Nguyễn Quang, Nhà sáng lập và điều hành của iCare – thiết bị theo dõi và phần mềm sức khỏe gia đình đến Shark Tank với mong muốn kêu gọi 100.000 USD cho 10% cổ phần công ty.
Nguyễn Quang cho biết, theo thống kê tại Việt Nam có 1 triệu bé bị sốt co giật trong tổng số 18 triệu bé ở độ tuổi từ 3 tháng đến 6 tuổi. Trước thực trạng bố mẹ có thể ngủ quên mà không biết tình trạng sốt của con, anh cùng đội ngũ đã tạo ra dòng sản phẩm đầu tiên trong hệ sinh thái iCare là iTemp - thiết bị thông minh giúp theo dõi nhiệt độ liên tục và sẽ cảnh báo nếu nhiệt độ của con vượt qua nhiệt độ thiết lập, có thể kết nối với điện thoại thông minh qua sóng bluetooth.
Nhà sáng lập iCare cũng tiết lộ thêm, với một thiết bị iTemp bán ra, iCare sẽ thu được 2 loyal user (khách hàng trung thành), vì bố mẹ sẽ đều tải app về để kết nối thiết bị với app, từ đó có thể tạo ra một hệ sinh thái.
"Em sẽ gắn vào người trẻ như thế nào?", Shark Hưng đặt câu hỏi.
Nguyễn Quang cho biết, thiết bị sẽ được dán vào nách của em bé bằng keo y tế.
Các Shark liền thắc mắc, một thiết bị iTemp như vậy sẽ gắn vào trẻ em như thế nào, có ảnh hưởng gì đến sức khỏe của trẻ và làm trẻ khó chịu hay không.
"Đối với con nít phải dùng dụng cụ mềm nhất, em đã nghiên cứu chưa vì nó còn kết nối với các sóng, mà sóng cực kỳ kỵ với trẻ con sơ sinh" – Shark Liên nhận định. Shark Liên cũng cho rằng thiết bị này rất giống một cục pin và lo ngại những ảnh hưởng với trẻ nếu nuốt phải.
Nguyễn Quang cho hay, thiết bị y tế này đã được đội ngũ iCare nghiên cứu và cho rằng sóng bluetooth đã được WHO công nhận là an toàn cho cơ thể. Bên cạnh đó, thiết bị này đã được một vài nước Châu Âu và hai hãng điện tử lớn trên thế giới là Xiaomi và Koogeek sản xuất. Ý tưởng này xuất phát từ một người mẹ có con bị sốt co giật.
Trả lời thắc mắc của Shark Phú về việc sản phẩm đã được Bộ Y tế cấp phép chưa và có sao chép từ ai không, Nguyễn Quang chia sẻ, thiết bị này định hướng là thiết bị điện tử, không phải là thiết bị y tế. Anh cũng khẳng định "không phải là copy mà là nghiên cứu".
"Bạn phải trung thực, tôi không chắc cái này bạn có thể sản xuất vì tôi vừa mới tra trên Alibaba thì người ta cũng bán những thiết bị trong giống thế này rất nhiều. Kể cả mình nhập về mình làm cũng được, không sao cả. Nhưng đừng nói là mình phát minh hay mình sản xuất" – Shark Bình nhận xét.
Nhà sáng lập iCare liền giải thích, khi bắt đầu ý tưởng này thì trên thị trường chưa có sản phẩm tương ứng. Tuy nhiên, sau khi iCare làm ra phiên bản đầu tiên thì Xiaomi đã bắt đầu sản xuất. Anh cũng cho biết thiết bị này đã nộp đơn đăng ký bằng sáng chế cách đây 6 tháng, nếu không được chấp thuận thì sẽ chuyển sang "giải pháp hữu ích".
"Đây là một hệ sinh thái nhiều sản phẩm. iCare đã chuẩn bị 4 sản phẩm, mỗi năm sẽ ra một sản phẩm" – Nguyễn Quang nói.
