Startup cuối cùng đến với Shark Tank Việt Nam trong tập 10 là Lê Xuân Vũ – Nhà đồng sáng lập và điều hành của thương hiệu Jackma English Homestay. Chia sẻ với các Shark, Xuân Vũ cho biết, anh nhận thấy ở TP.HCM có khoảng 10 triệu dân, 65% trong số đó đang ở độ tuổi lao động và đối tượng này có nhu cầu học tiếng Anh rất lớn. Tuy nhiên, một trong những khó khăn trong quá trình học tiếng Anh là họ phải di chuyển giữa nơi ở, nơi học và nơi làm việc. Việc đó làm cho tinh thần của họ bị giảm sút, dẫn đến hiệu quả học tiếng Anh không được cao. Bên cạnh đó, các trung tâm tiếng Anh trên thị trường chỉ có thể dạy 2-3 buổi trên một tuần, mỗi buổi chỉ có 1 tiếng rưỡi.
"Jackma English Homestay là một startup kết hợp giữa dạy tiếng Anh và lưu trú, điều này cho phép dạy tiếng Anh cho học viên và họ sử dụng tiếng Anh tại homestay 24/7. Đây là mô hình đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam có thể làm được điều này", "nhân viên người nước ngoài và học viên ở chung, có quy định bắt buộc mọi người phải sử dụng tiếng Anh 24/7, mọi lúc mọi nơi" – Xuân Vũ nói về trung tâm của mình.
Anh cũng cho biết, hiện anh đang thu học phí của học viên là 4,5 triệu 1 tháng, trong đó 2 triệu là chi phí ở và 2,5 triệu là chi phí học. Học viên có thể đăng ký học không giới hạn, một ngày tối đa 4 buổi, tối thiểu 1 buổi. Chi phí cho 1 buổi học tiếng anh 1,5 tiếng với người nước ngoài như thế chỉ có 40 nghìn, rất cạnh tranh so với mức giá 200-250 nghìn so với các mô hình khác. Các khóa học tiếng Anh có thể kéo dài 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng.
Xuân Vũ cho biết thêm, hiện tại Jackma English Homestay có hai chi nhánh. Chi nhánh thứ nhất hoạt động từ tháng 4/2019. Doanh số trung bình mỗi tháng là 120 triệu. Lợi nhuận sau khi khấu hao là 15%. Chi nhánh thứ 2 hoạt động từ giữa tháng 11/2020, doanh số của tháng vừa rồi là 140 triệu. Tổng doanh thu của năm 2019 là 720 triệu, năm 2020 là 1,6 tỷ. Chi phí đầu tư cho chi nhánh đầu tiên là 500 triệu, chi nhánh thứ 2 là 370 triệu, hiện tại chỉ cần 200-250 triệu để đầu tư một chi nhánh, tùy thuộc vào địa điểm. "Em mong muốn đến năm 2030, Việt Nam có 25% người Việt Nam sử dụng tiếng Anh hàng ngày, giống Philippines hay Singapore hiện tại" – Xuân Vũ bày tỏ khát vọng của mình. Theo đó, Xuân Vũ đã đến Shark Tank kêu gọi số vốn 2 tỷ đổi lấy 30% cổ phần.
Trả lời Shark Bình về việc đặt tên "Jackma" cho trung tâm của mình, Xuân Vũ cho biết, anh được truyền cảm hứng từ việc tỷ phú Trung Quốc Jackma – một người học từng học tiếng Anh rất thành công bằng cách tới công viên Hàng Châu để luyện giao tiếp với người nước ngoài, "và nó chứng minh một điều là khi học tiếng Anh chúng ta phải giao tiếp nhiều với người bản ngữ" – Xuân Vũ nói. Startup cũng thừa nhận mình chưa đăng ký tên thương hiệu này, chỉ đăng ký tên "JM" nhưng gọi Jackma để tăng cảm hứng cho học viên và chính các thành viên trong công ty.
