc được xếp lộn ngược".
Đấu tranh bền vững
Cốc nhựa và những vấn nạn về môi trường mà chúng tạo ra - từ lâu đã là vấn đề lớn đối với Starbucks .
Vào tháng 1, chuỗi đã áp dụng chính sách cho phép rót đồ uống vào cốc do khách hàng tự mang theo.
Những ý tưởng bền vững khác mà Starbucks đã thử bao gồm thử nghiệm chương trình mượn một chiếc cốc, trong đó khách hàng trả tiền đặt cọc cho một chiếc cốc có thể tái sử dụng mà họ có thể mang theo bên mình và trả lại sau khi sử dụng.
Tại một địa điểm thử nghiệm ở Seattle vào năm 2021, khách hàng đã đặt cọc 1 USD và phải trả lại chiếc cốc vào thùng thông minh đặt trong cửa hàng để lấy lại số tiền đặt cọc trước đó của họ. Công ty đã thử nghiệm các chương trình thí điểm tương tự ở Nhật Bản, Singapore và Vương quốc Anh.
Tuy nhiên, những thử nghiệm và thay đổi này vẫn chưa đủ để giải quyết "cuộc khủng hoảng nhựa", theo Emma Priestland, điều phối viên chiến dịch doanh nghiệp toàn cầu của Break Free from Plastic.
"Trong khi thế giới cần khẩn trương cắt giảm sản xuất nhựa vì khí hậu, từ góc độ quản lý chất thải và lượng ô nhiễm nhựa ra môi trường, việc đơn giản giảm lượng nhựa nhưng giữ nguyên số lượng mặt hàng nhựa là giải pháp sai lầm", cô Emma nói với CNN.
Priestland gợi ý rằng Starbucks nên phát triển những chiếc cốc mang đi có thể tái sử dụng và trả lại để giúp họ đạt được đầy đủ các mục tiêu bền vững của mình.
Theo: CNN