Startup bị nhầm tên iAI đến với Shark Tank tuần này là Trần Thu Hằng – Nhà sáng lập công ty cổ phần iAI - Ứng dụng MoneyBot và Nguyễn Đức Giang – Đồng sáng lập.
Chia sẻ về ý tưởng phát triển ứng dụng, Thu Hằng cho biết, các ứng dụng quản lý tài chính cá nhân phổ biến hiện nay trên thị trường đã cũ và không mang lại được trải nghiệm mới mẻ cho người dùng. Chính vì trăn trở đó, ứng dụng quản lý tài chính cá nhân MoneyBot đã ra đời. Theo chia sẻ của nhà đồng sáng lập, đây là ứng dụng đầu tiên và duy nhất trên thị trường hiện nay có tính năng chatbot và áp dụng AI để hỗ trợ người dùng nhập thông tin chi tiêu dưới 3 dạng: tin nhắn văn bản, tin nhắn âm thanh và chụp các hóa đơn. Ngoài ra, MoneyBot còn phân tích thói quen chi tiêu của người dùng để đưa ra lời khuyên, giúp người dùng cải thiện chi tiêu. Định hướng tiếp theo của MoneyBot là tích hợp với ví, ngân hàng và bảo hiểm để ứng dụng này trở thành đơn vị phân phối sản phẩm và dịch vụ trực tiếp của ngân hàng và bảo hiểm.
Đội ngũ của MoneyBot cũng dự tính năm đầu tiên chi phí sẽ là 3,8 tỷ và doanh thu 6,3 tỷ, điểm rơi lợi nhuận sẽ đến sau 1-3 năm. Với những con số đưa ra, Thu Hằng và Đức Giang đến đây Shark Tank để tìm kiếm cơ hội đầu tư 1,5 tỷ cho 10% cổ phần.
Trả lời câu hỏi của Shark Hưng về nguồn doanh thu, Thu Hằng cho biết doanh thu của MoneyBot đến từ lượt tải trên CH Play và Appstore, bán tài khoản premium và quảng cáo. Đây là ứng dụng miễn phí, tháng 6 chính thức ra mắt trên Appstore, ở lượt tải vượt 10.000 lượt thì ứng dụng sẽ được Apple trả phí 1$ trên mỗi lượt tải. Ở thời điểm ghi hình, MoneyBot vẫn đang trong quá trình hoàn thiện sản phẩm.
Shark Hưng đặt ra nhiều câu hỏi sâu hơn về giá của gói premium, doanh thu quảng cáo dự kiến, phần trăm hoa hồng từ bảo hiểm và ngân hàng,…
Thu Hằng trả lời, gói premium sẽ được bán với giá 19.000Đ/tháng và 89.000Đ/năm. Doanh thu từ quảng cáo sẽ chiếm phần lớn, tuy nhiên cô chưa đưa ra được con số cụ thể. Còn việc tích hợp với bảo hiểm và ngân hàng sẽ là giai đoạn sau khi đưa sản phẩm ra thị trường.
"Bạn kết nối thế nào với ngân hàng và bảo hiểm, có cổng thanh toán chung không, làm thế nào để kết nối ngân hàng với tài khoản của người dùng?" Shark Hưng đặt câu hỏi.
"Bọn em liên kết với ví, ngân hàng và bảo hiểm, bọn em chỉ nhận thông tin đã chuyển khoản thành công hay chưa, và bọn em hiển thị trên app. Tiền thì do ví và ngân hàng phụ trách", Đức Giang trả lời.
"Em là thiết kế đồ hoạ, thiết kế app mobile, bạn Giang phụ trách IT", Thu Hằng giới thiệu về nghề nghiệp trước đây.
"Vậy cofounder không có ai làm tài chính?", Shark Linh đặt câu hỏi.
"Có hai bạn ạ", Thu Hằng trả lời.
Shark Liên hỏi về vai trò của app trong hệ sinh thái bảo hiểm của Shark, Thu Hằng cho biết: "Bọn em giống như đại lý phân phối sản phẩm bảo hiểm của Shark Liên, người dùng sử dụng ứng dụng thì bọn em biết thói quen chi tiêu của khách hàng và bọn em thống kê lại đưa lời khuyên nên đưa bảo hiểm để đưa vào khoản mục chi tiêu của mình".
Shark Bình lên tiếng, MoneyBot bản chất là app ghi sổ, ghi và thống kê các hạng mục chi tiêu. Shark cũng nhận thấy "trên Appstore có hàng nghìn app miễn phí cho việc ghi sổ này rồi".
Trả lời câu hỏi của Shark Linh về điểm đặc biệt của app này, nhà đồng sáng lập cho biết, điểm độc nhất của MoneyBot là vấn đề về nhập liệu. Nếu các app khác phải nhập thời gian, danh mục chi tiêu, nhập số tiền thì với MoneyBot, người dùng chỉ cần nhập tin nhắn như messenger thì AI sẽ tự phân tích ra thời gian, danh mục, số tiền.
Là một vị "cá mập" công nghệ, Shark Bình phân tích, hiện nay có 3 cách để nhập chi tiêu: nhập thông qua ngân hàng, số dư tài khoản; qua thẻ và phương pháp phổ biến nhất hiện nay là nhập tay. Shark Bình nhận xét, các tính năng chatbot, chat trong app, đưa chatbot vào phân tích,… của MoneyBot hiện nay không có gì mới hay phức tạp. Về mặt kỹ thuật, MoneyBot không có gì đặc biệt hay bí quyết. Bên cạnh đó, MoneyBot còn ra mắt tương đối muộn, cơ hội thị trường đã qua mất nên Shark Bình khuyên đội ngũ MoneyBot không nên đi theo hướng này nữa.
"Chúng ta không nên sáng chế lại cái bánh xe" – Shark Bình nói.
Ngược quan điểm với Shark Bình, Shark Hưng cho rằng startup vẫn có thể đi theo hướng này nhưng phải nghĩ theo mô hình khác. Vì mô hình kinh doanh của startup đang thu tiền một cách rất truyền thống, khó tăng trưởng được lớn. "Nếu như bạn kết hợp được vào đây bạn bán được những sản phẩm tài chính cá nhân, bán được bảo hiểm, bán được ngân hàng, các dịch vụ đầu tư hoặc là tư vấn tiêu dùng" – Shark Hưng khuyên.
"Vì sao Facebook có 3,5 tỷ người dùng, vì họ cho dùng free, chỉ thu tiền rất ít người chạy quảng cáo trên đó thôi. Nếu bạn muốn bán được hoa hồng thì phải free download và làm sao thật hữu dụng. Còn vấn đề tư vấn của chuyên gia, liệu ai là người đủ trình độ tư vấn. Ví dụ trong công ty chứng khoán, tôi chỉ tin rất ít người được kiểm chứng là lời khuyên của họ đáng tin cậy, còn các bạn dựa vào đâu, hay dựa vào mấy cuốn sách đi mua ngoài chợ về tài chính cá nhân, căn cứ theo mô hình của tác giả, hai bạn không phải dân kinh doanh, tôi muốn nghe về kế hoạch doanh thu 1-2 năm tới", Shark Hưng muốn nghe một kế hoạch kinh doanh từ một thành viên phụ trách kinh doanh của startup.
Lúc này, Nguyễn Thị Tú Sương – Đồng sáng lập công ty cổ phần iAI - Ứng dụng MoneyBot xuất hiện tại trường quay và chia sẻ thêm về kế hoạch đạt được 1 triệu người dùng ứng dụng. Theo Tú Sương, sau khi phân tích thị trường, nhu cầu người dùng về thị trường app trong năm 2016-2020 đã tăng một con số kỷ lục: hơn 400%. Tú Sương cũng nhận thấy người dùng đang rất quan tâm đến mảng tài chính. Với những app đã có trên thị trường và những thành tích mà họ đạt được, MoneyBot "kỳ vọng là 5 năm sẽ đạt 1 triệu người dùng". Để làm được điều này, MoneyBot cũng đang xây dựng chiến dịch marketing, vào các trường đại học tổ chức hội thảo hoặc chiến dịch để thu hút sinh viên tải app, dùng các KOL nhỏ lẻ để lan truyền, thông qua Shark Tank để lan rộng sản phẩm,...
"Kỳ vọng viển vông… Bởi vì hiện nay đang có rất nhiều lựa chọn sẵn có trên thị trường và người ta đã phát triển hàng chục năm nay rồi" – Shark Bình nhận định.
