Chế độ ăn của người Việt Nam đang thay đổi, họ ăn nhiều hơn trước với lượng thịt và sản phẩm chế biến từ động vật nhiều hơn.
Điều này hầu như không bất ngờ bởi trải qua 3 thập kỷ, Việt Nam từ một trong những quốc gia nghèo nhất Châu Á từng bước đổi mới trở thành một nước có nền kinh tế mới nổi, từ thiếu lương thực trở thành có lương thực dồi dào. Tuy nhiên, cho dù có tính đến việc tăng trưởng tiêu thụ thịt gắn liền với tình hình phát triển kinh tế, đô thị hóa thì những thay đổi về chế độ ăn của người Việt Nam là yếu tố chính.
Cách đây không lâu, chế độ ăn của người Việt Nam phần lớn là gạo và rau, thịt thường chỉ được ăn vào những dịp đặc biệt. Giờ đây, thịt xuất hiện trong tất cả bữa ăn hàng ngày. Lượng thịt một người Việt Nam tiêu thụ trung bình hiện nay gấp 4 lần so với cách đây 30 năm.
Trồng trọt, phở và thức ăn nhanh
Bắt đầu từ trồng trọt, nền nông nghiệp Việt nam phát triển mạnh mẽ từ năm 1986 sau giai đoạn đổi mới. Bên cạnh sự phát triển của cà phê và gạo, sản lượng ngành chăn nuôi cũng tăng trưởng ngoạn mục và hiện đã nhanh hơn so với sản lượng hoa màu, chiếm 1/3 tổng sản lượng nông nghiệp trong nước.
Ngoài ra, Việt Nam đang tiêu thụ một lượng lớn thịt nhập khẩu từ các quốc gia khác và khối lượng thịt nhập khẩu đang có xu hướng tăng. Cùng với các thỏa thuận thương mại, lượng thịt nhập khẩu mà chủ yếu là thịt gà và thịt bò từ Mỹ và Ấn Độ đã tăng vọt. Việt Nam thậm chí đang nhập khẩu gia súc sống từ Australia để giết mổ trong nước.
Các lò giết mổ hiện nay cũng lớn hơn, người dân dễ dàng mua được thịt ở các điểm bán lẻ, các siêu thị và cửa hàng tiện lợi đang mọc lên như nấm. Thịt xuất hiện nhiều hơn trong các món ăn đường phố, cửa hàng thức ăn nhanh và nhà hàng.
Nền văn hóa ẩm thực ngầm ưa chuộng thịt
Thịt đang trở thành một phần quan trọng trong thói quen tiêu dùng thực phẩm của người Việt Nam, theo nhiều cách khách nhau. Một ví dụ dễ thấy là sự bùng nổ của các nhà hàng bít tết cao cấp, nơi những người giàu tiêu số tiền bằng một tháng lương của một công nhân để thưởng thức một bữa ăn chỉ với một miếng thịt nhập khẩu và nhấm nháp chai rượu vang đỏ có xuất xứ nước ngoài.
Một ví dụ khó thấy hơn là lượng thịt tăng dần trong các món ăn đường phố. Nếu ngày trước, phở - một món ăn nổi tiếng ở Việt Nam - được bày bán đi kèm với một lượng nhỏ thịt bò hoặc thịt gà, bây giờ đã có những vị khách phàn nàn rằng có quá nhiều thịt trong tô. Sự thay đổi thói quen ăn uống cũng được thể hiện qua tốc độ tăng trưởng tiêu thụ thịt bò và gia cầm đang cao hơn so với thịt lợn, mặc dù thịt lợn vẫn là loại thịt được tiêu thụ nhiều nhất.
Nhà hàng bít tết và phở minh chứng cho thấy người Việt đang tăng lượng thịt trong khẩu phần ăn. Những nghiên cứu ở nhiều quốc gia và nền văn hóa cho thấy rằng con người có xu hướng ăn nhiều thịt hơn khi ra ngoài ăn so với khi ăn ở nhà.
Ở Việt Nam, một bữa ăn gia đình điển hình sẽ bao gồm thịt, nhưng thường chỉ chiếm một lượng nhỏ trong bữa ăn bao gồm gạo, rau, và đôi khi là hải sản. Tuy nhiên, trong những thập kỷ qua, người Việt Nam đã ra ngoài ăn nhiều hơn so với lúc trước.
Các chuỗi thức ăn nhanh như McDonalds và Burger King là một phần trong thói quen tiêu dùng mới của người Việt Nam. Tuy nhiên, văn hóa ẩm thực phương Đông có ảnh hưởng mạnh hơn so với phương Tây, điển hình là các món nướng theo phong cách Hàn Quốc và Nhật Bản ngày càng phổ biến và sử dụng rất nhiều thịt.
Minh chứng cho sự phát triển?
Một số người Việt Nam đang cắt giảm khẩu phần thịt, thường là vì lý do sức khỏe, nhưng cũng có một số là vì môi trường hoặc quyền động vật. Ăn chay trở thành trào lưu của giới trẻ và những người thuộc tầng lớp trung lưu ở đô thị.
Ở một quốc gia, nơi thịt từng là thực phẩm khan hiếm, thì việc tiêu thụ nhiều thịt hơn như là một minh chứng cho quá trình phát triển. Thật vậy, sự tăng trưởng kinh tế chính là động lực đằng sau sự bùng nổ của việc tiêu thụ thịt đang ở giai đoạn đầu của Việt Nam. Việc tiêu thụ thịt ở Việt Nam rất có thể sẽ tăng mạnh,cùng với việc ăn chay trở nên phổ biến hơn.