Trong chương trình Thương vụ bạc tỷ tập 6, startup Lê Nguyễn Khánh Trình - Founder & CEO Công ty cổ phần Khánh Trình muốn kêu gọi 5 triệu USD đổi lấy 10% cổ phần để đẩy mạnh xuất khẩu khung xếp đa năng tự lực Khánh Trình – một sản phẩm do chính anh sáng chế, để ra thị trường thế giới.
Bắt đầu đưa ra thị trường Việt Nam từ năm 2010, khung xếp đa năng Khánh Trình đã xuất khẩu hàng nghìn sản phẩm đến hơn 40 quốc gia với giá bán 7 triệu đồng/ bộ sản phẩm. Doanh thu trung bình 1 tháng là 1 tỷ đồng, lợi nhuận chiếm 35%.
Thị trường tiêu thụ Amazone Mỹ chiếm 80%, lãi gộp 70%/ bộ. Doanh thu trung bình trong nước mỗi tháng chiếm khoảng 300 triệu, thị trường nước ngoài là 1 tỷ đồng.
Do đó, startup muốn kêu gọi đầu tư để đẩy mạnh marketing thương hiệu, bán sản phẩm tại thị trường Mỹ và Nhật Bản trong năm đầu tiên. Với 5 triệu USD, Khánh Trình sẽ trích từ 20 - 30% để quảng cáo thương hiệu, số còn lại dùng vào sản xuất. Dự kiến, từ 3-5 năm tới Shark có thể thu hồi vốn.
Khánh Trình chia sẻ: "Trong 5 quốc gia đã nhận bằng sáng chế: Việt Nam, Mỹ, Nigeria, Nam Phi và Úc. Dân số 5 quốc gia là 670 triệu người. Dự tính nếu chiếm được 1% thị trường thì chúng em có thể đạt doanh thu 670 triệu USD".
Gọi 5 triệu USD cho 10%, tự định giá 45 triệu USD (1.000 tỷ đồng), Shark Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch kiêm Founder của NextTech Group cho rằng: "Startup giờ bị ngáo giá hay sao nhỉ". "Em hơi làm mất thời gian của các Shark".
Shark Bình ngay lập tức chỉ ra điểm định giá phi lý của startup: "Lợi nhuận của em hiện nay là 400 triệu/ tháng, một năm lợi nhuận khoảng 6 tỷ một năm. Doanh nghiệp của em định giá cao nhất chỉ được 30 tỷ. Đó còn chưa kể tính các chi phí rủi ro khác. Ngay Shark Tank Mỹ, hai deal lớn nhất gọi được 2,5 triệu USD cho 10%, định giá có 25 triệu USD mà em định giá công ty tận 50 triệu USD."
"Em phải tỉnh ra, đừng ngáo giá", Shark Bình tuyên bố không đầu tư.
Shark Dzung
Shark Dzung hỏi: "Em làm kinh doanh bao lâu rồi. Nếu làm kinh doanh 10 năm tất cả giả thuyết liên quan thị trường và thị phần nhân 1% thì trẻ con bây giờ cũng làm được".
Khánh Trình cho biết bắt đầu đưa ra sản phẩm từ 2010. Shark Dzung tính toán cứ cho rằng tăng trưởng theo cấp số nhân thì sau 5 năm mới đạt 256 tỷ đồng, làm sao đạt doanh thu vài trăm triệu USD như tính toán?. Nếu làm kinh doanh phải có tư duy kinh doanh phải thực tế.
Khánh Trình cho rằng mình làm nhân viên ngân hàng, nếu có đòn bẩy vào sẽ khác. Founder dùng 5 triệu USD để tạo thương hiệu và đẩy mạnh marketing quảng cáo truyền hình.
Shark Hưng cho rằng "mức định giá này là điên rồ, em nên sản xuất máy in tiền thì mới có mức định giá đó", Shark Hưng, Shark Liên và Shark Việt cũng không đầu tư.
Shark Dzung Nguyễn cho startup lời khuyên như sau: "Anh nghĩ sản phẩm của em rất hợp thị trường Mỹ, vì thị trường Mỹ có nhà khá rộng và các hoạt động out door lớn, em nên tập trung bán ở thị trường đấy và không cần gọi số vốn lớn như thế".
Shark Việt cho Khánh Trình lời khuyên, ý tưởng này rất hay và khi ông ở Mỹ người dùng sử dụng để phục hồi chức năng rất tốt. Trình nên tiếp tục phát huy ý tưởng. Quan trọng nhất là từ cái đơn giản mà mình kiếm được tiền, đang làm ngân hàng chuyển qua kinh doanh là rất nghị lực. Kế hoạch kinh doanh của em chưa thuyết phục được anh, nhưng em nên làm từng bước, Khi mình cầm tiền của ai đó mình phải có trách nhiệm.
Tập 6 khép lại với chỉ một thương vụ được đầu tư. Cả ba thương vụ đều là sản phẩm có thị trường tuy nhiên các nhà sáng lập đều mắc phải sai lầm về định giá không có phương pháp nên thiếu thuyết phục, thậm chí đưa ra những mức không tưởng, phí lý khiến các cá mập "nổi giận". Thứ hai là mô hình kinh doanh còn "xanh" và "non" chưa được chứng thực (chưa có doanh thu, hoặc lượng khách hàng dùng thử quá ít) nhưng định giá trên mây. Dẫu vậy, với những lời khuyên đầy chân tình từ các nhà đầu tư của Shark Tank, hy vọng các startup sẽ có bước điều chỉnh chiến lược phát triển hợp lý hơn.