Nguyễn Quang trả lời, định hướng của iCare không chỉ bán thiết bị mà còn tạo ra platform (nền tảng), khi người dùng đủ lớn sẽ đưa thêm các tính năng vào. Ví dụ như liên kết với những đơn vị khác về chích ngừa, tư vấn sức khỏe, nhắc lịch khám thai. "Tức là khi có người dùng đủ lớn, chúng ta có thể làm rất nhiều trên platform" – Nguyễn Quang nói.
Nhà sáng lập iCare cũng tiết lộ, mình đã đầu tư vào dự án này 500 triệu và đội ngũ trong 1 năm qua không có lương.
Shark Hưng nhận định, startup nên nghĩ ra một ứng dụng mà các bà mẹ mỗi ngày phải mở ra 2 lần thì mới có thể "sống" được. Nếu chỉ theo dõi trẻ bị sốt co giật thì ứng dụng này khác ngách, "tức là có thì tốt, không có cũng không sao". "Nếu dựa vào thiết bị đôi khi lại thành nguy hiểm hơn", Shark Hưng nhận xét.
Là một người rất cẩn thận với những vấn đề liên quan đến sức khỏe con người, nhất là trẻ em, Shark Liên nhận định: "Chúng tôi chắt lọc những gì tinh tuý nhất ở trong con người mình để dành cho đứa nhỏ thì tôi không cho phép mình rủi ro đến mini phần trăm kể cả vấn đề điện tử trong phòng đứa nhỏ tôi cắt hết. Đích thân tôi là người mẹ tôi thức để chăm, chứ tôi không nhờ đến giúp việc. Sản phẩm của bạn còn mơ hồ, tạo sự chủ quan cho các ông bố bà mẹ, tôi khuyên bạn xem lại sản phẩm của mình, sử dụng công nghệ quá nhiều, phó mặc cho điện tử chúng ta sẽ trả giá rất đắt vì giấc ngủ của chúng ta ảnh hưởng đến thiên thần của mình", vì vậy, bà đã tuyên bố không đầu tư.
"Đàn ông bọn em tạo ra công nghệ để phục vụ phụ nữ thôi", Shark Bình đáp lại.
Shark Phú nhận xét, mô hình của iCare còn rất mới, chưa ra sản phẩm, chưa có doanh số, chưa có gì cụ thể. Với mong muốn tìm kiếm mô hình đã hình thành nhất định, có thể dự báo được trên Shark Tank, Shark Phú đã từ chối đầu tư vào startup này.
Shark Hưng cho rằng, sử dụng IoT (internet vạn vật) trong các thiết bị y tế, đặc biệt là đo và kiểm tra sức khỏe là một hướng đi tốt. Shark Hưng cũng đồng tình với Shark Phú trong việc mô hình của startup tại thời điểm này là khá sớm, chưa chứng minh được khả năng thành công. Shark cũng nhận thấy con số gọi vốn chưa phù hợp vì startup chỉ mới góp 500 triệu nhưng đã định giá công ty 1 triệu USD. Vì vậy Shark Hưng cũng quyết định không đầu tư.
Là một người mẹ, Shark Linh cũng có cùng chung quan điểm với Shark Liên về việc tự tay bảo vệ con cái, sợ những ảnh hưởng của sóng bluetooth từ thiết bị này đến sức khỏe của trẻ em. Shark Linh cũng lo rằng, startup chưa nghiên cứu đầy đủ thị trường, khi khảo sát có thể sẽ có nhiều người quan tâm nhưng tỉ lệ chuyển từ muốn sang mua, từ mua sang dùng rất ít. Shark Linh khuyên iCare nên nghiên cứu lại và kết luận không đầu tư.
