Kopi Kenangan và Fore Coffee là hai startup có ý định biến sự bùng nổ đó thành một nền văn hóa toàn diện hơn bằng cách cung cấp đồ uống mang đậm tính đặc sản địa phương, chất lượng tốt và có giá phải chăng cho tầng lớp trung lưu đang phát triển của Indonesia.
Theo thống kê, tiêu thụ cà phê của Indonesia đã tăng 26% từ năm 2013 đến năm 2018. Edward Tirtanata, người sáng lập Kopi Kenangan cho biết thị trường này đang tồn tại một khoảng cách lớn giữa cà phê hòa tan so với những loại đồ uống cao cấp hơn như ở Starbucks. Anh nói: "Cà phê cao cấp có giá gấp khoảng 40 lần cà phê hòa tan. Và khoảng cách đó là điều mà chúng tôi nhắm đến".
Một cốc cà phê của Fore Coffee được bán với giá 2,5 USD, cao hơn so với mức 1,3 USD của Kopi Kenangan nhưng trên thực tế, khách hàng của họ được giảm giá rất nhiều. Các nhà đầu tư mạo hiểm bị thu hút bởi những startup như Kopi Kenangan và Fore Coffee bởi tiềm năng lợi nhuận cao từ mô hình nhận cà phê và mang đi tương tự startup Trung Quốc, Luckin Coffee vừa IPO vào tháng 5 vừa qua trên sàn giao dịch Nasdaq.
Luckin Coffee được dự đoán sẽ sớm "soán ngôi" của Starbucks tại Trung Quốc.
Để giữ chi phí hoạt động ở mức tối thiểu, hầu hết các cửa hàng của Kopi Kenangan và Fore Coffee đều có dạng ki-ốt với rất ít hoặc không có chỗ ngồi. Khách hàng có thể đặt hàng qua các ứng dụng chuyên dụng thường cung cấp chương trình giảm giá hoặc xếp hàng tận nơi. Những người đặt hàng qua ứng dụng cũng có thể đặt giao đồ uống và thanh toán qua dịch vụ của Go-Jek hoặc Grab. Ngoài ra, hai thương hiệu này còn sử dụng hạt cà phê của Indonesia để cắt giảm thêm chi phí.
Ở Indonesia, cà phê hòa tan được những người có thu nhập thấp ưa chuộng trong khi những loại cao cấp (như của Starbucks) là đồ uống yêu thích của người giàu. Mặc dù vậy, giờ đây, với sự tham gia của Kopi Kenangan và Fore Coffee, tiềm năng về những thương hiệu cà phê dành cho người tiêu dùng có thu nhập trung bình cao sẽ được đẩy mạnh và thu hút thêm nhiều nhà đầu tư mạo hiểm.
Kopi Kenangan đã huy động được tổng cộng 28 triệu USD, trong đó 20 triệu USD đến từ Sequoia Capital. Còn Fore Coffee đã gọi vốn thành công 9,5 triệu USD trong Series A do East Ventures dẫn đầu.
Melisa Irene, một nhà quản lý tại East Ventures nhận định: "Sự thành công của Luckin Coffee khi IPO cách đây vài tháng cho thấy niềm tin gia tăng ở lĩnh vực đầu tư này".
Kopi Kenangan được thành lập năm 2017, Fore Coffee xuất hiện một năm sau đó và cả hai thương hiệu đều đang mở rộng mạnh mẽ. Kopi Kenangan hiện có 94 cửa hàng trên khắp Indonesia với kế hoạch tăng tổng số lên 150 cơ sở vào cuối năm nay. Trong khi đó, Fore Coffee đang có 72 cửa hàng và dự kiến tăng lên 135 cơ sở đến cuối năm nay. Fore cho biết họ sử dụng dữ liệu thu thập từ nền tảng để hiểu rõ hơn sở thích của khách hàng cũng như tìm địa điểm phù hợp nhất để mở cửa hàng mới. Đến thời điểm hiện tại, bộ dữ liệu của công ty đã được chứng minh là một công cụ hiệu quả.
Một quán cà phê của Kopi Kenangan.
Cà phê đã tồn tại hàng trăm năm ở Indonesia, với hạt giống được giới thiệu từ đầu những năm 1700 bởi người Hà Lan. Sau đó, Java đã trở thành nguồn cung cấp hạt Arabica chất lượng cao lớn nhất cho thị trường châu Âu.
Thế nhưng sau khi phần lớn cây trồng bị quét sạch bởi một dịch bệnh những năm 1880, cây arabica của Tây Java đã được thay thế bằng một loại có tên là Robusta có khả năng kháng bệnh cao hơn nhưng lại không thơm như arabica. Năm ngoái, chỉ có 10% sản lượng cà phê của Indonesia là arabica thơm. Fore Coffee tin rằng việc dùng 100% arabica của Indonesia và tạo ra nhiều nhu cầu hơn sẽ giúp nông dân địa phương cải thiện thu nhập.
Irene chia sẻ: "Nếu Fore có thể tạo ra nhu cầu về arabica trong nước thông qua một thương hiệu địa phương thì mọi việc sẽ trở nên tốt hơn cho nhiều bên. Người tiêu dùng hoàn toàn có thể giúp đỡ người nông dân trồng cà phê và thậm chí là nền kinh tế nước nhà thông qua những thương hiệu như Fore Coffee".