Bình Minh là doanh nghiệp khá non trẻ khi mới thành lập được 4 tháng, có ít thông tin hoạt động và khá bí ẩn trên thị trường.
Như thông tin trước đó, chiều ngày 8/2, Cục thuế TP.HCM đã nhận được văn bản của Công ty TNHH Đầu tư Phát triển và Thương mại Bình Minh, đề nghị không triển khai dự án trên lô đất 3-9 thuộc khu chức năng số 3, Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP.Thủ Đức) với lý do tình hình dịch Covid-19 ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, nên không đủ vốn để đầu tư.
Đây cũng là doanh nghiệp thứ 2 sau Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt (thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh) gửi văn bản đến các ngành chức năng với nội dung liên quan những lô đất trúng đấu giá tại Thủ Thiêm ngày 10/12/2021.
Về bước xử lý tiếp theo, ông Lê Duy Minh, Cục trưởng Cục thuế TP.HCM cho biết, các cơ quan chuyên môn khác của TP.HCM sẽ tiếp tục làm việc với doanh nghiệp này.
Bình Minh là công ty nào?
Công ty TNHH Đầu tư Phát triển và Thương mại Bình Minh (Công ty Bình Minh) đã vượt qua 140 lượt gọi giá với 13 doanh nghiệp khác để trúng đấu giá lô đất với số tiền 5.026 tỷ đồng, cao gấp 6,9 lần so với giá khởi điểm.
Dù bỏ tới hơn 5.000 tỷ đồng để trúng đấu giá lô đất trên, song Công ty Bình Minh gần như đứng ngoài những lùm xùm đấu giá đất Thủ Thiêm vừa qua. Đến thời điểm hiện tại, một số thông tin ít ỏi về doanh nghiệp này mới bắt đầu xuất hiện.
Theo Cổng thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh thương mại Bình Minh vừa được thành lập ngày 24/09/2021, đặt trụ sở tại tòa nhà số 151 phố Yên Phụ, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội. Như vậy, khi tham gia đấu giá đất Thủ Thiêm doanh nghiệp này mới chỉ thành lập được 3 tháng.
Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp này là bà Thân Thị Liên (SN 1992). Khi mới thành lập, Bình Minh có quy mô vốn điều lệ 100 tỷ đồng, ngành nghề kinh doanh chính là "Hoạt động hỗ trợ dịch vụ tài chính".
Lô đất 3-9 tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm mà Công ty Bình Minh trúng đấu giá. |
Đến ngày 3/12/2021 (một tuần trước phiên đấu giá đất Thủ Thiêm), công ty này tăng gấp đôi vốn điều lệ, lên mức 200 tỷ đồng; đồng thời thay đổi ngành nghề kinh doanh sang "Kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê".
Dù xuất phát điểm vốn thấp hơn rất nhiều so với tài sản đấu giá, doanh nghiệp này vẫn đủ tư cách tham gia do Luật Đấu giá 2016 chưa quy định cụ thể về điều kiện "có năng lực tài chính", hoặc điều kiện "không vi phạm pháp luật về đất đai" của nhà đầu tư tham gia đấu giá.
Nhiều thông tin bên lề cho thấy doanh nghiệp này nằm trong hệ sinh thái của một tập đoàn tư nhân có trụ sở tại Hoàn Kiếm, Hà Nội, hoạt động đa ngành trong các lĩnh vực ngân hàng - tài chính, bất động sản, khách sạn, sân golf.
Theo ghi nhận của VnExpress tại trụ sở của Công ty Bình Minh, khoảng 15h45 ngày 9/2, bảng tên, địa chỉ, số điện thoại được đóng khung xanh, chữ trắng dán bên ngoài tòa nhà 151 (địa chỉ đăng ký).
Văn phòng của công ty ở tầng 2, nằm trong khu vực có nhiều phòng ban của một tổng công ty về ôtô. Dù trong giờ làm việc, văn phòng của Công ty Bình Minh đóng cửa, tắt đèn. Một số người làm việc gần văn phòng Bình Minh nói rằng không rõ thời gian, lịch làm việc của công ty này. Số điện thoại ghi trên biển hiệu của doanh nghiệp cũng không liên lạc được.
Theo ước tính của HoREA, với mức đấu giá thành công 1,03 tỷ đồng một m2 cho lô 3-9, giá thành sản phẩm dựa trên giá trúng đấu giá đất và quy hoạch với biên lợi nhuận 20% là 640 triệu đồng một m2 chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.
Nếu tính theo số căn hộ được quy hoạch, giá thành chạm ngưỡng 78,6 tỷ đồng một căn. Giá bất động sản thành phẩm của lô 3-9 thậm chí cao hơn giá thành phẩm căn hộ của lô 3-12 mà Tân Hoàng Minh bỏ cọc.
Xin không triển khai dự án có phải là bỏ cọc?
Trao đổi với phóng viên VOV, luật sư Trần Đức Phượng (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhận định, về việc trong văn bản gửi Cục thuế TP.HCM của Công ty TNHH Đầu tư phát triển và thương mại Bình Minh ghi yêu cầu không triển khai dự án thì đây là vấn đề câu chữ.
Tại thời điểm này, doanh nghiệp trúng đấu giá đã ký hợp đồng mua bán tài sản đấu giá, số tiền đặt trước (bằng 20% giá khởi điểm của lô đất) đã chuyển thành tiền đặt cọc.
Tại Điểm a, Khoản 1, Điều 29 của Luật Đầu tư năm 2020 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2021) quy định, việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất chỉ được thực hiện sau khi có "quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư", trừ trường hợp không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư.
Như vậy, cuộc đấu giá 4 lô đất khu Thủ Thiêm là cuộc đấu giá không có "quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư" mà vẫn thực hiện theo quy định của Luật Đấu giá năm 2016 và Thông tư liên tịch số 14/2015 giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với Bộ Tư pháp.
4 khu đất được đấu giá có tổng diện tích hơn 30.000 m2, thuộc khu chức năng số 3 và số 4 Khu đô thị mới Thủ Thiêm, phường An Khánh, TP Thủ Đức. Ảnh: Google Maps |
Do lô đất số 3-9 khu đô thị mới Thủ Thiêm mà Công ty TNHH Đầu tư phát triển và thương mại Bình Minh trúng đấu giá chưa có dự án nào, nên việc doanh nghiệp này yêu cầu không triển khai dự án là không có cơ sở.
Theo đó, luật sư Phương đề xuất phương án để bịt các lỗ hổng có nguy cơ gây thất thoát ngân sách Nhà nước, ảnh hưởng đến nền kinh tế, Chính phủ cần sớm có những quy định hướng dẫn kịp thời đối với hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất nói chung và đấu giá quyền sử dụng đất lựa chọn nhà đầu tư dự án.
(Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị)