Sky Mavis – nhà phát triển game Axie Infinity vừa gây tiếng vang trong làng khởi nghiệp Việt, khi thành công kêu gọi 7,5 triệu USD cho vòng serie A, giữa dịch Covid-19. Vòng gọi vốn này được dẫn dắt bởi Libertus Capital, một quỹ đầu tư mạo hiểm của Anh. Một số tổ chức khác cũng tham gia vào vòng rót vốn này là 500 Startups, Collab Currency, DeFi Alliance, CoinGecko Ventures và Animoca Brands.
Về việc rót vốn dưới tư cách cá nhân, ngoài tỷ phú Mark Cuban, vị cá mập trong gameshow Shark Tank của Mỹ, còn có Alexis Ohanian - Đồng sáng lập Reddit và John Robinson - Giám đốc điều hành 100 Thieves, một trong những công ty thể thao điện tử giá trị nhất thế giới.
Vào tháng 11/2019, chỉ sau 18 tháng ra mắt, Sky Mavis cũng đã thành công thuyết phục các nhà đầu tư rót vốn vào mình với tổng số tiền 1,5 triệu USD. Nhà đầu tư chính của họ ở vòng gọi vốn này là Animoca Brands cùng sự tham gia của các nhà đầu tư khác như Hashed, Pangea Blockchain Fund, ConsenSys và 500 Startups.
Nhìn vào những thông tin trên, chúng ta có thể thấy 2 cái tên quen thuộc xuất hiện trong cả 2 vòng gọi vốn là 500 Startups cùng Animoca Brands. Có thể xem 500 Startups là ‘người khai quật’ ra cái tên Sky Mavis – Axie Infinity, khi startup này được lựa chọn vào học tập ở chương trình hỗ trợ tăng tốc tên Saola Accelerator của họ vào giữa năm 2019. Animoca Brands là nhà đầu tư chính ở vòng tiền serie A, tiếp tục đồng hành cùng Sky Mavis trong vòng serie A thì cũng chẳng có gì lạ.
Ở giới khởi nghiệp Việt Nam, 2 trong cái tên 3 co-founder của Sky Mavis là Aleksander Leonard Larsen - COO và Jeffrey Zirlin – Trưởng bộ phận phát triển có thể lạ; song Trung Nguyễn – CEO thì không. Ở tuổi 20, anh từng cùng với 3 người bạn đứng ra khởi nghiệp với dự án Lozi hay Loship hiện tại.
Theo chia sẻ của Trung Nguyễn với chúng tôi trong một bài phỏng vấn trước đây, thì lúc đó, mặc kệ lời phản đối của ba mẹ, anh vẫn quyết định nghỉ ngang đại học FPT (lúc đang học năm 2) để khởi nghiệp với Lozi.
"Lúc đó, phong trào khởi nghiệp tại Việt Nam chưa rầm rộ như bây giờ. Khởi nghiệp bị xem như là việc gì đó khá điên rồ. Dù có những tấm gương bỏ học khởi nghiệp thành công như Mark Zuckerberg hay Bill Gates, nhưng ba mẹ tôi nào biết họ là ai. Thế nhưng, vì không lý luận lại tôi nên họ đành đồng ý, tuy vậy trong thâm tâm tôi biết ba mẹ mình khá buồn", Trung Nguyễn nhớ lại.
Những tưởng, sự nghiệp học tập của Trung ngang đó là chấm dứt, nhưng sau 3 năm gầy dựng Lozi với vị trí CTO, khi cảm thấy định hướng của mình không còn giống với những founder còn lại và Lozi bắt đầu nặng về vận hành chứ không còn là công nghệ như giai đoạn đầu tiên; thế là, Trung rời đi, chuyển hẳn vào sống ở TP. HCM và tiếp tục học nốt đại học.
Nhìn bao quát làng startup công nghệ Việt, Trung Nguyễn là một trong những founder hiếm hoi phát triển kinh doanh trong mảng công nghệ cao như blockchain mà chưa từng đi du học.