Với mô hình này, Shark Hưng nhận định, doanh thu của startup sẽ đến từ Homestay chứ không phải đến từ việc dạy tiếng Anh.
Xuân Vũ giải thích, ngay từ đầu anh đã định vị mô hình của mình là trung tâm tiếng Anh. 2,5 triệu tiền học phí sẽ dùng để marketing và thuê nhân sự phục vụ vấn đề chuyên môn.
Shark Bình nhận xét thêm, khả năng nhân rộng của mô hình này sẽ rất chậm "vì phải thuê nhà rồi thuê người ở vào đấy. Hiệu suất mặt bằng của em sẽ rất là thấp" – Shark Bình nói.
Để giải được bài toán mà Shark Bình vừa nêu, Xuân Vũ cho biết doanh số của anh đến từ 3 nguồn: dạy học viên nội trú, dạy học viên ngoại trú, bán giáo trình và sổ tay từ vựng.
Shark Liên chỉ ra một thực tế khó khăn hơn, đó là việc học tiếng Anh ngày nay rất đơn giản. Học viên có thể trực tiếp lên mạng học online với người nước ngoài, chi phí rất rẻ và thời gian hoàn toàn linh động.
Với vấn đề này, Xuân Vũ cho rằng điều quan trọng là học viên học online sẽ không có động lực giao tiếp như mô hình bên anh. "Trước khi mọi người vô học bên em thì phải ký cam kết là sử dụng tiếng Anh, nếu sử dụng tiếng Việt 2 lần thì bị phạt 10 nghìn/1 lần, sẽ tạo động lực cho mọi người nói tiếng Anh. Và tụi em có đội ngũ staff (nhân viên) ngay tại homestay có thể remind (nhắc nhở) được mọi người, push (thúc đẩy) mọi người sử sụng tiếng anh, nếu học online mà hiệu quả thì Việt Nam đã như Philippines và sử dụng tiếng Anh được rồi chứ không phải bài toán như hiện tại" – Xuân Vũ giải thích..
Shark Hưng và Shark Liên hỏi thêm về lợi nhuận, số lượng học viên, cách quản lý học viên của startup.
Xuân Vũ cho biết, trong năm 2020, Jackma Homestay English có 330 học viên, chi nhánh đầu tiên có lợi nhuận 200 triệu nhưng đã tái đầu tư cho chi nhánh thứ 2. Một homestay có khoảng 42-52 học viên.
Shark Phú cho rằng, startup đang có 2 vấn đề: 1 là kiếm giáo viên, 2 là kiếm học sinh. Shark nhận định bây giờ có 1-2 homestay còn dễ nhưng nếu mở lên hàng nghìn cái sẽ gặp vấn đề. Vì vậy Shark hỏi thêm về cách thức, công cụ và chi phí để tìm kiếm học viên cho trung tâm.
Trả lời Shark Phú, Xuân Vũ cho biết, 50% học viên của mình do học học viên cũ giới thiệu. Còn lại là chạy quảng cáo trên Facebook. Anh cũng tự tin mô hình của mình mới, khác biệt nhưng tạo hiệu quả nên các học viên cũ đã giới thiệu thêm các học viên mới cho trung tâm.
Shark Louis nhận ra rằng, người học tiếng Anh cần có một chứng chỉ như IELTS hay TOEFL và thắc mắc vì sao Jackma Homestay English không tập trung vào vấn đề đó. Shark cũng đặt ra câu hỏi về việc làm sao đảm bảo học viên phát âm tốt hơn khi sống trong cùng một homestay.
Xuân Vũ giải thích, trung tâm của anh tập trung vào giao tiếp chứ không phải chứng chỉ vì hoài bão mà anh mong muốn là đến năm 2030, 25% dân số Việt Nam có thể sử dụng tiếng Anh mỗi ngày. "Nếu như chỉ tập trung vào IELTS và những chứng chỉ thì câu chuyện giao tiếp không giải quyết được, hoặc giải quyết chỉ một phần" – Xuân Vũ nói.