"Chúng ta chỉ dự đoán thôi" – Shark Linh nhận xét thêm. Shark Linh hỏi thêm nhà đồng sáng lập điểm đặc biệt của bản premium để người dùng trả thêm tiền.
Tú Sương chia sẻ, các tính năng chatbot, chat voice, chat text,… trong 6 tháng đầu tiên sẽ hoàn toàn miễn phí. Sau đấy MoneyBot sẽ phát triển thêm tính năng chia sẻ hóa đơn. Với bản premium người dùng cũng được tạo nhiều ví hơn thông qua các liên kết ngân hàng, được sử dụng tất cả các thẻ của ngân hàng không bị giới hạn, không có quảng cáo,…Bước vào giai đoạn liên quan đến bảo hiểm, những người sử dụng premium sẽ được mua các sản phẩm dịch vụ bảo hiểm một cách tốt nhất, có các ưu đãi, voucher,…
Shark Bình một lần nữa khẳng định, các tính năng của MoneyBot là bình thường tại trình độ công nghệ hiện nay. Nhiều ứng dụng hiện nay còn miễn phí hoàn toàn và kiếm tiền từ quảng cáo chứ không chỉ miễn phí 6 tháng như Moneybot. Bên cạnh đó, vì ra đời muộn nên chắc chắn phải mất gấp 3 lần chi phí để giành khách hàng từ tay đối thủ đi trước (CAC). "Chính vì thế anh khuyên các em suy nghĩ lại, đỡ phí tuổi thanh xuân và tiền của các Shark".
Tuy nhiên, Thu Hằng khẳng định, công nghệ sinh ra để phục vụ cho người dùng thuận tiện hơn. "Kể cả công nghệ cao siêu thế nào mà không áp dụng được vào thì đấy là công nghệ vứt đi" – Thu Hằng nói. Chính vì vậy, cô tự tin mình có một ứng dụng với công nghệ đơn giản nhưng mang lại trải nghiệm tốt hơn cho người dùng, nhanh chóng hơn và thú vị hơn các đối thủ đi trước.
"Tôi khuyên các bạn nên dừng lại, dùng năng lực của mình để làm thứ mới thì mới thuyết phục được nhà đầu tư hơn nhiều. Với tình trạng hiện tại, tôi không đầu tư"– Shark Bình kết luận.
Không khuyên MoneyBot dừng lại nhưng Shark Hưng mong startup nên thay đổi mô hình. Shark cũng nhận thấy MoneyBot "khá chơi vơi" vì startup không có năng lực cạnh tranh cốt lõi. "Khách hàng chưa có, sản phẩm thì mù mờ. cách các bạn marketing, tổ chức sự kiện để thuyết trình về tài chính cá nhân, tôi thấy càng sai lầm hơn nữa vì sản phẩm công nghệ thì phải marketing bằng công nghệ chứ không phải marketing bằng cách offline đi tổ chức sự kiện, phát tờ rơi quảng cáo cài app" – Shark Hưng nhận xét. Tuy nhiên Shark Hưng cũng đánh giá cao tính năng chia sẻ hóa đơn của MoneyBot vì có thể "MGM - Member Get Member khiến người bên cạnh phải cài app". Với những phân tích của mình, Shark Hưng cũng từ chối đầu tư.
Giống như Shark Hưng, Shark Liên cũng không khuyên startup dừng lại "vì làm gì cũng phải yêu thích và yêu thích thì chúng ta phải đi tới cùng". Thế nhưng, Shark Liên cũng cho rằng MoneyBot nên chuyển mô hình khác đi. "Tôi không đầu tư nhưng tôi sẽ là khách hàng của các bạn" – Shark Liên kết luận.
Shark Phú là vị "cá mập" tiếp theo từ chối đầu tư và khuyên MoneyBot nên tìm kiếm các nhà đầu tư thiên thần thì phù hợp hơn với giai đoạn hiện tại của startup.
Shark Linh nhận định, MoneyBot đã bắt đầu đúng bằng việc phát triển ứng dụng dựa trên "nỗi đau" trong trải nghiệm của người dùng. Tuy nhiên Shark Linh lo rằng startup chưa phân tích đủ các hướng kế tiếp. Công ty này cũng còn hơi trẻ với Shark. Vì vậy, Shark Linh cũng kết luận không đầu tư.