"Sở dĩ, chúng tôi có thể làm người tiên phong, bởi blockchain là một trong những công nghệ mới nhất trên thế giới, nên sự phát triển trong lĩnh vực này giữa các nước tiên tiến và phát triển không chênh lệch nhau bao nhiêu.
Gần như mọi người trên thế giới này đều đang cùng ở xuất phát điểm trong việc phát triển và ứng dụng blockchain vào mọi thứ trong cuộc sống. Thậm chí, nếu chúng ta đủ giỏi, có thể vượt lên trước thế giới", Trung Nguyễn nêu cụ thể.
Không như Lozi, dự án Axie Infinity đến với Trung khá tình cờ chứ không phải có chủ đích ngay từ đầu. Như phần đông dân lập trình khác, Trung rất mê chơi game, ngoài ra anh còn rất mê khám phá những công nghệ mới của thế giới, ví như blockchain.
Vào một ngày đẹp trời cách đây hơn 4 năm, Trung chợt nghĩ có lẽ mình nên thử kết hợp 2 thứ đó lại với nhau, thế là Axie Infinity ra đời. Mới đầu, anh chỉ định làm cho vui để phục vụ sở thích cá nhân, nhưng khi thấy giới chơi game đón nhận rất nhiệt tình, Trung liền nghĩ đến việc thương mại hóa nó cũng như vẽ ra một kế hoạch phát triển khá tham vọng. Xây dựng một hệ sinh thái quanh Axie Infinity.
Hiện tại, Sky Mavis vẫn đang thể hiện được tính tiên phong của mình, khi có ý định đi theo xu hướng phát triển chung của thế giới: trở thành một nền tảng dành riêng cho game có liên quan đến sở hữu - mua bán trên blockchain. Tức không phải xây nên hệ sinh thái cho riêng Axie Infinity của mình mà cả những game tương tự.
"Sau 3 năm phát triển, hiện nhân sự của Sky Mavis đã lên con số 32. Vì công ty tôi nghiêng về online business nên Covid-19 không ảnh hưởng nhiều đến việc kinh doanh và cả gọi vốn. Cũng như nhiều startup khác, Sky Mavis cũng gọi vốn qua video call là chính. Dường như, mọi người đang dần cảm thấy việc pitch qua video call chẳng vấn đề gì.
Trước giờ khi gặp mọi người, tôi thường giới thiệu là mình đang làm game, nhưng thật tế là Sky Mavis đang xây dựng cả một nền tảng để phát triển và phát hành game blockchain. Chúng tôi vừa hoàn thành xong và chạy thử nghiệm công nghệ nền phía dưới cho nền tảng thanh toán. Tức là, trong tương lai, trên nền tảng của Sky Mavis, không chỉ có tựa game Axie Infinity mà còn có những tựa game blockchain của nhiều nhà phát triển khác
Hay chi tiết hơn, nền tảng này sẽ dành riêng cho những game cho phép người chơi sở hữu – mua bán, còn blockchain là công nghệ nền phía dưới. Bây giờ đây là thị trường ngách, nhưng trong tương lai mô hình này sẽ phổ biến hơn", anh Trung Nguyễn tiết lộ thêm.
Theo chia sẻ của Sky Mavis, Axie Infinity hiện đang có 39.000 người chơi hoạt động hàng ngày và khối lượng giao dịch NFT theo tháng chạm mốc 12 triệu USD. Dữ liệu từ DappRadar.com cho thấy khối lượng giao dịch trên Axie Infinity đạt 4,4 triệu USD trong 7 ngày gần nhất.
Nhà đồng sáng lập Zirlin cho biết Sky Mavis thu khoản phí 4,25% trên mỗi giao dịch của người chơi.
Với vòng gọi vốn lần này, trị giá 7,5 triệu USD cho 10% cổ phần, Sky Mavis sẽ sử dụng tiền đầu tư để tăng quy mô nhân sự và cải thiện công nghệ, đưa tựa game Axie Infinity tiếp cận tới nhiều người chơi hơn.