Kết cục bi thảm
Hyflux Ltd. là cái tên đang khiến nhiều nhà đầu tư đau đầu. Trọng tâm của nó là cuộc tranh luận về Tuaspring, một nhà máy khử nước mặn và năng lượng có giá 809 triệu USD. Nó được coi là một trong những nguồn cấp nước quan trọng của đảo quốc sư tử, nơi vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu và tận dụng nước mưa từ lâu.
Triển vọng rực rỡ của công ty đã thu hút nhiều nhà đầu tư, trong đó có Li Meicheng và Violet Seow, đổ tiền tiết kiệm cũng như vay mượn thêm để đầu tư. Tuaspring đã có màn ra mắt hoàn hảo vào tháng 9/2013. Nhiều quan chức cấp cao của chính phủ đã ca ngợi nhà máy "là một dấu mốc mới trong hành trình nước của Singapore". Họ cũng không quên ca ngợi sự độc đáo và hiệu quả của công nghệ nó được thiết kế.
Tuy nhiên, vấn đề duy nhất là nó không thể làm ra tiền. Ngay cả việc hòa lượng điện dư thừa vào lưới điện quốc gia của Singapore cũng không mang lại hiệu quả bởi cạnh tranh về điện ở đảo quốc sư tử là vô cùng khốc liệt. Khi cạn tiền mặt cùng khoản nợ phải trả lên tới gần 2,7 tỷ đô la Singapore, Hyflux rơi vào cảnh bi đát.
Ở thời điểm hiện tại, nhiều nhà đầu tư mong đợi chính phủ vào cuộc và giúp đỡ một liên doanh mà họ đã từng hết lời khen ngợi. Tuy nhiên, nhà chức trách Singapore đã từ chối lời kêu gọi can thiệp vào vấn đề họ cho là "thương mại". Hyflux có 30 ngày để thực hiện tốt nghĩa vụ của mình hoặc nhà nước chấm dứt hợp đồng và tịch thu nhà máy.
"Tôi rất thất vọng về việc chính phủ có lập trường cứng rắn thay vì đưa tay ra giúp đỡ cho một công ty mang tính biểu tượng của Singapore. Đây là một nhát dao với các nhà đầu tư", Li, doanh nhân 42 tuổi đang sở hữu cổ phiếu của Hyflux, chia sẻ với Bloomberg.
Hạn chót của chính phủ Singapore sẽ đến vào ngày 5/4 tới. Theo đó, các chủ nợ sẽ phải bỏ phiếu trong kế hoạch tái cấu trúc Hyflux và học buộc phải chấp thuận đánh liều hoặc có nguy cơ mất trắng. Để chống lại điều này, Hyflux buộc phải nhận được sự đồng thuận của 50% số người tham gia cuộc họp với điều kiện họ sở hữu đủ 75% giá trị của công ty. Do số lượng quá lớn người muốn tham dự, Hyflux đang phải tìm địa điểm có thể đáp ứng đủ.
Ang Chung Yuh, một nhà phân tích thu nhập cố định cao cấp tại iFast Corp., cho rằng: "Điều này làm tăng thêm sự cấp bách và áp lực đối với Hyflux và chủ nợ để vượt qua kế hoạch tái cơ cấu. Họ đang trong thế tiến thoái lưỡng nan".
Khi được hỏi, Cục Lợi ích Công cộng (PUB) thuộc Bộ Môi trường và nguồn nước của Singapore, cho biết trách nhiệm của họ là bảo vệ an ninh nước của Singapore và các nhà máy khử mặn là không thể thiếu với an ninh đó. Quyết định của PUB là để đảm bảo tài sản được bảo mật và tiếp tục sản xuất nước cho người Singapore.
Cảm thấy bị bỏ rơi
Li và những người nắm giữ cổ phiếu của doanh nghiệp sẽ mất tới 90% số vốn trong đề xuất tái cơ cấu. Theo đó, Tập đoàn Salim Group của Indonesia và công ty năng lượng Medco Group sẽ mua 60% cổ phần với khoản tiền mặt trị giá 530 triệu đô la Singapore. Ngân hàng và những người nắm giữ trái phiếu cấp cao sẽ mất khoảng 75% giá trị.
"Nhà đầu tư mới cần tài sản chứ không phải những khoản nợ. Chúng tôi cảm thấy mình đang bị bỏ rơi", Seow, một bà nội trợ ngoài 50 tuổi đầu tư vào cổ phiếu và trái phiếu của Hyflux, cho biết. Seow là một trong những người dự kiến bỏ phiếu chống lại thỏa thuận tái cấu trúc. Bà đã dành hết cả khoản tiền tiết kiệm của mình cho khoản đầu tư vào Hyflux.
Hyflux đang nối dài danh sách 14 vụ phá sản lớn ở Singapore kể từ năm 2014. Nó cho thấy những rủi ro trong góc tối của thị trường tín dụng trị giá 386 tỷ đô la Singapore – Trái phiếu không được xếp hạng hiện đang trả lãi suất ngang với trái phiếu hạng đầu cơ trong thời kỳ lãi suất gần như bằng không. Các nhà đầu tư, từ triệu phú cho tới công chức về hưu, đều là nạn nhân của những vụ sụp đổ tồi tệ này.
Lawrence Loh, chuyên gia cấp cao tại trường Kinh doanh NUS của Singapore, nhấn mạnh: "Những vụ sụp đổ này là hồi chuông cảnh tỉnh cho ngành tài chính Singapore về cách chúng ta quảng bá những công cụ mới và rủi ro đến vậy hay sự thiếu hụt trong việc giáo dục công chúng trong lĩnh vực đầu tư".
Không chỉ là hồi chuông với các nhà đầu tư, ông Loh cũng cảnh báo các công ty chọn cách thúc đẩy tăng trưởng bằng cách nhận một khoản nợ lớn trong khi các nhà đầu tư đã đặt sai niềm tin vào những gì họ nghĩ là được nhà nước hậu thuẫn. "Thật không may, chẳng ai lùi lại phía sau và đặt câu hỏi", Loh cho hay.
Cuối năm 2010, Hyflux được định giá gần 2,1 tỷ đô la Singapore. Tuy nhiên, tháng 5 năm ngoái, cổ phiếu bị đình chỉ giao dịch với giá 0,21 đô la Singapore/cổ, khiến công ty được định giá 165 triệu đô la Singapore. Doanh nghiệp này đang tìm cách xóa nợ 1 tỷ đô la Singapore khỏi bảng cân đối kế toán để tồn tại.