Trần Phạm Thông Hiệp - chàng trai 9X trẻ tuổi xuất hiện trong tập 2 mùa 5 Shark Tank để kêu gọi các Shark đầu tư 1 triệu USD cho 10% cổ phần của Shondo - thương hiệu giày xăng-đan giành cho giới trẻ do chính anh làm Founder và CEO.
Bắt đầu khởi nghiệp từ năm 2014, khi mới chỉ 20 tuổi, đến nay thương hiệu Shondo của Thông Hiệp đã nhận được sự ủng hộ lớn của các bạn trẻ do mẫu mã thiết kế đẹp, khác biệt và đang là xu hướng trong nước. Shondo đã bán được hơn 1 triệu đôi giày và hiện đang có 20 cửa hàng, 2 nhà máy sản xuất và hàng trăm đại lý bán hàng trên toàn quốc.
Trần Phạm Thông Hiệp - Fouder và CEO thương hiệu Shondo
Tuy có được những thành công nhất định nhưng Thông Hiệp bị Shark Bình đánh giá là vẫn còn yếu về kỹ năng kiến thức tài chính và chưa biết cách tài chính hóa doanh nghiệp của mình.
Trong 8 năm qua, anh đã đầu tư khoảng 3 tỷ vào Shondo, tổng tài sản công ty hiện khoảng 30 – 40 tỷ, nợ vay 2 tỷ, tổng nợ khoảng 1,5 lần so với doanh thu. Chi phí mặt bằng chiếm khoảng 15%. Doanh thu 40 – 50% đến từ các cửa hàng bán lẻ, 30% đến từ các đại lý và 20% đến từ online (bán hàng trực tuyến). Đặc biệt, hàng tồn kho của Shondo đang khoảng 3 lần doanh thu.
Cả Shark Hùng Anh và Shark Hưng đều đánh giá rủi ro của Shondo cao khi tỷ lệ hàng tồn kho của Shondo khá lớn. Shark Hùng Anh đưa ra câu hỏi Shondo sẽ làm thế nào khi sản phẩm hết trend, Thông Hiệp cho biết nếu bán không được anh có thể giảm giá.
Tuy nhiên, các Shark tỏ ra không bằng lòng vì cho rằng giảm giá sẽ hết lợi nhuận, và Shark Bình còn cho rằng giảm giá có thể là con dao 2 lưỡi, sẽ khiến khách hàng có thói quen chờ đợi giảm giá. "Giảm giá không chỉ là mất lợi nhuận đâu mà nó còn con dao hai lưỡi đấy. Nếu em giảm giá nhiều quá như thế khách hàng người ta sẽ có thói quen chờ đợi thương hiệu của em giảm giá. Người ta chỉ nhau là thương hiệu này có thói quen cứ 3 tháng sau giảm giá một nửa. Thế là người ta sẽ chờ đến 3 tháng sau người ta mới mua."
Quả thật, giảm giá là chiến lược được rất nhiều công ty áp dụng nhằm tăng doanh thu, bán hết hàng tồn nhanh chóng, và còn được sử dụng như chiến lược marketing thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng để quảng bá thương hiệu, mở rộng thị phần.
Tuy nhiên, hiệu quả trong ngắn hạn có thể khiến doanh thu công ty tăng vọt nhưng trong dài hạn nếu mỗi khi hết trend, hàng tồn kho nhiều lại giảm giá thương hiệu sẽ phải chịu thiệt hại đáng kể vì đã khiến cho khách hàng định vị lại giá sản phẩm theo giá đã giảm và họ không sẵn lòng mua sản phẩm với giá gốc nữa.
Một ví dụ về một thương hiệu thời trang dù ''ế hàng'' nhưng không bao giờ giảm giá đó là Luois Vuitton, một thương hiệu thời trang xa xỉ hàng đầu thế giới.
Có nguồn tin cho biết những sản phẩm không bán được sẽ bị gửi trả lại nhà máy ở Pháp để tiêu hủy. Đây là cách hãng duy trì giá trị của sản phẩm cũng như tạo nên đẳng cấp của thương hiệu.
Tuy nhiên, vẫn có tin đồn rằng trước khi tiêu hủy hàng "ế", LV sẽ bán lại cho nhân viên với giá phải chăng, kèm điều kiện không được bán lại cho bất cứ ai. Dù vậy, sự thật là đến nay, LV chưa bao giờ có chương trình giảm giá chính thức.
Do đó nhiều người cho biết họ hoàn toàn thấy hài lòng và đáng tiền khi mua túi LV. Thâm chí, khi muốn bán lại, túi LV vẫn giữ được giá hay thậm chí tăng giá gấp nhiều lần so với giá gốc, miễn là chúng vẫn trong tình trạng tốt.
Tuy nhiên, Thông Hiệp vẫn nhận được 3 lời đề nghị đầu tư 1 triệu USD từ các Shark Bình, Shark Phú và Shark Hùng Anh. Sau khi nghe chia sẻ của các Shark, Thông Hiệp quyết định lựa chọn Shark Hùng Anh và chốt deal 23 tỷ cho 30% cổ phần với Chủ tịch Tập đoàn BIN Corporation.