Xuân Vũ cũng chia sẻ thêm, học viên khi đến với Jackma English Homestay sẽ phải kiểm tra đầu vào bởi một giáo viên và người giáo viên đó sẽ theo sát học viên, kiểm tra mỗi tháng và đưa ra những phản hồi. Học viên cũng tự theo dõi khả năng học của mình bằng cách viết vào sổ tay từ vựng những gì mình học được trong ngày. Cuối khóa sẽ tổng hợp lại. Nếu học viên không vượt bài kiểm tra thì sẽ được dạy lại với trình độ đó. Các giáo viên của Jackma English Homestay đều có các chứng chỉ như TESOL hoặc TOEFL.
Sau phần trình bày của Xuân Vũ, Shark Phú nhận xét, khả năng nhân rộng của mô hình này sẽ rất khó, cứ mở cái này có lãi thì mở tiếp cái khác. Như vậy thì không cần huy động vốn bên ngoài. Là một nhà đầu tư, Shark Phú muốn đầu tư vào một mô hình có khả năng nhân rộng cao. Vì vậy, Shark thấy mô hình này không phù hợp và không nằm trong hệ sinh thái phát triển trong tương lai nên Shark quyết định không đầu tư.
Đồng tình với Shark Phú, Shark Liên cũng cho rằng mô hình của startup chỉ dành riêng cho một phân khúc rất nhỏ. Vì thế Shark cũng quyết định không đầu tư nhưng nếu startup cần giúp ở góc độ khác ngoài chương trình thì Shark sẵn sàng hỗ trợ, như việc hướng dẫn cách để dạy học trò.
Tiếp đến, Shark Hưng cũng tuyên bố không đầu tư vì 3 lý do: mô hình kinh doanh không rõ nét và đi vào phân khúc thị trường nhỏ; không nắm giữ được năng lực cạnh tranh chủ đạo; khả năng đầu tư vào mô hình này để phát triển lớn lên rất khó. "Nhưng nếu ở quy mô nhỏ, 5-10 cái tự vận hành tự quản lý thì rất ok. Điều đó thì bạn không cần chúng tôi" – Shark Hưng kết luận.
Shark Bình phân tích, điểm cộng của startup này là mô hình có cơ sở, vì Shark nhận thấy rất nhiều bạn sang Philippines hay Singapore để học tiếng Anh theo mô hình này. Nhưng điểm trừ là những điều Shark Hưng đã nói, thêm vào đó cấu trúc giá của startup có vấn đề: "Theo anh, mô hình này nên định vị cao cấp và những người vào đây đảm bảo sẽ được cải thiện thì giá phải cao vì chúng ta đang trao cho họ một giá trị tốt. Sản phẩm tốt thì có quyền lấy giá cao" – Shark Bình nói. Shark cũng cho rằng mô hình cần phải điều chỉnh rất nhiều nên chưa đầu tư ngay vào thời điểm này. Shark cũng bày tỏ, nếu startup quay về và điều chỉnh lại mô hình kinh doanh và chứng minh được nó trong vài tháng tới thì Xuân Vũ có thể liên lạc với Shark Bình để hợp tác đầu tư.
Shark Louis cũng gửi gắm đến startup một bài học liên quan đến việc đặt tên thương hiệu: "Jackma là người Trung Quốc là bạn lại dạy về tiếng Anh thì nó hơi lạ…Bạn phải suy nghĩ cái tên cho phù hợp, nó không bị dính líu về vấn đề chính trị, hay người này người kia, nước này nước kia. Bạn dạy tiếng Anh mà dùng một người Trung Quốc thì sao hay được. Đó là ý kiến của tôi và tôi không đầu tư" – Shark Louis kết luận.