Là vị "cá mập" cuối cùng đưa ra ý kiến, Shark Bình góp ý iCare nên đổi tên thương hiệu vì cái tên này đã có quá nhiều doanh nghiệp, nhãn hàng sử dụng tại Việt Nam. Việc bị trùng tên thương hiệu sẽ làm loãng ngân sách, chi phí marketing rất nhiều. Tuy nhiên, trái với quan điểm của Shark Liên, Shark Bình cho rằng iCare là ứng dụng chuyển đổi số trong việc chăm sóc con cái bằng IoT, đúng với khẩu vị đầu tư của Shark. "Điều này có ý nghĩa ở điểm giúp giải phóng bớt sức lao động của phụ nữ, mà thế giới cũng vậy, tiện ích như thế này cũng đã phổ biến" – Shark Bình nói. Tuy nhiên, tình hình hiện nay của startup khiến Shark khó định giá. Shark cũng nhận định, với những đơn vị chuyên nghiệp như NextTech thì chỉ trong vòng 1-2 tháng, tập đoàn có thể phát triển ứng dụng y như iCare.
"Những trường hợp như thế này, tôi có quan tâm thì tôi vẫn sẽ theo phương thức truyền thống. Bạn bỏ công sức, tôi bỏ tiền, chúng ta cùng nhau phát triển sản phẩm này (iTemp) với điều kiện tôi lo hết tài chính 100.000 USD cho 50% cổ phần. Cái quan trọng là sự phát triển thị trường. Tôi sẽ giúp cho bạn cách làm lean (sản xuất tinh gọn) nhất, hiệu quả nhất, còn cách làm của startup là tập trung vào execution (thực thi), sau đó chúng ta sẽ tiếp tục là thêm nhiều sản phẩm chuyển đổi số thuận tiện hóa cuộc sống của người dùng theo đúng hướng đi của Xiaomi" - – Shark Bình đưa ra đề nghị với iCare.
"Team của em có 7 người, đa phần làm partime", con số 50% cổ phần mà Shark Bình đưa ra khiến nhà sáng lập iCare có phần bối rối.
Shark Bình giải thích thêm: "Tôi với công ty của bạn, chúng ta lập liên doanh 50-50, chúng ta cùng liên doanh để làm sản phẩm này, và chúng ta nhìn dưới góc độ liên doanh chứ không phải góc nhìn đầu tư. Lợi nhuận các thứ chia đôi…".
"Khi chúng ta lớn lên rồi sẽ gặp vấn đề, chia như vậy hoài hay sao ạ?", Nguyễn Quang đặt câu hỏi.
"Chúng ta lập công ty TNHH 2 thành viên hoặc công ty cổ phần. Mỗi bên nắm một nửa, Shark bỏ 100.000 USD còn bên em bỏ sức. Nếu round 1 hết tiền thì gọi thêm vốn vào, lúc đó em cũng có thể xuống tiền", Shark Bình trả lời.
"Không có tiền thì sao?", Shark Liên đặt câu hỏi
"Thì bạn bị delute (pha loãng) thôi. Tiêu hết tiền thì phải có hình phạt chứ, tiêu hết tiền thì phải giảm cổ phần đi chứ. Đấy là sức ép để cho mình bằng số vốn hạn hẹp vẫn làm nên điều kì diệu. Các bạn vẫn sở hữu 100% công ty của bạn. Công ty của bạn sở hữu 50% của sản phẩm này", Shark Bình đề nghị.
Sau một lúc phân tích, nhà sáng lập iCare đã chấp nhận đề nghị của Shark Bình.
Sau khi gọi vốn thành công, Nguyễn Quang chia sẻ: "Trong giai đoạn này, iCare còn hơi nhỏ để có thể tự đi được. chính vì vậy, chúng tôi cảm thấy việc liên doanh với Shark Bình sẽ có một giá trị cộng hưởng và iCare vẫn hoàn toàn 100% của đội ngũ iCare. Chính bởi vậy việc liên doanh này là hợp lý và có thể chấp nhận được".